Vị vua kiệt xuất triều Lê làm rạng danh nước Việt, 'dẫu Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông cũng không thể hơn'
Vua Lê Thánh Tông được đánh giá là vị hoàng đế kiệt xuất, trị vì ở một trong những giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vua Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1442 – 1497) là hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lệ, trị vì 37 năm - thời gian lâu nhất thời Hậu Lê, giai đoạn Lê sơ. Thời kỳ này đánh dấu sự hưng thị của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam, được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế. Đại Việt sử ký toàn thư đã điểm xét là: "Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được".
Lên ngôi năm 18 tuổi
Lê Thánh Tông, tự là Lê Tư Thành, là con trai út của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao. Năm 1445, Lê Nhân Tông (Lê Bang Cơ) hạ chiếu phong Lê Tư Thành là Bình Nguyên Vương, làm phiên vương vào kinh sư học cùng các vương khác.
Bình Nguyên vương có dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác, lại không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim. Ông thích nghĩa lý thánh hiền, ưa điều thiện, chăm chỉ, được Thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu mến như con đẻ, và được Lê Nhân Tông coi như người em hiếm có.
Năm 1459, con cả của vua Thái Tông là Lê Nghi Dân đột nhập cung cấm, giết vua Nhân Tông. Nghi Dân tự lên làm vua, niên hiệu là Thiên Hưng, cải phong Tư Thành làm Gia vương. Nghi Dân trị vì chưa được 1 năm thì các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, làm binh biến, bức tử. Hai ngày sau, những vị này bàn nhau đón Tư Thành nối ngôi.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết". Năm 18 tuổi, Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, xưng làm Thiên Nam Động chủ, đặt niên hiệu là Quang Thuận, sau đổi thành Hồng Đức.
Đương thời xưng tụng, đời sau nể phục
Có thể nói, Đại Việt dưới thời vua Lê thánh Tông đã quật khởi thành một cường quốc khu vực Đông Nam Á. Về điều này, Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại lời bình sử thần Vũ Quỳnh như sau: "Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần […] Người hiền tài chọn được nhiều hơn cả đời vua. Văn võ đều dùng, tuỳ theo sở trường của từng người. Vì thế, có thể sửa dựng chính sự, chế tác lễ nhạc, hiệu lệnh văn chương rõ ràng, có thể cho người sau noi theo".
Với tôi thần nhà Lê sơ, sau khi vua mất thì hết sức tiếc thương, sau này bình luận của các sử thần đa phần đều tích cực. Thần Nhân Trung có đại diên các quan soạn bài tán ca ngợi công đức của vua, có đoạn như sau:
Giữ báu nắm phù,
Phát lệnh chính vị.
Giữ trung: học tổ,
Dựng cực: thừa thiên.
Nhân bồi hậu thế,
Hiếu kính tổ tiên,
Văn sáng Khuê, Bích,
Học sâu uyên nguyên.
Theo điển, dùng lễ,
Lánh gian, thân hiền.
Trị nước, chín kinh,
Dùng quan: tám bính.
Triệu dân vỗ yên.
Trăm việc chấn chỉnh.
Văn giáo rộng ban,
Vũ công đại định,
...
Sau này, sử sách đều xem thời kì vua Lê Thánh Tông trị vì là một chuẩn mực để noi theo. Chẳng hạn, trong Ngự chế Việt sử tổng vinh, Vua Tự Đức từng ngợi ca tiền nhân rằng: "Lê Thánh Tông sáng lập chế độ mới mẻ, văn học và nhân vật bấy giờ rất khả quan; đất đai và bờ cõi nước nhà càng thêm rộng. Vào khoảng niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức, nước nhà trong ngoài đều vô sự, và hàng năm lúa thóc được mùa luôn, cho nên người ta gọi là đời thái bình thịnh trị vậy".
Không ít các sử gia nước ngoài khi tìm hiểu về lịch sử Việt, cũng không ngoại lệ mà nhìn nhận tốt đẹp và khen ngợi vua. Alfred Schreiner trong Abrégé de l'Histoire d'Annam (Đại Nam quốc lược sử) đã khen rằng: "Vua nầy công bình, thông minh, oai nghiêm, và cần quyền lắm, người xem xét cùng quy chế mọi việc trong nước lại trúng cách, hơn các vì vương đế khác".
Những điểm nhấn của vị vua kiệt xuất
Những lời xưng tụng, ngợi ca của kẻ đương thời cũng như hậu thế đối với vị vua này chắc chắn không phải lời hoa mỹ. Suốt 37 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục – khoa cử, luật pháp, áp dụng các giá trị Tân Nho giáo vào việc trị an. Nhờ đó, Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và văn minh, quả thực những gì Thánh Tông làm xứng đáng lưu danh sử vàng.
Dưới đây là một trong số những thành tựu dưới thời vua Lê Thánh Tông:
Hành chính
Lần đầu tiên trong thời Lê sơ, vua cho đo đác và vẽ bản đồ các đơn vị hành chính, chia Đại Việt thành 13 thừa tuyên và phủ Phụng Thiên thuốc đế đô Đông Kinh. Đây chính là "Hồng Đức bản đồ" (1469), hay còn gọi là Hồng Đức bản đồ sách (洪德版圖冊), là bản đồ địa lý đầu tiên do nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện.
Vua cho chia các đơn vị hành chính thành phủ, huyện, châu, mục đích để "đơn giản hóa việc hành chính và đồng thời tăng thêm quyền lực của nhà vua".
Quan chế
Vua thực hiện cải cách, đặt thêm sáu tự bên cạnh lục bộ để kết hợp làm việc, kiểm soát lẫn nhau. Về việc dùng người, vua rất thẳng thắn và nghiêm khắc, quan lại dù thân cận hay tài năng, miễn có lỗi đều bị nghiêm phê.
Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng tới việc tiến cử, cất nhắc quan lại có tài, liêm khiết và nghiêm khắc bài trừ tệ tham nhũng, lười biếng, phóng đãng và vô đạo đức giới quan lại. Có không ít trường hợp như Trạng Lường Lương Thế Vinh từng được bộ Lại tiến cử với vua năm 1467 nhưng bị gạch khỏi danh sách những người tài năng, cương trực được tiến cử; Ngô Sĩ Liên dẫu là sử quan giỏi cũng từng bị vua chê trách;...
Luật pháp
Năm 1483, vua Lê thánh Tông sai đình thần sửa đổi, biên soạn lại các điều luật cũ, tạo thành bộ Quốc triều Hình luật (chính là Luật Hồng Đức). Bộ luật này gồm 6 quyển, 722 điều, chứa đựng những sáng tạo đáng kể, phù hợp với đặc điểm xã hội và tôn giáo Đại Việt. Nhờ bộ luật này, Đại Việt hình thành nhà nước pháp quyền sơ khởi, thuộc loại sớm so với thế giới.
Bộ luật này có những nội dung cơ bản như:
- Giữ cho đất nước luôn ở thế chủ động đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài.
- Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
- Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn định kinh tế xã hội.
- Mở rộng giao lưu khuyến khích thủ công nghiệp, thương nghiệp lành mạnh, hạn chế ngoại thương.
- Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng.
- Khuyến khích nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục và phát triển kinh tế.
- Bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ (cho phép phụ nữ có quyền ly hôn, con gái trong gia đình có quyền thừa kế tương đương với con trai, con gái lấy chồng không nhất thiết phải qua sự cho phép của cha mẹ.
- Bảo vệ quyền lợi của vua và quan lại, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị địa chủ phong kiến.
Vua từng nói: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo". Sau này vua cho soạn thêm Thiên Nam dư hạ tập bổ sung giúp duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quốc gia và vương quyền. Vua xây dựng quân đội theo chính sách "ngụ binh ư nông", từng đích thân dẫn quân bình Chiêm, mở rộng cương giới.
Giáo dục và khoa cử
Bên cạnh việc xây dựng thiết chế mới, vua rất chú trọng việc mở mang giáo dục, ban hành nhiều cải cách để cải thiện chế độ khoa cử tuyển quan kiểu Nho giáo. Bản thân vua là người siêng đọc sách, giỏi văn thơ.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, có 11 khoa thi được tổ chức, ghi nhận 502 tiến sĩ, chiếm hơn 1/2 số lượng tiến sĩ thời Lê sơ. Vua không để sót nhân tài, ngoài chính sách khoa cử, tiến cử và tập ấm, còn mở đầu cho lệ bảo cử lấy người có danh vọng và đạo đức tốt để bổ nhiệm vị trí cao...
Vua từng lập ra Tao Đàn gồm 28 văn nhân giỏi đương thời do vua làm "Thiên Nam động chủ". Họ để lại nhiều tác phẩm sáng giá như Quỳnh uyển cửu ca, Hồng Đức quốc âm thi tập... Sau này, chính vua là người đã giải oan cho Nguyễn Trãi, khôi phục lại danh tiết và thơ văn của vị công thần bị chết vì án oan.
Vua còn khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề. Bên cạnh đó, vua còn mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia.
Chuyện về triều đại "quyền lực" nhất thời phong kiến: Hơn 30 người làm vua, kéo dài hơn 300 năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận