Nguyễn Thị Tuyến: Từ cô giáo làng ở Bắc Giang tới trợ giảng ĐH Yale tại Mỹ

Ban đầu chỉ là một cô giáo dạy ở CLB tiếng Anh tại Bắc Giang, nhưng giờ đây Nguyễn Thị Tuyến đã là trợ giảng ĐH Yale tại Mỹ.

Chi Nguyễn
11:54 07/12/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Thị Tuyến, 27 tuổi vừa trúng tuyển làm trợ giảng 9 tháng tại Đại học Yale. Đây là lần đầu tiên Tuyến được đi nước ngoài. Với Tuyến, việc trở thành giáo viên trợ giảng môn tiếng Việt tại ngôi trường trong nhóm Ivy League (8 đại học tư thục tinh hoa ở Mỹ) là điều cô chưa từng nghĩ đến.

Trước kia, 9x là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, rồi về quê ở Bắc Giang mở CLB dạy tiếng Anh cho trẻ em. Đáng nói, trước kia cô từng không hề thích bộ môn này. Một lần bị cô giáo mắng trước lớp vì học kém, Tuyến xấu hổ nên tự nhủ phải học thật tốt môn này. Cô học ngày đêm để ôn thi vào lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Bắc Giang.

Hàng ngày, cô chăm chỉ học ngữ pháp, từ vựng và luyện đề. Trong một lần bắt gặp vị khách du lịch nước ngoài đến xã, bố Tuyến động viên con gái thử bắt chuyện. Dù cố gắng diễn tả bằng vốn tiếng Anh và ngôn ngữ hình thể, hai người không thể nói chuyện quá ba phút vì vị khách không hiểu Tuyến nói gì.

nguyen-thi-tuyen-tu-co-giao-lang-den-tro-giang-dh-yale

"Buổi hôm ấy như một cú hích để mình cố gắng ôn thi vào ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội", Tuyến nhớ lại. Suốt những năm phổ thông, hầu như ngày nào Tuyến cũng học bài tới 12h, có ngày dậy từ ba giờ sáng để học. Nhưng ngày đó, Tuyến không nghĩ sẽ trở thành giáo viên.

Tại HANU, Tuyến tham gia làm trợ giảng cho CLB tiếng Anh của một giảng viên. Chính cô giáo là người truyền cảm hứng tới cho 9x, khiến cô muốn chuyển sang nghề giáo. Sau đó, Tuyến đi dạy ở một số trung tâm tiếng Anh cho trẻ và dạy IELTS.

Hành trình suôn sẻ cho đến ngày Tuyến nhận được thư nhận xét từ giám đốc học thuật của trung tâm. "Mình bị nhận xét năng lực giảng dạy không tốt. Câu nói trời giáng ấy khiến mình rất thất vọng và quyết tâm chứng tỏ rằng mình làm được", cô nhớ lại.

Tuyến lấy hết tiền tiết kiệm để đăng ký một khóa học TESOL (chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh) trong 6 tháng ở trường Đại học Hà Nội. Khóa học giúp Tuyến thay đổi tư duy thiết kế bài dạy. Cô sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học viên, cũng như trung tâm.

Cũng từ đó, quan điểm về giáo dục của Tuyến thay đổi. Cô nhận ra, giáo dục không phải chỉ để ôn thi hay quan trọng điểm số, mà phải giúp người học phát huy tiềm năng của bản thân. Thế là, Tuyến nghỉ dạy ở trung tâm, xin vào làm ở một trường quốc tế tại Hà Nội.

Ngôi trường này có triết lý giáo dục học thông qua làm (learning by doing). 9x tâm sự: "Mình thốt lên rằng học thế này mới là học chứ. Nhưng những điều tuyệt vời ấy cũng khiến mình tự hỏi bao giờ những đứa trẻ ở quê hương Bắc Giang mới được như thế".

nguyen-thi-tuyen-tu-co-giao-lang-den-tro-giang-dh-yale

Thế là, vào hè năm 2021, cô quyết định nghỉ việc và trở về quê hương, mở CLB tiếng Anh nhỏ. Tại đây, các em nhỏ được học tiếng Anh thông qua làm thí nghiệm, thủ công, quan sát tự nhiên hay đọc sách. Cô cũng làm một thư viện nhỏ để học sinh có thêm cảm hứng và yêu thích môn tiếng Anh hơn.

Được hơn một năm, Tuyến biết đến chương trình Fulbright trợ giảng tiếng Việt tại Mỹ nên nộp hồ sơ thử sức. Cô sau đó viết bốn bài luận và trải qua vòng phỏng vấn. Biết tiêu chí của chương trình là tìm kiếm đại sứ văn hóa, người truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến học sinh, sinh viên Mỹ, 9x kể lại hành trình trở thành giáo viên tiếng Anh của mình. Theo cô, đây có thể là điều thuyết phục được ban tuyển sinh.

Khi đặt nguyện vọng, 9x chọn ĐH Yale đầu tiên, và nhắn nhủ sự tha thiết muốn đặt chân tới đây. Cô cho hay: "Không ngờ mình lại được tới Yale thật. Mình từng ước được đến Mỹ để học cao học nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ đến học và dạy ở một ngôi trường nổi tiếng như vậy".

Công việc trợ giảng của Tuyến bắt đầu vào tháng 9, bao gồm hỗ trợ giáo sư soạn bài, chấm bài cho sinh viên, trao đổi và kèm thêm cho sinh viên nếu được yêu cầu. Mỗi tuần, Tuyến cũng có hai tiết được đứng lớp trực tiếp. Để sinh viên hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam, Tuyến mời bạn bè là người Việt ở Mỹ đến giao lưu. Mỗi tháng, cô còn tổ chức một buổi nấu món Việt với các sinh viên của mình.

Học kỳ này, Tuyến làm trợ giảng ba lớp tiếng Việt, bắt đầu lúc 9h30 sáng, nhưng cô thường đến lớp sớm 30 phút để chuẩn bị. Song song đó, Tuyến được đăng ký học 1-3 môn mỗi kỳ tại Đại học Yale. Cô đăng ký lớp Ngôn ngữ học và lớp luyện nói (Speaking fluently), học vào các buổi chiều.

nguyen-thi-tuyen-tu-co-giao-lang-den-tro-giang-dh-yale

Chia sẻ về dự định tương lai, cô gái trẻ cho biết đang muốn xin học bổng thạc sĩ về giảng dạy ở Anh, Mỹ hoặc Phần Lan trong năm tới. Cô đang cùng cộng sự chuẩn bị một dự án hỗ trợ phát triển chuyên môn cho những giáo viên còn khó khăn về giảng dạy, dự kiến ra mắt đầu năm 2024. 

Ngoài ra, 9x có kế hoạch tổ chức trại hè để kết nối sinh viên Yale với học sinh ở quê, được Đại học Yale tài trợ. Điều duy nhất khiến cô đau đáu là câu lạc bộ tiếng Anh cho học trò ở quê vẫn chưa có người tiếp nối. "Mình đang ráo riết tìm giáo viên hợp tác, không để việc học của các em đứt đoạn quá lâu", Nguyễn Thị Tuyến nói.

Theo Lệ Nguyễn/VnExpress

Xem thêm: Cô giáo Cao Lan mở lớp dạy miễn phí, dành tình thương đặc biệt cho trẻ khuyết tật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận