Mắc kẹt vì lướt sóng bất động sản, chuyên gia chỉ cách giúp nhà đầu tư thoát "bẫy"
Đầu tư chỉ vì nghe tin đồn thị trường có sốt đất ở tỉnh này, phố nọ, không ít nhà đầu tư bất động sản non tay đang rơi vào tình thế mắc kẹt vốn.
Anh Phú (Hoài Đức) than thở, anh đang rơi vào thế "mắc cạn" vì lỡ đặt cọc lướt sóng bất động sản. Anh cho biết, anh được môi giới chào mời suất ngoại giao với giá gần 6 tỷ đồng cùng tư vấn giá sẽ tăng mạnh khi thị trường đang nóng. Nghe bùi tai, anh liền đặt cọc 300 triệu đồng để lướt sóng lô đất liền kề rộng gần 50m2 ở Hà Nội.
Nào ngờ, nguôn hàng được tung ra thị trường ồ ạt, thông tin nhiễu loạn nên việc giao dịch bị chậm lại. Chủ đầu tư yêu cầu người mua phải đóng trước 20% giá trị, khiến anh Phú tiến thoái lưỡng nan. Hiện anh không biết nên làm gì, vì rao bán ngang giá cũng chưa thấy ai mua, vay vốn để nộp vào thời điểm này cũng không thuận lợi vì chính sách siết tín dụng.
Ông Phạm Đức Toản, nahf sáng lập EZ Property cho hay, trường hợp các nhà đầu tư "tay ngang" mắc kẹt khi lướt sóng như anh Phú không hiếm. Vài năm trước, tình trạng này đã xảy ra phổ biến ở nhiều thị trường vùng ven ở Hà Nội như Mê Linh, Ba Vì, Hoài Đức...
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường vùng ven rất dễ tăng nóng dưới sự ảnh hưởng của các nhóm đầu cơ hay "cò đất". Khi sốt đất dần hạ nhiệt, họ dễ tạo ra các bẫy để thoát hàng như thổi giá tạo sốt ảo, quỹ căn khan hiếm, suất ngoại giao... Không may vướng vào các bẫy này, nhà đầu tư có thể đối mặt với nhiều rủi ro điển hình là mất cọc. Thậm chí, có những người trả khoản chênh lớn cũng khó lấy lại tiền vì chưa có tính pháp lý ràng buộc.
Nếu tiếp tục giữ hàng, nhà đầu tư cũng gặp khó vì chủ đầu tư sẽ yêu cầu đóng tiền theo tiến độ. Vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động mạnh, làm sao để tránh các bẫy thoát hàng tinh vi từ giới đầu cơ?
Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia bất động sản thường khuyên rằng, người mua non tay không nên đầu tư. Nhất là với những người có vốn mỏng, không có tiền rảnh rỗi, đầu tư thời điểm này vô cùng mạo hiểm, tựa như "chơi với lửa". Nếu muốn mua, trước tiên phải tìm hiểu vấn đề pháp lý của lô đất, căn hộ, đảm bảo nếu muốn thoát hàng thì có đầu ra thuận lợi.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên cảnh giác trước các chiêu trò của dân môi giới. Nếu thấy mảnh đất có vị trí đẹp, lại có giá hời, nhà đầu tư không nên mua ngay mà cần tự hỏi vì sao lô đất có nhiều ưu điểm vậy lại không "cháy hàng"? Suy cho cùng, đầu tư bất động sản không phải trò chơi, nếu mắc bẫy thì rất dễ bị "tiền mất, tật mang" như anh Phú ở trên.
Theo VnExpress
Xem thêm: Sốt đất Bình Dương bắt đầu hạ nhiệt, đây có phải là lúc nên đầu tư?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận