Ngày 1/5 đầu tiên ở Việt Nam: Ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân - đế quốc

Ngày 1/5 là ngày Quốc tế lao động, là thời điểm lịch sử mang ý nghĩa trọng đại, không chỉ tại Việt Nam mà ở toàn thế giới.

Chi Nguyễn
08:30 01/05/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày 1/5 là ngày gì?

Ngày 1/5 còn gọi là ngày Quốc tế lao động, là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.

Lịch sử ngày này bắt nguồn từ TP. Chicago ở Mỹ vào thế kỉ XIX. Thời điểm đó, Chicago là trung tâm thương nghiệp của Mỹ, họ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản khốc liệt. Công nhân bị ép làm việc 14-18 giờ/ngày, phụ nữ lao động không kém gì nam giới nhưng đồng lương chỉ bằng một nửa, không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

ngay-1-5-la-ngay-gi-ngay-1-5-dau-tien-o-viet-nam-ra-sao
Ngày 1/5 còn gọi là ngày Quốc tế lao động, là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động

Điều đó đã khiến phong trào bãi công của công nhân Mỹ bùng lên với yêu cầu tăng lương, cùng với đó là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ phải thông qua đạo luật 8 giờ làm/ngày trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ, còn các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ nguyên là 11-12 giờ/ngày.

Ngày 1/5/1886, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công, tạo áp lực lên giới chủ thực hiện yêu cầu của mình. Khoảng 40.000 người đình công, không đến nhà máy. Thay vào đó, họ tổ chức mít-tinh, biểu tình với biểu ngữ: "Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!"

Hai ngày sau, hơn 6.000 công nhân tổ chức bãi công, mít-tinh, biểu tình nhưng bị cảnh sát đàn áp; 9 công nhân bị giết, 50 người bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4/5, một cuộc mít-tinh khổng lồ diễn ra để phản đối cảnh sát nhưng vẫn bị đàn áp dã man. Từ đó, cuộc đấu tranh của công nhân ngày càng quyết liệt, và sau cùng chính phủ Mỹ đành phải nhượng bộ và ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

ngay-1-5-la-ngay-gi-ngay-1-5-dau-tien-o-viet-nam-ra-sao
Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!

Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Ngày 1/5 được chọn làm mốc bởi đây là ngày bắt đầu năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5 đầu tiên tại Việt Nam thế nào?

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động (CNLĐ) Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô - Viết.

ngay-1-5-la-ngay-gi-ngay-1-5-dau-tien-o-viet-nam-ra-sao
Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta

Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với CNLĐ thế giới.

Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của GCCN và nhân dân lao động Việt Nam.

ngay-1-5-la-ngay-gi-ngay-1-5-dau-tien-o-viet-nam-ra-sao
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”.

Ngày 1/5/1958, Bác đưa ra “Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động” khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới...”. Ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.

Theo Báo quốc tế

Xem thêm: Nhìn lại những hình ảnh quý của khoảnh khắc chiến thắng 30/4/1975 lịch sử

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận