Hai vị nữ tướng kiệt xuất nước Vạn Xuân từng khiến giặc phương Bắc kinh hồn bạt vía
Người xưa quan niệm nữ nhi chỉ nên lo chuyện bếp núc, gia đình, nhưng hai vị nữ tướng kiệt xuất ở nước Vạn Xuân này đã chứng minh điều khác biệt.
Vào thời phong kiến xa xưa, người ta thường quan niệm rằng nam nhi nên gánh vác việc giang sơn, còn nữ nhi chỉ nên lo chuyện bếp núc, mái ấm gia đình. Thế nhưng, trong lịch sử Việt Nam, vào thế kỷ thứ 6, ở đất Giao Châu đã xuất hiện hai vị nữ tướng kiệt xuất kiên cường, góp công lớn trong việc xây dựng nên nước Vạn Xuân.
Nữ tướng Khoan Khoáng
Trước kia, đất Giao Châu vốn bị nhà Lương thống trị. Lúc bấy giờ, ở Thanh Hoa có ông Dương Đức Minh giỏi thuật phong thủy, thường đi nay đây mai đó để xem đất. Một lần nọ, khi đến xứ Hổ Kì (nay là thôn Báo Văn, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), ông gặp và nên duyên với Nguyễn Thị Hằng, một người con gái trong làng.
Một lần nọ, ông Minh đi đặt đất ở huyện Bất Bạt (nay thuộc Hà Nội), còn bà Hằng một mình ở nhà. Trong một lần mưa to, bà nằm mộng thấy một con rồng lớn phủ lên người, sau đó mang bầu. Mùng 4 tháng Giêng, bà sinh ra một người con gái, trên thân có vết như khoan rắn nên bà đặt tên con là Khoan Khoáng. Chồng đi mãi không về, bà Hằng một mình nuôi con khôn lớn.
Sau này, muốn chống lại ách đô hộ của nhà Lương, bà Khoan Khoáng cho tập hợp trai tráng trong làng, lập quân nổi lên chống lại. Thời bấy giờ, việc lớn liên quan đến xã tắc, cầm quân đều do đàn ông gánh vác, nên việc có một thủ lĩnh là nữ nhi của binh đoàn toàn trai tráng là hiếm thấy. Thế nhưng, Khoan Khoáng là người dũng lược, ý chí kiên định và mạnh mẽ nên ai nấy đề nể phục.
Năm 541, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở chùa Diên táo (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên), thu hút nhiều hào kiệt, thủ lĩnh nghĩa quân về tham gia. Trong đó, phải kể đến cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục, Phạm Lương, và tất nhiên là có cả Khoan Khoáng. Bà trở thành nữ tướng trong hàng ngũ nghĩa quân, tất nhiên chưa phải là nữ tướng duy nhất.
3 năm sau, Lý Bí lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông cho đóng đô ở Long Biên (có nơi ghi là tòa thành được xây ở cửa sông Tô Lịch), phong quan tước cho các quan, thì Khoan Khoáng được phong trở về trấn ải ở phía Bắc. Mẹ bà từ làng Báo Văn tới làng Trung Nguyên (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc) lánh nạn. Sau này khi đất nước thanh bình, bà trở về trang Hổ Kì, mộ ở xứ đồng Mả Kha.
Hi sinh để bảo vệ đất nước
Đến năm 545, nhà Lương lại cử danh tướng Trần Bá Tiên đem quân sang đánh Vạn Xuân. Hai bên đã tranh đấu ác liệt ở Chu Diên (nay là phía đông Hà Nội, giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên), Lý Nam Đế thua trận nên rút về sông Tô Lịch. Tại đây, quân Vạn Xuân lập chiến lũy vội vàng, không thể chống cự nổi quân Lương, hai tướng Tinh Thiều và Phạm Tu tử trận. Sau đó, Lý Nam Đế phải chạy tới tận vùng Khuất Lão, tập hợp lực lượng để phản công.
Trước tình hình đó, nữ tướng Khoan Khoáng vẫn dũng cảm cầm quân chiến đấu chống lại quân Lương. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra ở vùng Bình Xuyên và Yên lạc suốt 2 năm.
Tới năm 546, trong một cuộc chiến ở làng Yên Lạc, nữ tướng Khoan Khoáng không may bị thương. Quân dân đưa bà tới quê nhà Hổ Kì thì mất vào ngày mồng 10 tháng 9. Người dân nhớ ơn bà, lập nhiều đền thờ, trên bài vị thờ có ghi rằng: "Đệ Nhị Ả Nương Khoan Khoáng Đại vương Mĩ Mạo Linh Dung".
Nữ tướng Phạm Thị Toàn
Lúc bấy giờ trong hàng ngũ nghĩa quân còn có một nữ tướng kiệt xuất khác, chính là con gái của Phạm Lương là bà Phạm Thị Toàn. Bà nổi tiếng là dũng tướng kiệt xuất bậc nhất thời bấy giờ, hết lên bắc lại xuống nam, có mặt trong hầu hết các trận chiến quan trọng.
Được biết, Phạm Lương, cha của bà vốn có chí lớn phục quốc đã lâu, nghe tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa thì bán hết tài sản, cùng con gái là bà Toàn tham gia nghĩa quân. Lý Bí chia quân tiến vào thành Long Biên (sau là thành Thăng Long), khiến Thứ sử Tiêu Tư thua trận, bỏ chạy về Quảng Châu.
Lý Bí chia quân, thu lại được toàn bộ vùng Giao Châu năm 542. Không muốn đánh mất vùng đất này, nhà Lương cho quân sang đánh chiếm. Lý Bí đem quân tới bán đảo Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) đón đầu. Trong trận này cũng có sự xuất hiện của bà Phạm Thị Toàn, nữ tướng cầm quân tiến đánh, giúp quân Giao Châu thắng lợi giòn giã.
Ở phía nam quân Lâm Ấp nghe tin nhà Lương tiến đánh Giao Châu thì tận dụng cơ hội, dẫn quân tới đánh Giao Châu từ phía Nam. Lý Bí liền sai tướng Phạm Tu tới phía nam đánh Lâm Ấp. Sau khi dẹp xong quân Lương phía Bắc, nữ tướng Phạm Thị Toàn lại tiếp tục dẫn quân xuống cứu trợ, lập công lớn đánh bại quân địch ở đây.
Từ chối ngôi vị Vương Phi để đi tu
Sau khi đất nước thanh bình, Lý Bí lên ngôi vua, tự xưng là Nam Việt Đế, tức Lý Nam Đế. Lúc này, ông lập ra triều đình với hai ban văn võ, trong đó nữ tướng Khoan Khoáng được phong trấn giữ ải phía Bắc.
Về phần Phạm Thị Toàn, vua ấn tượng bà là vị nữ tướng luôn tiên phong cầm quân xông trận, trận nào cũng đi đầu lập công lớn. Hơn nữa, bà còn là người nết na xinh đẹp, võ công cũng vào hàng đệ nhất. Vì thế, Lý Nam Đế ngỏ ý muốn Phạm Thị Toàn vào cung làm Vương Phi, cùng mình hưởng cảnh thái bình.
Dù vậy, nữ tướng đã từ chối mà nói rằng: "Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!".
Biết không thể gượng ép lòng người, Lý Nam Đế chấp thuận, cho bà về quê lập chùa tịnh tu. Sau khi bà qua đời, người dân lập đền thờ, tôn bà lên làm Thành Hoàng. Sau này đến năm 1103, vua Lý Nhân Tông sắc phong cho nữ tướng Phạm Thị Toàn là "công chúa ni cô". Tương truyền rằng, đền thờ của bà rất linh thiêng, từ hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận