Gặp người thân đã xuất gia tu Phật, xưng hô thế nào cho phải đạo?

Không ít gia đình bày tỏ sự bối rối, băn khoăn không biết xưng hô thế nào khi gặp gỡ và trò chuyện với người thân đã xuất gia.

Chi Nguyễn
15:40 21/09/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo Phật giáo Đại thừa của người Việt, một người theo đạo Phật phát nguyện làm lễ quy y Tam Bảo và thọ 5 giới căn bản sẽ được đặt Pháp danh. Khi quy y, tín đồ nguyện sống theo đạo lý của nhà Phật. Người nào dù không đi tu mà phát nguyện theo Tam bảo đều được ban pháp danh.

Pháp danh là do vị sư chứng giám đặt cho người thụ lễ, như một cách để thể thức truyền thừa cho đệ tử lý tưởng chung. Pháp danh được dùng trong mọi việc giữa cá nhân đó và nhà chùa từ lúc sinh thời cho đến sau khi mất.

goi-y-cach-xung-ho-dung-muc-voi-nguoi-than-da-xuat-gia-tu-phat
Pháp danh được dùng trong mọi việc giữa cá nhân đó và nhà chùa từ lúc sinh thời cho đến sau khi mất

Ngoài ra, phải phân biệt được pháp danh, pháp tự và pháp hiệu. Người Phật tử nhận Pháp danh khi thụ năm giới; nhận Pháp tự khi thụ 10 giới; và Pháp hiệu khi làm Tỳ kheo tức xuất gia đi tu. Pháp hiệu ở miền Trung đặc biệt là xứ Huế, là do vị sư phụ truyền cho người xuất gia tu tập khi đạt đạo. Chữ được rút lấy từ kệ truyền với như lời nhắn nhủ đệ tử. Ngoài ra pháp hiệu là sợi dây nối kết với nhưng những vị tiên Sư trước đó.

Tuy nhiên, không ít người vẫn cảm thấy bối rối, băn khoăn nên xưng hô với người thân đã xuất gia ra sao. Có người tu hành trở về thăm gia đình, được người thân gọi tên tục và sai bảo như hồi còn ở nhà. Vậy việc này có đúng hay không?

Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là vấn đề tế nhị, tùy thuộc vào sự hiểu đạo của các thành viên trong gia đình và chính cá nhân mỗi vị xuất gia. Giới luật nhà Phật có quy định rạch ròi về việc xưng hô và ứng xử của người xuất gia, nhưng thực tế các vị luôn linh động, theo tinh thần tùy duyên.

Người xuất gia dù đã phát nguyện rời bỏ đời thế tục, một lòng phụng đạo, tu tập nhưng vẫn còn lòng thương kính với gia đình. Khi rảnh rỗi, nhiều vị trở về gia đình, một là thăm thân nhân, hai là giúp mọi người sống hướng thiện, nhân đức. Về phía gia đình, nếu có lòng kính Phật, trọng Tăng, nên tôn trọng thân nhân đã xuất gia.

goi-y-cach-xung-ho-dung-muc-voi-nguoi-than-da-xuat-gia-tu-phat
Người tu hành khi thọ giới xuất gia đều phát nguyện xuất thế, mang dòng họ Thích và quy mạng cả đời

Người tu hành khi thọ giới xuất gia đều phát nguyện xuất thế, mang dòng họ Thích và quy mạng cả đời. Khi họ về thăm nhà, thân nhân nếu hiểu biết không nên gọi tên cũ, nhất là những tên thân mật. Thay vào đó, nên gọi pháp hiệu của họ. Ngoài ra, không nên  gọi người xuất gia theo thứ bậc, vai vế trong gia đình, họ tộc như "con", "cháu", "em"... mà gọi là "thầy", "chú" kèm với pháp hiệu.

Về phần mình, thân nhân có thể xưng đúng với vai vế của mình với người xuất gia trẻ. Nhưng với những vị đã là nhân vật trưởng thượng trong đạo, thì trừ bậc cha mẹ ra, người khác nên tự xưng "con" và gọi "thầy". Lịch sự hơn, ta có thể gọi họ là Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư...

Người xuất gia khi nói chuyện cũng xưng pháp hiệu, gọi người kia theo vai vế của họ với mình. Một số người xuất gia trẻ vẫn có thể xưng "con", xưng "cháu" với ông bà, cha mẹ hay bậc cao niên. Đây là cách xưng hô lịch sự, tránh những dị nghị, phàn nàn không đáng có do quan niệm "làm thầy xứ ta, làm ma xứ mình".

Ngoài ra, trong thời gian về thăm thân nhân, người xuất gia vẫn có thể làm một số việc trong nhà để thể hiện tình cảm, hòa đồng. Dù sao, cách giúp đỡ lớn nhất của các vị đối với gia đình chính là chia sẻ những điều tốt đẹp mà mình học được từ giáo pháp, giúp họ làm lành tránh dữ, sống tốt đời đẹp đạo.

Theo VTC News

Xem thêm: Một lòng niệm Phật có thực đơn giản: Kẻ hoài nghi khó được chứng giám

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận