Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng nói: "Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống".
Từ xa xưa đến nay, thơ ca chính là một phần không thể thiếu trong nền văn học Việt Nam. Nếu như tác phẩm văn xuôi lôi cuốn người đọc bởi những tình tiết lôgic xen kẽ nối tiếp nhau, đưa ta đi hết chặng đường này đến chặng đường khác, điểm này đến điểm khác. Thì thơ lại chỉ chọn cho mình một ít điểm chính, gọi là điểm nhấn mà thôi. Chính vì vậy thơ ca là một phương tiện nhanh nhất, kết nối thế giới cảm xúc và đời sống của con người… Và cũng bởi thế mà trong tác phẩm “mấy ý nghĩ về thơ” Nguyễn Đình Thi đã cho rằng, thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đang chạy với cuộc sống”. Đây là một ý kiến hoàn toàn đúng đắn đối với thơ ca và đối với đời sống con người.
Thật vậy, sự liên kết giữa thơ và cuộc sống trước hết chính là cảm xúc thơ, là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống trước, là chỉ khi hiện thực cuộc sống tác động vào tâm hồn của con người khiến nó rung lên, dao động mãnh liệt khi đó mới xuất hiện lên những vần thơ dạt dào, cảm xúc. Bản chất của thơ luôn là Ý tại ngôn, cốt lõi thơ là trữ tình. Bởi thế thơ ca bao giờ cũng là một tấm gương của tâm hồn, tiếng nói của tình cảm, của con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh “Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không cần quan tâm đến hình xác của đời sống, nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn của thi sĩ”.
Thật vậy Thơ không cần đến những từ ngữ dài dòng, cách miêu tả chi tiết, miên man như văn xuôi, mà chỉ cần vài chữ thôi cũng đủ nói lên được tâm tư, tình cảm của mình, nói lên được cả một sự vật, sự việc mình muốn nói đến. Rồi cái đó người ta gọi là một nghệ thuật, mà chỉ thơ là mới làm nên được. Cũng như vậy mà Thơ luôn là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của trái tim, của tâm hồn khi đụng chạm giao thoa với cuộc sống, chứ không phải là những thể loại văn xuôi, truyện ngắn.
Đã có rất nhiều tác phẩm thi ca ra đời làm minh chứng cho nhận định này, chẳng hạn như “Tây Tiến” của Quang Dũng một tác phẩm coi như tiếng nói của tâm hồn với cuộc sống. Bởi lẽ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, Hà Tây, khi mà Quang Dũng rời xa đơn vị “Tây Tiến”. Ông luôn đau đáu một nỗi nhớ da diết, nhớ đơn vị “Tây Tiến” khôn nguôi và bài thơ được ra đời. Tác phẩm chính là phương tiện để Quang Dũng thể hiện cảm xúc của mình, là nỗi nhớ. Mở đầu bài thơ độc giả đã bắt gặp thấy tình cảm, tâm trạng đó qua những vần thơ dạt dào kỷ niệm.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi,
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Hay đến với “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu. Độc giả lại thấy được hiện thực cuộc sống đã tác động vào tâm hồn nhà thơ, khiến trái tim anh rung lên và sáng tác bài thơ. Tác phẩm ra đời khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, thắng lợi hiệp định Giơnevơ được ký kết tháng 10 năm 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội, nhân sự kiện chia tay mang tính lịch sử này mà Tố Hữu viết lên bài thơ Việt Bắc. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ da diết, khôn nguôi được triển khai theo dòng hồi tưởng của người đi, người ở trong giờ phút chia tay đầy bịn rịn, lưu luyến. Sau 15 năm gắn bó quãng, thời gian ấy đã có biết bao kỷ niệm, bao ân tình giữa người đi và người ở được gợi nhắc qua thiên nhiên, không gian núi rừng Việt Bắc.
“Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
Xuyên suốt bài thơ là từ “nhớ” gắn liền với những kỉ niệm đó là những tháng ngày gian khổ, thiếu thốn, vất vả, hi sinh.
“Mưa nguồn, suối lũ, những mây cùng mù,
Những ngày kháng Nhật, thủa còn Việt Minh”.
Rồi một loạt những không gian núi rừng, những địa danh quen thuộc của miền Bắc nơi ghi dấu bao vui buồn.
“Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”.
Và hơn thế nữa, phải yêu Việt Bắc, gắn bó máu thịt với Việt Bắc như thế nào thì Tố Hữu mới có thể chắt lọc từ trái tim, đem tình yêu của mình để khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên Việt Bắc bốn mùa, với đủ màu sắc, âm thanh chỉ bằng 4 câu thơ lục.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”
Nét vẽ đầu tiên là chỉ mùa đông nơi núi rừng Việt Bắc, tả một rừng được bao phủ bằng một màu xanh bạt ngàn, điểm suốt trên nền xanh ấy là màu đỏ rực rỡ của những bông hoa chuối rừng, kết hợp với nó là gam màu ấm nóng xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, của sức nắng trên đèo cao, long lanh, rực rỡ mà chỉ Việt Bắc mới có.
“Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng”.
Nếu thứ hai, mùa xuân Việt Bắc được trải hiện qua sắc trắng của hoa mơ một màu trắng tinh khôi, tạo nên một không gian vô cùng rộng lớn.
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng”.
Âm thanh của tiếng ve kêu hè về đã đánh tan cái yên bình của mùa xuân, mùa đông, kèm theo nó là màu vàng của rừng phách, một hình ảnh hình khối vô cùng đặc sắc, được coi như điểm nhấn của bài thơ. Đọc câu thơ ta như thấy được cả một rừng lá phách đang đổ nghiêng trước mặt, đó là sự chuyển động của không gian, cảnh vật một cách độc đáo, mới lạ xuất hiện trong thơ Tố Hữu.
“Ve kêu rừng phách đổ vàng”.
Nếu như đông, xuân, hạ được miêu tả trên diện rộng, thì đến mùa thu tác giả dừng lại ở một điểm duy nhất đó chính là ánh sáng của vầng trăng. Bởi Trăng mùa thu là đẹp nhất trong một năm và đó cũng chính là đặc trưng của mùa thu Việt Bắc gợi lên một cuộc sống thanh bình mang một hy vọng về một tương lai Hòa Bình, độc lập.
“Mùa thu trăng rọi hòa bình”.
Bốn câu thơ đó, 4 nét vẽ riêng biệt đã vẽ nên một bức tranh tứ bình hoan lạc của cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc mà chỉ có sự rung động từ trái tim cảm xúc mới tạo ra được.
Xuân Quỳnh với tác phẩm “Sóng” cũng là một tiêu biểu, bài thơ được khởi nguồn cảm xúc từ biển Diên Điền nhân một chuyến đi thực tế của Xuân Quỳnh tháng 12 năm 1967. Tác phẩm nói về nhịp điệu của con sóng biển nhưng cũng chính là con sóng lòng đang cuộn chảy trong trái tim người phụ nữ. “Sóng” ra đời khi Xuân Quỳnh đã 25 tuổi. Một độ tuổi chín và đẹp nhất trong cuộc đời, khao khát yêu thương còn mãnh liệt, cháy bỏng nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những lo lắng khi nhận ra cuộc đời con người không là mãi mãi.
“Giữ dội và dịu êm,
ồn ào và lặng lẽ”.
Biển động phong ba dữ sóng dữ dội vào tình yêu biển lặng sóng dịu êm, lặng lẽ, nhưng có lúc không thể dự báo con sóng thuộc về tự nhiên ngoài tầm kiểm soát của con người. Đó cũng chính là những con sóng lòng trong trái tim người phụ nữ khi yêu, lúc nồng nàn mãnh liệt, lúc đầm thắm dịu dàng. Nỗi nhớ là một trạng thái cảm xúc đặc biệt của tình yêu, yêu là nhớ, mà đã nhớ là phải yêu, nhớ chính là thuốc bố của tình yêu, nhớ càng nhiều, yêu càng mãnh liệt, thiết tha… Xuân Quỳnh đã ẩn mình vào sóng để bộc lộ nỗi nhớ.
“Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ngày đêm không ngủ được”.
Đó là nỗi nhớ bao trùm mọi không gian, thời gian, tích nỗi lớp vỏ ấn dụ của sóng cũng không đủ sức chứa cái dạt dào, mênh mang của nỗi nhớ. Nên cuối cùng em đã tự tách mình ra khỏi sóng, để tự bộc lộ nỗi nhớ của mình.
“Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức”.
Tóm lại từ tình cảm của con sóng nối tiếp xô vào bờ giống như nổi sóng lòng trong tác giả, đã tạo nên một mạch cảm xúc dâng trào, một nỗi khát vọng tình yêu tha thiết, mãnh liệt không nói lên lời đành gửi gắm vào con sóng và vần thơ.
Những ví dụ điển hình trên được coi như là minh chứng cho sự đụng chạm, giao thoa giữa tâm hồn và cuộc sống, và sản phẩm tạo thành chính là những vần thơ được chau chuốt, gọt giũa. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi. “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”, là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa như một kim chỉ nam cho quá trình sáng tác của các văn, nghệ sĩ. Qua đây ta chẳng hiểu thêm về mối liên hệ giữa thế giới nghệ thuật và đời sống con người để mỗi cảm nhận có một cách sâu sắc hơn.
Tổng hợp
Xem thêm: "Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận