Khám phá cuộc sống mang đậm hơi thở núi rừng của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn
Ghé thăm huyện núi Khánh Sơn, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá nét đặc trưng văn hóa và lịch sử lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai.
Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số. Đồng bào Raglai ở Tô Hạp, huyện Khánh Sơn cư trú tại một thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh, gần như tách biệt. Vì thế, họ vẫn còn giữ được nhiều yếu tố cổ trong ngôn ngữ và giá trị văn hóa dân gian dân tộc cổ truyền hơn nhiều vùng khác.
Phong tục tập quán của người Raglai
Người Raglai gần như chỉ sống thu hẹp trong khuôn khổ các bur (xóm) hay palei/plei (buôn làng). Đứng đầu mỗi palei là pô pa-lây (trưởng làng), người uy tín nhất dòng họ là kây pa-lây (già làng). Họ sống quy tụ theo tộc họ, phân chia thành các dòng tộc. Trong tộc họ, trưởng họ có quyền quyết định những công việc lớn.
Người Raglai quan niệm có vợ có chồng là có sự sống giống nòi, do vậy việc cưới xin được tổ chức rất to, trang trọng và là ngày hội vui của cả cộng đồng. Ở một số nơi vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, con gái cưới chồng về nhà với quan niệm chặt cây rừng về làm cột nhà, "bắt" người ta về làm người của mình. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ, gánh vác mọi công việc làm ăn nhưng quyền quyết định những việc lớn, quan trọng vẫn là người vợ hay người cậu bên vợ.
Người Raglai chủ yếu sống dựa hoàn toàn vào sản xuất nương rẫy và một ít ruộng nước. Bắp, lúa là lương thực chính, còn có bo bo, cao lương, các loại khoai, đậu đỗ cùng nhiều loại rau quả khác. Ngoài ra, họ còn đặt bẫy và săn bắn một số loài chim, thú để làm lương thực. Được biết, đến vài thập niên trở lại đây người Raglai vẫn còn duy trì phương thức canh tác nguyên thủy là phát rừng - đốt rẫy - chọc lỗ - trỉa giống, săn bắt và đào củ, hái rau quả trong rừng.
Bên cạnh đó, bà con nơi đây còn giữ được các nghề thủ công như đan lát, gốm, dệt, ren, làm giấy phất diều. Tuy nhiên, do sinh sống hơi tách biệt, những sản phẩm này chưa thành hàng hóa, chỉ đủ bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống cộng đồng.
Độc đáo nhà dài của người Raglai
Người Raglai ở nhà sàn - còn gọi nhà dài, có các cột chính có đường kính hơn ba gang tay, cao hơn 4m. Riêng phần thềm rộng hơn 3m chạy suốt hiên mặt trước nhà đủ để sinh hoạt mỗi khi gia đình có lễ hội và cả khi phân xử sự việc theo luật tục. Thềm trước nhà còn là nơi nghỉ ngơi thư giãn, ăn trầu hút thuốc.
Nhà dài Raglai là nơi sinh sống quây quần của ít nhất 3-4 thế hệ (bà - ông, mẹ - cha, các con gái - các chàng rể, các cháu, chắt) dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, trong dòng họ. Gia đình được coi là cơ sở của cộng đồng làng.
Ngoài nhà dài, bà con còn xây dựng nhà kho để đựng nông sản, vật phẩm. Tùy nhu cầu của từng gia đình, họ sẽ xây dựng các kho lúa, kho bắp, kho bông vải... Trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn có nhà rẫy để ăn uống nghỉ ngơi trong những ngày lao động mùa vụ, có kho tạm chứa hoa lợi trước khi mang về nhà.
Đặc sản núi rừng của bà con Raglai
Các món ăn truyền thống của dân tộc này khá đơn giản, chủ yếu là cơm, cháo gạo hay cháo bắp hầm, gọi là buriăk. Canh cũng là món không thể thiếu, ngoài ra còn có nhiều món đặc sản chế biến từ thịt, cá. Rượu cần là đặc sản của dân tộc Raglai, dùng trong sinh hoạt đời thường, cúng tế thần linh và cả lễ hội.
Về lễ cúng tế hay lễ hội, họ phải có cơm (la say), canh nấu có thịt, thịt heo luộc, bánh tét, chuối chín, rượu... Luật tục Raglai bắt buộc phải có thịt và rượu (tapai kalau Jroirilo sa dray). Thịt có thể là thịt gà, khá giả thì là thịt trâu, thịt heo. Đáng chú ý, vật hiến sinh thường cắt bỏ tiết vì họ quan niệm tiết là phần của đất đai. Rượu phải có rượu cần, ngoài ra còn có nông sản như gùi lúa, bắp, gạo, trứng, một số loại bánh kẹo... Bà con dọn ăn, sắp xếp chỗ ngồi theo giới tính, độ tuổi, trong đó thức uống được xếp hàng đầu.
Nét đẹp văn hóa của bà con vùng núi
Người Raglai theo tín ngưỡng đa thần "vạn vật hữu linh". "Giàng" là vị thần linh tối cao nhất, văn hoá có chữ viết, truyện thần thoại về các vị thần sáng tạo trời đất, muôn loài. Dân tộc Raglai có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo, trở thành nét văn hóa hết sức đặc sắc. Đáng chú ý như lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống…
Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã được bộ VHTTDL công nhận là di sản phi vật thể. Nổi bật nhất trong lễ này chính là con thuyền Kagor, nét "trầm tích biển" khắc ghi dấu ấn lịch sử. Đó là linh vật đã được kế thừa và lưu giữ qua nhiều thế hệ, nét "trầm tích biển"in đậm trong tiềm thức bà con dân tộc Raglai. Con thuyền ấy là sợi dây kết nối giữa cái hiện thực và hư vô, là thế giới tâm linh giữa con người hiện tại với thế giới bên kia.
Thuyền Kago sử dụng trong Lễ bỏ mả của người Raglai là con thuyền đưa linh làm bằng một khúc gỗ đẽo dưới dạng lâu thuyền. Trên đó được trang trí hoa văn hình rồng uốn chầu trên đỉnh nhà đối xứng, lại có thêm cả rắn garai, chim chóc, cá,...
Nhắc đến người Raglai, không thể không kể đến "bộ sưu tập" các nhạc cụ hết sức độc đáo như đàn đá, mã la (cồng chiêng)... Ngoài ra còn có các loại đàn chế từ lồ ô (tre, nứa) như sáo Talakung, kèn môi, đàn môi, kèn Gadet, đàn Chapi,... Trong đó, đàn chapi đã được nhạc sĩ Trần Tiến đưa vào tác phẩm "Giấc mơ Chapi" hết sức nổi tiếng…
Tổng hợp theo báo Dân tộc, TTXVN, báo Đảng Cộng sản Việt Nam
Xem thêm: Trải nghiệm vi vu khám phá "Đà Lạt thứ 2" Khánh Sơn từ A đến Z
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận