Đại thiên thế giới là gì? Hiểu đúng về tam thiên đại thiên thế giới
Trái Đất nơi chúng ta sinh sống chỉ là một đơn vị vô cùng nhỏ bé, nếu so với đại thiên thế giới thật chỉ là hạt cát mà thôi.
Để hiểu đúng về đại thiên thế giới, trước tiên phải biết tiểu thế giới là gì. Trong kinh Phật có ghi: "Một hệ mặt trời mặt trăng là thế giới nhỏ (tức Tiểu thế giới). Núi Tu Di là trung tâm, mặt trời mặt trăng quay vòng xung quanh núi Tu Di".
Ở trung ương là núi Tu Di,xuyên qua biển lớn, đứng sừng sững trên địa luân. Dưới địa luân là kim luân, dưới đó là thủy luân, sau đó là phong luân. Bên ngoài phong luân thuộc về hư không cả. Núi Tu di phần giữa thì nhỏ, còn phần trên và dưới lại lớn.
Cõi trời Tứ Vương ở bốn mặt sườn núi; cõi trời Đao Lợi ở trên đỉnh núi. Chung quanh chân núi được bao bọc bởi bảy lớp núi vàng và bảy lớp biển nước thơm – cứ một lớp biển thì một lớp núi, xen kẽ nhau. Ngoài lớp núi vàng có biển mặn. Ngoài biển mặn có núi Đại Thiết Vi, vây tròn như lan can, hình trạng gần giống như phần dưới của cái cối xay. Tầng hư không ở phía trên cõi trời Tứ Vương và Đao Lợi còn có cõi trời Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại, là 6 cõi trời Dục giới. Trên nữa là 18 cõi trời Sắc giới, 4 cõi trời Vô sắc giới.
Trên không của biển mặn, ở mỗi phương Đông, Nam, Tây, Bắc, đều có vô số tinh vân, trong đó có vô số thái dương hệ, vô số thế giới. Tinh vân ở trên không phía Đông của biển mặn được gọi là châu Đông Thắng Thân; phía Nam gọi là châu Nam Thiệm Bộ; phía Tây gọi là châu Tây Ngưu Hóa; phía Bắc gọi là châu Bắc Câu Lô. Cả thảy 9 núi, 8 biển, 4 châu, 5 cõi trời Dục giới như thế, lại thêm 3 tầng trời của cõi Sơ-thiền bao trùm ở trên nữa, là một tiểu thế giới.
Có thể hiểu rằng, một núi Tu Di là một tiểu thế giới. Vấn đề là khái niệm núi Tu Di trong giới Phật học hiện nay hẵng còn là điều mờ mịt. Một số học giả Nhật Bản cho rằng, núi Tu Di là truyền thuyết cổ xưa của Ấn Độ. Khi Phật còn tại thế, Phật đã dựa vào truyền thuyết đó biểu dương Phật pháp. Núi Tu Di trong truyền thuyết, có thể có hay không có, Phật không chú tâm thuyết minh vấn đề đó.
Ngài chỉ dùng truyền thuyết núi Tu Di để biểu dương Phật pháp, cứu nhân độ thế và giác ngộ cho đời. Nói về thế giới quan của Phật giáo thì không thể không nhắc tới núi Tu Di, nhưng vị trí thật sự ở đâu? Ngày nay ta chưa dám phủ định, cũng chưa dám dựa vào đâu để khẳng định. Khi chúng ta chưa xét vấn đề này một cách thấu đáo thì thái độ an toàn nhất là cứ để thành nghi vấn.
Lại nói về tiểu thế giới, phạm vi của nó là hệ mặt trời, là thái dương hệ, hay còn biết đến là hằng tinh hệ. Mỗi hằng tinh hệ đều có một số vệ tinh đi kèm, hành tinh là mặt trời, vệ tinh là mặt trăng. Ngoài mặt trăng còn có 9 đại hành tinh, trong đó có địa cầu, đều tính là vệ tinh, tức cũng là "mặt trăng" vậy.
Một ngàn tiểu thế giới gộp lại, gọi là tiểu thiên thế giới. Phạm vi một tiểu thế giới trong tiểu thiên thế giới tính từ núi tu Di cho tới cõi trời Phạm thiên của Sắc giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới lại gọi là một trung thiên thế giới, phạm vi kéo dài tới Vô lượng tịnh thiên của sắc giới.
Một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới, phạm vi kéo dài tới Quang âm thiên của Sắc giới. Như vậy, đại thiên thế giới là một ngàn tiểu thế giới nhân lên 1.000 lần, thành một trung thiên thế giới, rồi lại từ đó nhân thêm 1.000 lần nữa. Kinh qua 3 lần lũy tiến con số ngàn, nên còn được gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Như vậy, tam thiên thế giới hay tam thiên đại thiên thế giới, không phải gồm có 3.000 thế giới, mà là: (1.000 x 1.000 x 1.000 =) 1.000.000.000, tức 1 tỉ thế giới.
Thống trị một Đại thiên thế giới là Đại Phạm thiên vương ở cõi Trời Sắc cứu kính thiên. Mỗi đại thiên thế giới có một Đại Phạm Thiên vương. Vì có vô số Đại thiên thế giới, cho nên cũng có vô số Đại Phạm Thiên vương. Đại thiên thế giới trong đó có loài người ở, gọi tên chung là Sa bà thế giới. Mỗi đại thiên thế giới là cõi giáo hóa của một đức Phật. Phật Thích Ca được tôn xưng là Sa bà giáo chủ vì lẽ như vậy.
Tất nhiên, Trái Đất nơi ta sinh sống chỉ là một đơn vị vô cùng nhỏ bé trong đại thiên thế giới. Để hóa độ khắp chúng sinh ở cõi Sa bà này, Phật Thích Ca phải dùng hàng trăm triệu hóa thân. Tuy dùng đến hàng trăm triệu hóa thân nhưng phạm vi giáo hóa của Phật Thích Ca chỉ là cõi Sa bà này mà thôi.
Tổng hợp
Xem thêm: Phật A Di Đà có thật không và những điều ít biết về Phật A Di Đà?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận