Những năm tháng cuối đời bình lặng của người lính bắt sống tướng De Castries khi xưa
Ở vùng đất cói Nga Sơn, người lính tham gia bắt sống tướng Đờ Cát (De Castries) trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi xưa đã sống những ngày bình lặng cuối đời.
Nung nấu quyết tâm chiến đấu từ nhỏ
Theo Kiến thức, cách đây vài năm, khi người ta tìm đến gặp, ông Đào Văn Hiếu vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn ở tuổi đời 80. Người lính bắt sống tướng Đờ Cát (De Castries) năm xưa đã sống những ngày bình dị ở quê nhà bên người vợ tào khang tại thôn 8, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Ông Hiếu vốn xuất thân trong gia đình nông dân, là anh trai cả trong nhà có hai anh em. Lớn lên chứng kiến cảnh thực dân Pháp xâm lược, đàn áp nhân dân, ông luôn sục sôi quyết tâm chiến đấu rửa thù.
Năm 1949, cơ hội đến với ông khi tham gia du kích ở Hói Đào, xã Tân Đức (nay là xã Nga Thanh và Nga Liên, cùng thuộc huyện Nga Sơn). Tháng 8/1950, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 44, đóng ở Nông Cống, Thanh Hóa. Sau 1 năm huấn luyện gian khổ, ông được chuyển tới Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312.
Sau đó, ông lần lượt tham gia các chiến dịch như Chiến dịch Hòa Bình (1952), Chiến dịch Tây Bắc Lào lần 2 (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953), sau cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lẫy lừng. Ngày đầu tiên ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chính là cùng đơn vị tấn công vào cứ điểm Him Lam, sau đó chuyển tới đánh cứ điểm E1, D2, 505A, 506,... Khi ấy, cả đơn vị của ông có khoảng 160 người, ai nấy cùng nhau kề vai sát cánh, dốc hết sức mình chiến đấu suốt 56 ngày đêm lịch sử.
Ông Hiếu nhớ lại, trận đánh đồi C2 trong ngày 4 và 5/5 của chiến dịch là vô cùng quyết liệt, ta vừa chiếm được thì địch lại đánh trả, đôi bên giằng co suốt mấy ngày đêm. Đến ngày 6/5, cả đại đội hơn 100 người chỉ còn lại 34 chiến sĩ. Trong trận chiến đó, ông Hiếu bị bom địch vùi lấp dưới công sự, may mắn được đồng đội giải cứu nên còn giữ được mạng. Nhưng từ đó, tai ông bị lãng, mắt mờ đi, được đồng đội thân thiết gọi là Hiếu "điếc".
Đại đội còn 5 người xông pha bắt sống tướng Đờ Cát
Ông Hiếu kể, khi ấy cuộc sống của anh em vất vả lắm, cả 56 ngày đêm không tắm rửa, ăn mặc rách rưới. Thức ăn chỉ có rau muống khô, măng khoai, vất vả lắm, có khi cơm trộn bùn cũng ăn.
Người lính ấy bồi hồi nói: "Đời lính vất vả là thế nhưng những hình ảnh về người lính cụ Hồ vẫn hiên ngang và tỏa sáng. Càng trong lúc mưa bom bão đạn càng quyết tâm giết giặc, đó là tinh thần của người lính Việt Nam ta. Đã là bộ đội là phải đánh giặc, đánh giặc là nhiệm vụ cao cả".
Sau trận đánh đồi C2, đơn vị của ông tiếp tục nhận lệnh đánh từ đêm 6/5. Đánh ròng rã suốt đêm tới sáng ngày 7/5, họ lại nhận lệnh từ Bộ chỉ huy là triệu quân đánh tiếp nhanh chóng. Ông nhớ lại: "Nhiệm vụ của đơn vị tôi là mở đường vây 209 đánh thẳng vào Mường Thanh bắt sống tướng Đờ Cát (De Castries), lập công mừng sinh nhật Bác Hồ và trả thù cho đồng đội, trả thù cho nhân dân Điện Biên Phủ."
Sau khi nhận được lệnh, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật nhanh chóng dồn quân, khi ấy cả chỉ huy và lính chỉ còn vẻn vẹn 34 người. Không chùn chân, họ tiếp tục đánh vào Mường Thanh để tiêu diệt cơ quan đầu não địch, đánh từ sáng cho đến 4h chiều ngày 7/5 thì còn lại được 5 người... Nói đến đây, ông Hiếu thở dài và im lặng trong chốc lát để tưởng nhớ những người đồng đội năm xưa.
Ông cho hay, 5 người may mắn sống sót đó là Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (quê ở Thái Bình), Nghĩa Lam (quê ở Nghệ An), Hoàng Đặng Vinh (quê ở Hải Hưng), Bùi Văn Nhỏ (quê ở Nghệ An) và ông. Họ di chuyển tới cầu Mường Thanh thì bị khẩu 14 ly 5 (4 nòng) của địch bắn chắn trước cầu, không thể sang được.
Ngay sau đó, với sự hỗ trợ hỏa lực từ pháo binh DKZ 57 và đại liên, cả 5 người nhanh chóng lọt qua cầu, tiến vào khu vực được coi là trung tâm đầu não cứ điểm. Nhiệm vụ của họ lúc này là tìm và bắt sống tướng Đờ Cát.
Ở tuổi ngoài 80, người lính bắt sống tướng địch năm xưa vẫn kể chuyện với giọng sang sảng, không quên một chi tiết nào trong buổi chiều lịch sử năm ấy. Ông Hiếu kể tiếp: "Đến khoảng 17h ngày 7/5, phát hiện ra hầm bí mật Đờ Cát thông qua một tên lính ngụy, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy 4 chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, tôi và anh Lam bịt cửa hầm phía Bắc, còn đội trưởng dẫn anh Vinh và anh Nhỏ đánh vào phía Nam cửa hầm."
Sau đó, họ dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ của địch ở phòng ngoài, rồi hiên ngang tiến vào gian hầm giữa, nơi tướng Đờ Cát và các sĩ quan Pháp đang trú ẩn. Khi ấy, một số đang đốt tài liệu, số khác đang ngồi trước sơ đồ tác chiến, gương mặt đầy lo lắng, căng thẳng. Lúc ấy, Đại đội trưởng Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp, đại ý rằng: "Bỏ súng xuống, giơ tay lên. Các ông thua rồi!".
Sau đó, Đại đội trưởng ra lệnh cho quân địch phải đầu hàng ngay, điện về Hà Nội và ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ. Ông Hiểu nhớ lại: "Lúc ấy tướng Đờ Cát cố tỏ ra bình tĩnh, nói: 'Tôi đã làm việc đó từ 5 phút trước rồi'." Sau cùng, họ áp giải tướng Đờ Cát, các sĩ quan cùng binh lính ra khỏi hầm, bàn giao cho Trung đoàn rồi quay sang tiêu diệt trận địa pháo 105.
Tiêu diệt xong trận địa pháo ấy cũng là lúc lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm quân địch. Quân đội ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng địch Đờ Cát, khiến chúng phải đầu hàng. Sau chiến thắng oanh liệt đó, ông Đào Văn Hiếu đã được kết nạp vào Đảng.
Những năm tháng bình lặng sau chiến công
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, ông ở lại đơn vị công tác cho đến năm 1959 mới về làng với mẹ già. Ông cưới vợ rồi sinh được 5 người con, tới năm 1966 lại tiếp tục lên đường chiến đấu ở chiến trường B, Sư đoàn 338 đóng ở Thanh Hóa. Tới năm 1974, ông xuất ngũ, về quê sống một cuộc sống bình dị bên người vợ tào khang.
Trong những năm tháng sau đó, ông không màng tới danh vọng, sống một đời thầm lặng, không nói cho ai biết mình là 1 trong 5 người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Không ai biết được người lính già thương tật 2/4 ấy là một nhân chứng lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, ngay cả đồng đội cũng không biết ông đang ở đâu, còn sống hay không.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những kỷ niệm về trận đấu lịch sử và tình đồng đội sâu đậm không bao giờ phai nhòa trong tâm trí cựu binh Đào Văn Hiếu. Hòa bình lập lại, nhờ phương tiện truyền thông, đồng đội của ông là Hoàng Đăng Vinh đã nhắn tìm đồng chí Đào Văn Hiếu - Hiếu "điếc". Khi ấy, hội cựu chiến binh huyện Nga Sơn mới đến thăm hỏi, và ông chỉ cười nói đơn giản: "Phải, chính là tôi, Hiếu điếc đây".
Năm 1999, ông Vinh mời người đồng đội năm xưa ra nhà chời. Cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách đã khiến những người lính năm nào không cầm được nước mắt. Ông Hiếu chia sẻ: "Chúng tôi đã khóc trong tiếng gọi ‘Vinh lì’, ‘Hiếu điếc’. Những tháng năm gian truân đã đi qua, lịch sử đã khép lại, 5 người chúng tôi ngày ấy đến bây giờ gặp lại chỉ còn tôi và anh Vinh. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và anh Bùi Văn Nhỏ đã không còn. Hiện nay thông tin về Nguyễn Lam vẫn đang còn mù mịt...".
Tháng 8/2013, ông Đào Văn Hiếu qua đời. Con trai ông là anh Đào Văn Hạnh cho biết: Ông mất do vết thương cũ tái phát, một phần do tuổi cao sức yếu. Tháng 10/2019, ông Hoàng Đăng Vinh cũng qua đời sau cơn đột quỵ. Sau cùng, những nhân chứng sống năm xưa từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát đều lần lượt ra đi, nhưng những ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ và tinh thần kiên cường, quyết chiến quyết thắng của bộ đội cụ Hồ vẫn còn mãi.
(Tổng hợp)
67 năm chiến dịch Điện Biên Phủ thành công: Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận