Tam giới là gì? Tam giới trong đạo Phật gồm những gì?

Tam giới là khái niệm nói về các cảnh giới tồn tại trong vòng sinh tử luân hồi, bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Chi Nguyễn
22:05 12/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tam giới là gì?

Tam giới (hay còn gọi là ba cõi, tiếng Phạn là Triloka) là khái niệm nói về các cảnh giới tồn tại trong vòng sinh tử luân hồi. Tam giới bao gồm 3 cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Theo các kinh luận xa xưa, tất cả các chúng sinh đều có sẵn trong mình khả năng giác ngộ (Phật tính), nhưng bị lu mờ bởi các kiến chấp sai lầm khiến cho họ không nhận thức được, không tự phát hiện và thắp sáng khả năng ấy, bởi vậy nên cứ quanh quẩn mãi trong tam giới.

tam-gioi-la-gi-tam-gioi-trong-dao-phat-gom-nhung-gi

Tam giới được hình thành dựa trên nguyên lý vô minh, gán ghép với những sóng dao động từ tâm, là tâm niệm hay ý thức thành thế giới vật chất lẫn tinh thần. Tam giới bao gồm toàn thể thế giới vật chất cũng như tình thần với vô lượng cõi giới và chúng sinh tồn tại. Chừng nào một người vẫn còn bị phiền não chi phối thì vẫn còn quanh quẩn ở tam giới. Chỉ khi chúng sinh đạt được quả vị giác ngộ thì mới có thể giải phóng khỏi tam giới, tức thoát được vòng sinh tử luân hồi.

Tam giới trong đạo Phật ra sao

Theo quan điểm Phật giáo, Tam giới bao gồm Dục giới (Kamadhatu), Sắc giới (Rupadhatu) và Vô Sắc giới (Arupadhatu).

tam-gioi-la-gi-tam-gioi-trong-dao-phat-gom-nhung-gi

Dục giới

Cõi Dục giới là cõi của mong muốn vật chất, dục vọng thể xác. Các chúng sinh tồn tại trong cõi này bởi đam mê các "thú vui" về sắc tướng, âm thanh, mùi hương, dâm dục,... nên luôn gây ra nhiều nghiệp lực, tai họa, đau khổ. Các chúng sinh ở Dục giới tuy hưởng dục lạc khác nhau tùy thuộc vào cõi trên hay cõi dưới, nhưng đều phải trải qua những nỗi khổ là hành khổ (không thoát khỏi sinh tử luân hồi), hoại khổ (thể xác hay dục lạc được hưởng nhưng không vô hạn) và bất tác ý khổ (không đạt được ham muốn nên khổ). 

Các loài chúng sinh ở Dục giới bao gồm Người, Súc sinh, Atula, Ngạ quỷ và Địa ngục, trong đó loài Người là chúng sinh có tâm ý phát triển cao hơn hết, là cảnh giới có cả buồn đau xen lẫn hạnh phúc. Cũng bởi thế mà các vị Bồ tát thường chọn sinh vào thế giới loài người để phụng sự chúng sinh cũng như tu tập các pháp môn cần thiết để thành tự quả Phật. Các chúng sinh ở 3 cõi thấp là Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục thì gần như không được hưởng sung sướng mà đa phần là khổ đau.

Ngoài ra, trong Dục giới còn có 6 cõi Trời, là những chúng sinh được hưởng nhiều phước báo nhưng chỉ là phước báo tạm bợ, vẫn mang hình thể nam-nữ với những dục vọng như con người. 6 cõi Trời của cõi dục (lục dục thiên) xếp theo thứ tự từ thấp lên cao gồm: Tứ vương, Đao lợi (cõi trời Ba mươi ba, tức Tam thập tam thiên), Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc và Tha hóa tự tại.

tam-gioi-la-gi-tam-gioi-trong-dao-phat-gom-nhung-gi

Sắc giới 

Sắc giới là nơi các chúng sinh đã chấm dứt những ham muốn giới tính, không còn cần ăn uống hay tham dục, chỉ còn thân xác và khoái lạc tinh thần, dù vậy vẫn còn phải chịu hành khổ (tức không thoát khỏi luân hồi) và hoại khổ (còn thể xác nên khi thời điểm tới cũng phải hư hoại rồi chết). Đây là thế giới của những người đạt tới cõi Thiền, là các vị Phạm Thiên đạt được Tứ thiền định, khi thọ mạng hết thì tùy mức độ chứng đắc mà được sinh vào 1 trong 4 bậc, gồm 18 cõi Trời khác biệt và không còn mang hình thể nam - nữ. Tùy thuộc vào các bậc mà Bát thức (Tám thức) gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tị thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức còn hoạt động.

Cõi sơ thiền hay còn gọi là Trời Sơ thiền, gồm 3 cõi là Trời Phạm thân (có nơi ghi là Phạm chúng), Trời Phạm phụ và Trời Đại phạm. Phạm chúng là cõi của các vị trời tùy tùng các vị Phạm Thiên, Phạm phụ là cõi tồn tại của các vị trời thân cận các vị Phạm Thiên và Đại phạm là nơi có những vị Phạm Thiên có nhiều hạnh phúc, tuổi tho cao. Các vị Phạm Thiên ở những cõi này tuy mang thân thể khác nhau nhưng cách suy nghĩ thì đều giống nhau.

Cõi nhị thiền gồm 3 cõi Trời là Thiểu quang, Vô lượng quang và Quang Âm. Cõi nhị thiền là nới có nhiều ánh sáng, các vị Phạm Thiên ở đây có thân thể giống nhau nhưng có cách suy nghĩ khác nhau. Trong Bát thức kể trên thì cả 5 thức cảm giác đều không còn hoạt động nữa.

Cõi tam thiền là nơi gồm 3 cõi Trời Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh và Biến tịnh. Trong Cõi tam thiền, các vị Phạm Thiên có hào quang từ nhỏ tới không xao động, mọi sự đều là thanh tịnh, cả thân và tâm của các vị này đều hoàn toàn giống nhau.

Sau cùng là Cõi tứ thiền gồm 9 cõi Trời, là cõi cao nhất của Sắc giới. chúng sinh sống tại Cõi tứ thiền đều đạt cảnh giới thiền định sâu xa, 6 thức trong Bát thức đã không còn hoạt động. Cõi từ thiền gồm có: Vô vân (cảnh giới quang đãng), Phước sinh (cảnh giới trường cửu), Quảng quả (hưởng phước báo rộng lớn), Vô phiền (hoàn toàn tinh khiết), Vô nhiệt (hoàn toàn thanh tịnh), Thiện kiến (cảnh giới đẹp đẽ), Thiện hiện (hoàn toàn tự tại), Sắc cứu cánh (cảnh giới tối thượng), Vô tưởng (không còn tư tưởng).

Vô Sắc giới

tam-gioi-la-gi-tam-gioi-trong-dao-phat-gom-nhung-gi

Vô Sắc giới là thế giới được tạo dựng thuần túy bằng tâm thức, nơi các chúng sinh ở đây không còn thân xác vật chất mà chỉ còn tồn tại bằng dạng ý thức. Chúng sinh ở cõi Vô Sắc giới không còn chịu bất tác ý khổ và hoại khổ, nhưng vẫn phải chịu hành khổ là vẫn chưa được thoát khỏi sự luân hồi.

Vô Sắc giới gồm 4 cảnh giới là Cõi không gian vô biên (Không vô biên xứ thiên) là khoảng không vô tận, Cõi tâm thức vô biên (Thức vô biên xứ thiên) là sự hiểu biết vô cùng tận, Cõi vô sở hữu (Vô sở hữu xứ thiên) là cõi giới không có gì cả vì đã biết tất cả đều là huyễn ảo do tâm thức tạo thành và Cõi phi tưởng phi phi tưởng (Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên) là cõi giới vô định, không có tư duy mà cũng không phải không có tư duy, không phải ý thức mà cũng không phải vô thức.

Trong đó, Cõi không gian vô biên là nơi mà các vị trời chỉ thấy có không gian vô biên, đã đạt được và đang an trú trong trạng thái thiền định không vô biên xứ định. Cõi tâm thức vô biên là cõi giới chỉ thấy được tâm thức vô biên, là cảnh giới của các vị chư thiên đã đạt được, an trú trong trạng thái thiền định là thức vô biên xứ định. Cõi vô sở hữu là cõi giới không còn tôn tại hiện tượng nào là cảnh giới của chư thiên đã đạt được, an trú trong trạng thái thiền định gọi là vô sở hữu xứ định. Cõi phi tưởng phi phi tưởng là cõi không có tri giác mà cũng không phải là không có tri giác, nơi chư thiên đạt được và an trú trong trạng thái thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Cần lưu ý rằng, trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp", hòa thượng Narada Maha Thera đã nói: "Nên ghi nhận rằng Đức Phật không nhằm mục đích truyền bá lý thuyết về vũ trụ nào. Cho dù những cảnh giới trên có thật hay không cũng không ảnh hưởng gì tới giáo lý của Ngài, không ai bắt buộc phải tin một điều nào nếu điều ấy không thích hợp với suy luận của mình. Thế nhưng nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý trí hữu hạn của ta không thể quan niệm được thì điều dó cũng không phải hoàn toàn chính đáng".

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận