Tìm hiểu về thân thế của Thập Bát La Hán trong đạo Phật

Thập Bát La Hán là danh xưng để chỉ 18 vị La Hán trong đạo Phật, vĩnh viễn ở lại thế gian hộ Pháp, là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chi Nguyễn
11:35 22/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thập bát La Hán là gì?

Thập Bát La Hán (十八羅漢) là danh xưng để chỉ 18 vị La Hán trong đạo Phật, là những vị vĩnh viễn ở lại thế gian hộ Pháp, là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Tương truyền rằng, ban đầu có 16 vị La Hán, sau này được xác nhận thêm 2 vị La Hán khác.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Thập Bát La Hán là danh xưng để chỉ 18 vị La Hán trong đạo Phật, là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Theo một số nghiên cứu, thực chất ban đầu chỉ có 10 vị La Hán là đệ tử của Phật, trong một số kinh điển Phật giáo khác của Ấn Độ thì chỉ có ghi chép về 4 vị là Pindola, Kundadhana, Panthaka và Nakula. Theo đó, Phật di chúc rằng họ sẽ truyền bá đạo pháp trong nhân gian, trong khi chờ đợi sự xuất hiện của Phật Di Lặc.

Về sau, số lượng các vị La Hán tăng dần, được biết đến qua tác phẩm tên Nandimitrāvadāna (Pháp trụ ký) của vị Đại sư người Sri Lanka là Nandimitra, sau này được pháp sư Huyền Trang dịch sang chữ Hán. Vì một số lý do nào đó, tên của vị La Hán Kundadhana không còn xuất hiện trong danh sách này.

Tới thời kỳ cuối Đường mạt và đầu Ngũ đại Thập quốc thì danh sách các vị La Hán được bổ sung thêm 2 vị là La Hán Hàng LongLa Hán Phục Hổ, khi đó có 18 vị. Do đó, hình tượng Thập Bát La Hán trở nên phổ biến hơn, trong đó có cả Việt Nam. Được biết, tại Nhật Bản và Tây Tạng vẫn chỉ thờ 16 vị La Hán.

Được biết, không có tài liệu nào đích xác mô tả chân dung các vị La Hán như hình tượng các ngài hiện nay. Những hình tượng về các vị La Hán đầu tiền được vẽ bởi thiền sư Quân Hưu vào năm 891. Tương truyền rằng, các vị La Hán biết sư Quán Hưu là một vị họa sĩ tài ba, nên họ đã xuất hiện trong giấc mơ của ông và yêu cầu ông vẽ lại chân dung của họ.

Thân thế của Thập Bát La Hán trong đạo Phật

Thập Bát La Hán là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật nhà Phật, ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc và Việt Nam. Thập Bát La Hán thường được trình bày theo thứ tự sau đây, không phân biệt thời gian đắc đạo, bao gồm các vị Tọa Lộc, Khánh Hỷ, Cử Bát, Thác Tháp, Tĩnh Tọa, Quá Giang, Kị Tượng, Tiếu Sư, Khai Tâm, Tham Thủ, Trầm Tư, Khoái Nhĩ, Bố Đại, Ba Tiêu, Trường Mi, Kháng Môn, Hàng Long và Phục Hổ. 

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Thập Bát La Hán là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật nhà Phật.

Tọa Lộc La Hán

Ông tên là Tân-đầu-lô-phả-đọa (Pindolabharadvaja), hay còn gọi là tôn giả Bạt La Đọa. Ông vốn xuất thân dòng Bà la môn, là đại thần danh tiếng của vua Ưu Đà. Ông thích tu tập nên sau này đã xuất gia, lên núi tu hành, sau khi chứng Thánh quả đã cưỡi hươu về cung khuyên bảo quốc vương xuất gia.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Tọa Lộc La Hán.

Tương truyền ông là có tướng mạo gầy ốm, lông mày dài, bạc tráng, thường hãy cưỡi hươu nên còn được gọi tên là Kị Lộc La Hán (La Hán Cưỡi Hươu).

Hỷ Khánh La Hán

Ông tên Già Phạt Tha (Kanakavatsa), nguyên là một nhà hùng biện thời Ấn Độ cổ đại, được Đức Phật khen là vị La hán phân biệt thị phi rõ ràng nhất. Là do khi chưa xuất gia thì tôn giả luôn tuân thủ khuôn phép, giữ gìn ý tứ, một ý nghĩ xấu cũng không phát khởi. Sau khi xuất gia lại càng nỗ lực tu tập, cùng với thiện căn sâu mà chứng quả A la hán rất mau.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Hỷ Khánh La Hán

Ông thường đi du hóa nhiều nơi, thuyết pháp chiêu phục chúng sanh, giáo lý nhân quả thiện ác, giúp chúng sanh phân biệt rõ ràng. Ông từng nói rằng: "Không do tai mắt mũi miệng tay mà cảm thấy vui thì đó là khánh (mừng), ví dụ như thành tâm hướng Phật, tâm cảm nhận thấy Phật thì vui." Bởi vậy nên ông còn được gọi là Hỷ Khánh La hán.

Cử Bát La Hán

Ngài là Nặc Già Bạt Lý Đà (Kanakabharadvaja), vốn là một vị hòa thượng hóa duyên, thường được mô tả là vị Bạch Y đại sĩ.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Cử Bát La Hán.

Phương pháp hóa duyên của tôn giả không giống người khác, mà ông thường mang theo một cái bát sắt bên mình, khi du hành khất thực thường giơ bát lên cao, hướng về người xin ăn. Sau này thế nhân gọi ông là Cử Bát La Hán.

Thác Tháp La Hán

Tôn giả Tô Tần Đà (Subinda) là vị la hán nâng bảo tháp Xá lợi Phật. Ông tu tập rất nghiêm túc, hay giúp người nhiệt thành nhưng không thích nói chuyện, chủ yếu thích nơi yên tịnh tịnh xá để đọc sách. 

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Thác Tháp La Hán

Đức Phật từng nói với ông rằng: "Này Tô Tần Đà! Nói chuyện hay hoặc dở không liên quan gì đến vấn đề giác ngộ. Mọi người chỉ cần y theo lời ta dạy mà thực hành, dù không nói câu nào cũng thành tựu sự giải thoát." Quả thực tôn giả hiếm khi lãng phí thời gian, lúc nào cũng thành tâm tọa thiền, bởi vậy nên chứng quả A la hán rất sớm.

Tĩnh Tọa La Hán

Tôn giả tên Nặc Cự La (Nakula), tương truyền trên vách hang thứ 76 động Đôn Hoàng có hình tượng ông ngồi kiết già trên phiến đá. Ông xuất thân dòng Sát đế lợi (Kshastriya) là hàng vua chúa quý phái, sức mạnh vô song. Sau khi xuất gia, sư phụ vì muốn ông vứt bỏ tính cách lỗ mãng khi còn trần thế nên bắt ông ngồi tĩnh tọa.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Tĩnh Tọa La Hán.

Khi ông ngồi tĩnh tọa liền hiện ra thể trạng đại lực sĩ, đạt quả A la hán trong tư thế tĩnh tọa, do đó được gọi là Tĩnh Tọa La hán.

Quá Giang La Hán

Tên ông là Bạt Đà La (Bhadra), còn được gọi là Hiền bởi mẹ ông hạ sinh ông dưới gốc cây Bạt đà la - còn gọi là cây Hiền, một loài cây quý hiếm của Ấn Độ. Sau này ông hay đi thuyền để vượt sông vượt biên đi truyền bá Phật giáo nên tên là Quá Giang La Hán.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Quá Giang La Hán.

Theo truyền thuyết, khi xưa Tôn giả rất thích tắm rửa, đôi khi mất thời gian vào việc tắm rửa. Chuyện này đến tai Đức Phật, Thế Tôn kêu Tôn giả tới bên rồi chỉ dạy cách tắm rửa thiết thực. Tức là, tắm rửa không chỉ là tẩy rửa thân thể, mà còn là tẩy rửa ô uế trong tâm, gột sạch tham sân si để tâm thanh tịnh. Sau đó, tôn giả hành trì theo lời Phật dạy, chẳng bao lâu chứng quả A la hán. 

Kỵ Tượng La Hán

Tên ông là Già Lực Già (Kalika), trước khi xuất gia làm nghề huấn luyện voi. Khi Tôn giả chứng quả A la hán, Đức Phật khuyên ông nên ở lại quê hương mình là Tích Lan để truyền bá Phật pháp. 

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Kỵ Tượng La Hán

Nhờ có năng lực và khả năng làm việc với voi mà người đời gọi ông là Kỵ Tượng La Hán. 

Tiếu Sư La Hán

Tôn giả tên là Phật Đà La (Vajraputra), tương truyền khi còn thế tục ông làm nghề thợ săn, thể lực tráng kiện, có thể một tay nâng voi, hoặc ném sư tử xa hơn 10 mét. Sau khi xuất gia ông từ bỏ sát sinh, thường có hai con sư tử quất quít đi theo, do đó ông còn được gọi là Tiếu Sư La Hán. 

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Tiếu Sư La Hán.

Khai Tâm La Hán

Tôn giả Tuất Bác Già vốn là Thái tử Trung Thiên Trúc (Jivaka), xuất thân Bà la môn. Khi người em của ông muốn tranh đoạt ngôi vị, ông chỉ nói: "Trong tâm ta chỉ có Phật, chứ không có Vương vị."

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Khai Tâm La Hán

Để chứng minh, ông mở lồng ngực của mình ra, để người em nhìn thấy bên trong tim ông quả thực có một vị Phật, do đó không làm loạn nữa. Ông thường được mô tả là vị La hán vạch áo bày ngực, hiển lộ tâm Phật, do đó còn được gọi là Khai Tâm La hán.

Thám Thủ La Hán

Ông tên Bạn Nặc Già (Panthaka), là anh trai của Hán Đồ Bạn Trá Già - một vị La hán khác. Bạn Nặc Già vốn là một thanh niên trí thức, thường nghe Phật thuyết pháp, sau này xuất gia, chẳng bao lâu đã thành một vị Tỳ kheo tinh tấn, sớm chứng quả A la hán.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Thám Thủ La Hán.

Sau đó, ông có trở về hướng dẫn em trai xuất gia, tuy nhiên thời gian đầu thấy em mình không tu theo được nên có khuyên hoàn tục. Đó là vì tình thương và trách nhiệm, chứ không phải do giận ghét mà nói như vậy. Về sau, cả Hán Đồ Bạn Trá Già cũng chứng Thánh quả, được Đức Phất dạy rằng: "Khó ai được như hai anh em các ông, vừa cùng xuất gia học đạo, vừa tận trừ phiền não lậu hoặc, chứng quả A-la-hán. Sau này hai ông nên đồng tâm hiệp lực lưu lại nhân gian để hoằng dương Phật pháp."

Khi đả tọa xong, ông thường giơ hai tay lên đầu, thờ dài một hơi, nên được gọi là Thám Thủ La Hán.

Trầm Tư La Hán

Ông tên La Hầu La (Rahula), là con trai của Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi xuất gia, ông bỏ dần tập khí vương giả, nỗ lực tu tập để chứng Thánh quả. Ông luôn nhẫn nhục, không thích hơn thua, có lần bị người khác chiếm phòng ở, ông lẳng lặng dời vào nhà xí ngủ qua đêm.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Trầm Tư La Hán

Ngay cả khi đã chứng quả A la hán, ông vẫn lặng lẽ tu tập, được Đức Phật khen tặng là Mật hạnh đệ nhất. Với đức tính lặng lẽ, nhẫn nhục, ông được gọi là Trầm Tư La Hán, là một trong 10 đại để tự của Phật.

Khoái Nhĩ La Hán

Tôn giả Na Già Tê còn được gọi là Na Tiên (Nagasena), vốn là người nổi tiếng về tài biện luận. Ông luận ra nhĩ căn, mà nhĩ căn là một trong số lục căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Lục căn là khí quan trọng để ta nhận thức thế giới, muốn tu thành chánh quả thì lục căn phải thanh tịnh.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Khoát Nhĩ La Hán (Oạt Nhĩ La Hán).

Nhĩ căn thanh tịnh là căn trọng nhất bởi nhĩ căn sinh ra nhận thức. Do vị La hán này có nhĩ căn thanh tịnh nhất, do ngài chuyên tu về nhĩ căn, nên được gọi là Khoái Nhĩ La Hán hoặc Oạt Nhĩ La Hán.

Bố Đại La Hán

Ông tên là Nhân Già Đà (Angada), theo truyền thuyết là người bắt rắn ở Ấn Độ, thường mang theo một chiếc túi to để bắt rắn. Xứ này có nhiều rắn độc, thường cắn chết người nên ông thường đi bắt rắn, bẻ hết răng nanh độc rồi phóng thích. Sau khi phát thiện tâm, đắc quả A la hán thì ông luôn mang theo túi vải, nên được gọi là Bố Đại La Hán.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Bố Đại La Hán.

Tương truyền Bố Đại La Hán có tướng mập mạp, thường mang túi vải lớn bên mình, nên cũng được coi là hiện thân của Bồ tát Di Lặc.

Ba Tiêu La Hán

Tôn giả Phạt Na Ba Tư (Vanavàsin), vốn là người buôn bán. Theo truyền thuyết, ngày ông ra đời mưa rất to, lá cây chuối ở hậu viện rơi xuống kêu thành tiếng nên được đặt tên là Phạt Na Ba Tư. Sau khi xuất gia thường tu tập trong núi rừng, hay đứng dưới gốc cây chuối nên được gọi là Ba Tiêu La Hán. 

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Ba Tiêu La Hán.

Trường Mi La Hán

Tôn giả A Thị Đa (Ajita) thuộc dòng Bà la môn nước Xá Vệ, tương truyền từ khi mới sanh ra đã có lông mày dài rủ xuống, báo hiệu rằng kiếp trước ông là một nhà sư. Kiếp trước ông là hòa thượng, tu hành tới già, râu tóc đều rụng hết, chỉ còn hai cọng lông mày dài, khi tái sinh vào cõi luân hồi vẫn còn giữ nguyên lông mày dài.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Trường Mi La Hán.

 

Do đó ông xuất gia từ sớm, chẳng bao lâu đã phát triển thiền quán và sớm chứng quả A la hán. Ông là một trong những thị giả Phật, sau khi chứng quả vẫn du hóa dân gian, được gọi là Trường Mi La Hán.

Kháng Môn La Hán

Tôn giả Hán Đồ Bạn Trá Già (Cullapatka) là em trai của vị Thám Thủ La Hán, được nhắc đến trong kinh điển là một tấm gương của sự cần cù, nhẫn nại. Bởi ông không thông minh như anh trai, nên ban đầu khi xuất gia không tiếp thu được Phật pháp, ngay cả việc tọa thiền cũng gặp khó khăn.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Kháng Môn La Hán/

Dưới sự chỉ dẫn của Thế tôn, ông thực hành pháp môn quét rác với cây chổi cầm tay, sau một thời gian dài kiên trì, dốc tâm, quét sạch những ô uế, phiền não mà chứng quả A la hán.

Tương truyền, sau khi xuất gia, trong một lần khất thực, Tôn giả gõ cửa nhà nọ và làm cánh cửa cũ bị hư. Bởi vậy Phật mới trao cho ông một cây gậy treo chuông nhỏ, như vậy khi hóa duyên thì rung lắc gậy, chủ nhà ghe được sẽ vui mừng ra bố thí. Cũng có tích cho rằng ban đầu ông đi hóa duyên thường nắm tay gõ cửa từng nhà, Phật cho rằng cách này không ổn nên đã ban cho một cây gậy tích trượng.

Sau này tích trượng trở thành biểu tượng của Tôn giả, ông được gọi là Kháng Môn La Hán, và cây tích trượng trở thành hình ảnh quen thuộc trong Phật giáo.

Hàng Long La Hán

Ngài tên Vi Khánh Hữu (Nandimitra), ra đời sau khi Phật diệt độ khoảng 800 năm, là vị Đại La hán thần thông quảng đại. Tương truyền, ác ma ở Ấn Độ cổ xúi giục, kích động người dân ở nước nọ sát hại tăng nhân, hủy hết tượng Phật, cướp đi kinh Phật. Long Vương thấy vậy đã dâng nước bao phủ hết nơi đó, đem kinh Phật về long cung. Sau này, tôn giả đã hàng phục Long Vương, thu hồi kinh Phật, do đó được gọi là Hàng Long La Hán.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Hàng Long La Hán.

Trong một truyền thuyết khác, khi ông sắp thị tịch, người dân lo lắng vì thế gian sẽ không còn bậc La hán. Lúc này tôn giả nói rằng có 16 vị La hán vâng lệnh Đức Phật, lưu cõi Ta bà để ủng hộ Phật pháp. Lời dạy của ông được chép thành bộ Pháp Trụ Ký, sau đó ông bay lên trời, hóa hiện vô số thần biển, dùng chơn hỏa tam muội thiêu thân, xá lợi ngũ sắc rơi xuống như mưa.

Phục Hổ La Hán

Ông tên Vi Tân Đầu Lô (Dharmatrata), vốn là tăng nhân, khi xưa thường nghe kể nhiều chuyện thần kỳ của các vị La hán, thấm nhuần đến mức ngủ mơ cũng thấy. Tương truyền, trong một lần chiêm lễ, ông thấy tượng các vị La hán cử động, cứ ngỡ là hoa mắt, hóa ra là thật. Sau đó, ông càng siêng năng lễ kích, còn theo hỏi một vị La hán để biết cách tu tập trở thành La hán. Tu tập theo lời dạy của vị này, chẳng bao lâu chứng quả A la hán.

thap-bat-la-han-trong-dao-phat
Phục Hổ La Hán.

Ông thường du hóa trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, thấy người gặp nạn thường ra tay cứu giúp. Có tích kể rằng, bên ngoài chùa của ông có hổ gầm, ông cho rằng hổ đói bụng đã đem cơm của mình cho hổ ăn. Sau này, hổ bị tấm lòng lương thiện của ông thu phục mà đi theo, nên người đời gọi ông là Phục Hổ La Hán. Tích khác thì kể rằng tôn giả từng 3 lần thu phục hổ dữ, đem nó lên núi cho tu, đi đâu cũng dẫn theo, do đó mới được gọi là Phục Hổ La Hán.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận