Nữ sinh khuyết tật nỗ lực đến trường trên lưng mẹ, ước ao làm nhà tâm lý
Tuy bản thân là người khuyết tật sinh hoạt khó khăn, nhưng nữ sinh vẫn cố gắng đến trường, ước ao làm nhà tâm lý.
Lê Thị Thảo Nguyên (trú xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) sinh ra đã không được may mắn. Em bị bại liệt bẩm sinh, cơ thể teo tóp, gần như chỉ nằm một chỗ. Chồng bỏ đi khi hai đứa con còn nhỏ, một mình bà Lương Thị Hoa (48 tuổi) gồng gánh nuôi con.
Khi sức khỏe còn tốt, bà Hoa đi làm công nhân. Nhưng nay lớn tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, bà chỉ nhận thêu, may một số đồ thủ công để kiếm sống qua ngày. Bà kể: "Trước đây, gia đình có ba mẹ con thuộc diện cận nghèo, nhưng giờ không còn thuộc diện này nữa dù tôi lớn tuổi và khó khăn còn hơn trước. Anh trai Thảo Nguyên đi bộ đội rồi, không đỡ đần giúp mẹ và em như trước nữa nên càng thêm vất vả".
Thấy con gái tuy bại liệt nhưng ham học, bà cùng chị ruột thay phiên nhau cõng em đến trường. Người mẹ đơn thân số khổ kể: "Thấy bạn đi học mà mình ở nhà, Nguyên buồn rười rượi. Con gái buồn mình cũng buồn theo, buồn còn nhiều hơn con nữa. Vậy là, tui với bà chị thay nhau cõng Nguyên đến trường cho con được thỏa đam mê học tập".
Bà Lương Thị Hương (50 tuổi, dì của Nguyên) nói thêm: "Cõng Nguyên đến trường, tui cũng ở trong lớp học theo luôn. Nhờ vậy, tui biết nhiều kiến thức chứ hồi nhỏ học ít lắm".
Thảo Nguyên tâm sự: "Giấc mơ của em là được đi học, được đến trường. Mình đã bị thiệt thòi về thể xác, nếu nằm một chỗ trong nhà, không có tri thức, không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài, thì mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì nữa đâu. Em muốn trở thành một nhà tâm lý để biết được vì sao con người lại có những suy nghĩ, hành động tích cực hoặc tiêu cực. Vì sao trong khó khăn, họ lại dễ dàng buông bỏ mọi thứ mà không nỗ lực vượt qua". Với quyết tâm đó, vừa qua, em chính thức trở thành nữ sinh ngành tâm lý học giáo dục của Trường đại học Quy Nhơn.
Ngày Thảo Nguyên đỗ đại học, mẹ và dì ôm nhau khóc trong bất ngờ và hạnh phúc. Nhưng sau phút giây dâng trào đó, cả hai người mẹ lại đầy lo toan nặng trĩu. Tiền bạc đã thiếu thốn, việc Nguyên phải ở ký túc xá cũng khiến họ băn khoăn. Em sẽ sinh hoạt như thế nào, liệu có đủ sức để thực hiện ước mơ hay không…
Bà Hoa tâm sự: "Khi đưa con đến Quy Nhơn nhập học, có lúc tôi muốn nói với Nguyên rằng thôi dừng lại, mẹ con quay về nhà rau cháo nuôi nhau. Nhưng nhìn đôi mắt con đầy niềm vui và ước vọng, tôi không dám nói nữa. Từ đó, tôi nguyện với mình, là sẽ hy sinh hết sức vì con".
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - hiệu trưởng Trường đại học Quy Nhơn - cho hay khi biết được hoàn cảnh của em Lê Thảo Nguyên, nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để nữ sinh cùng mẹ được ở và sinh hoạt tại ký túc xá thuận lợi. Ông chia sẻ thêm: "Đây là trường hợp rất đặc biệt. Trường đã miễn phí chỗ ở cho hai mẹ con em ấy. Bên cạnh đó, trường cũng sắp xếp cho mẹ Thảo Nguyên vào làm trong khu bếp của ký túc xá để có thêm thu nhập".
Theo báo Tuổi trẻ Online
Xem thêm: Không may mất cả bố lẫn mẹ, nữ sinh nghèo nén buồn đau vươn lên học hành và đạt học bổng đắt giá
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận