Chăm chỉ vượt 200 km/ngày đi học, cụ bà 70 tuổi ở Tiền Giang có bằng thạc sĩ kinh doanh

Suốt 4 năm qua, cụ bà 70 tuổi ở Tiền Giang Phạm Kim Hoàng vẫn miệt mài ngược xuôi đi học thạc sĩ, và mới đây đã bảo vệ thành công luận văn.

Chi Nguyễn
15:07 19/05/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mới đây, bà Phạm Kim Hoàng (SN 1951, trú huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành quản trị kinh doanh ở trường ĐH Văn Hiến. Luận văn đề tài "Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang" đã được chấm 7,4 điểm. 

Để có được tấm bằng thạc sĩ hôm nay, ròng rã suốt 4 năm qua, bà Hoàng miệt mài đi xe buýt suốt quãng đường 200 km để tới trường học. Với bà, tuy đi lại có vất vả, việc học cũng rất khó, nhưng bà vẫn rất tâm huyết, coi đi học như là một niềm vui.

Học là niềm vui

Bà Hoàng kể, bà là người ở Tiền Giang, cách chợ nổi Cái Bè - nơi có làng cổ đông Hòa Hiệp chỉ hơn 10 km. Bà đã từng đi tới Cái Bè nhiều lần, nhưng không hề biết về làng cổ này. Trong một lần đi xe buýt từ Cai Lậy về Cái Bè, bà nghe loáng thoáng về lễ hội làng cổ sắp được tổ chức. 

cu-ba-70-tuoi-o-tien-giang-bao-ve-thanh-cong-luan-van-thac-si
Sau 4 năm vất vả, bà Hoàng đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ

Từ đó, bà nảy ra ý tưởng làm luận văn thạc sĩ. Cụ bà 70 tuổi cho hay: "Mình dân trong tỉnh mà còn không biết làng cổ nên cũng muốn làm gì đó để du khách biết về điểm du lịch này. Địa điểm cũng gần nhà nên thuận lợi cho việc đi lại khảo sát, thu thập tư liệu làm luận văn".

Lại thêm nghĩ người lớn tuổi ở nhà ăn uống nhiều, ít vận động thì không tốt, nên bà lại chọn đi học. Di chuyển nhiều, rồi làm bài tập, học bài,... sẽ giúp bà liên tục vận động, đầu óc minh mẫn. Bà Phạm Kim Hoàng lại chia sẻ: "Mỗi người hưu trí có cách sử dụng thời gian rảnh khác nhau. Tôi xem việc đi học là niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui sẽ có được hạnh phúc".

Những khó khăn chồng chất

Bà Hoàng tâm sự mình không biết đi xe máy nên toàn bộ việc di chuyển đều bằng xe buýt hoặc xe ôm. Cứ thế, suốt 4 năm qua, bà lại đi quãng đường trên dưới 200 km từ Tiền Giang lên Tp.HCM để học. Thông thường, bà phải đi tới 6 chuyến xe buýt, hôm nào xe hết chuyến thì bà lại chuyển sang xe ôm, nhiều khi về đến nhà cũng đã gần nửa đêm.

cu-ba-70-tuoi-o-tien-giang-bao-ve-thanh-cong-luan-van-thac-si
Tôi xem việc đi học là niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui sẽ có được hạnh phúc

Tuy đường xa, đi lại vất vả, bà Hoàng vẫn không hề cảm thấy mệt mỏi mà tự nhủ: Trong lớp còn nhiều bạn ở xa, hay vướng bận con nhỏ vẫn đi học được, mình vẫn còn thoải mái hơn. Bà nói, mình đã chọn thì phải quyết tâm làm cho bằng được.

Không chỉ vậy, vốn xuất phát ban đầu là giáo viên dạy văn ở THCS, THPT nên việc học kinh tế với bá có phần khó khăn. Bà kể: "Các chương trình trực tuyến không có chuyên ngành văn, nên tôi thử tìm hiểu chương trình đào tạo các ngành khác và thấy quản trị kinh doanh có nhiều kiến thức cần thiết và gần gũi nên đã chọn học cử nhân trực tuyến ngành này".

Đôi khi có những khái niệm, công thức dù đọc tới đọc lui cũng không hiểu được. Bà đành phải chọn cách học thuộc lòng, sau đó đến ngày đi học thì gặp giảng viên rồi hỏi bài. 

Đến lúc làm luận văn, bà lại gặp khó khăn trong công nghệ. Vì không rành máy móc, bà phải lên mạng xem hướng dẫn để biết cách chèn ảnh, biểu đồ,... vào bài. Nhiều khi, bà vẫn gặp khó vì đã làm theo hướng dẫn mà vẫn không biết lỗi của mình ở đâu. Bà Hoàng cười, nói: "Khi mở ra nó bị cắt cúp hoặc... lạc đi đâu mất. Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần, nhờ người hướng dẫn mới hoàn thành. Do đó việc làm luận văn chiếm rất nhiều thời gian."

Quả ngọt sau 4 năm miệt mài

Vừa qua, bà đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ở tuổi 70. Không dừng lại ở đó, bà tích cực học thêm tiếng Anh trên mạng. Bà tự nhủ, tuy đã già nên học hoài cũng không khá thêm bao nhiêu, nhưng còn học là còn vui, còn học là còn hạnh phúc. Bà Phạm Kim Hoàng tự nhủ: "Chỉ cần có ý chí, khó khăn trước mắt không phải là rào cản ngăn chúng ta thực hiện mục tiêu".

Bà chọn đi học vừa là để không cảm thấy mình là gánh nặng, vừa để các cháu của mình noi gương học hành. Dạo này, thỉnh thoảng các cháu của bà hay gọi điện nhờ tư vấn về kinh tế, kinh doanh. Nay đã có kiến thức, bà đã có thể giúp họ, thậm chí còn tự lý giải một số hiện tượng kinh tế quanh mình.

Bên cạnh đó, TS Lê Sĩ Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến cũng cho hay, trước nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Hoàng, nhà trường sẽ vinh danh trong Lễ tốt nghiệp sắp tới. Ngoài ra, trường cũng sẵn sàng miễn phí 100% học phí nếu có nhu cầu học ngoại ngữ, tin học, các khóa kỹ năng mềm hoặc học dự thính các học phần trong các chương trình đào tạo khác để tích lũy kiến thức, kỹ năng theo tinh thần "học tập cả đời".

Nể phục bà Nguyễn Thị Hồng Cúc: Hậu tai biến mạch máu não, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 68

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận