Tấm lòng vàng của bà giáo U70 dành nửa đời người để cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật

Dù từng bị gia đình ngăn cấm, bà giáo Phạm Thị Hồng vẫn quyết tâm dành biết bao tâm huyết để cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật.

Tấm lòng vàng của bà giáo U70 dành nửa đời người để cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật

Dù từng bị gia đình ngăn cấm, bà giáo Phạm Thị Hồng vẫn quyết tâm dành biết bao tâm huyết để cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật.

Mặc gia đình ngăn cấm, lên Tây Nguyên dạy trẻ khuyết tật

Ở phường Ia Kring, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, có một mái ấm tình thương dành cho trẻ khuyết tật của một "bà giáo" đặc biệt. Đó là bà Phạm Thị Hồng (62 tuổi), người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em khuyết tật, chậm phát triển.

Bà Hồng tâm sự, bà gắn bó với công việc này từ năm 1987, 3 năm sau thì tham gia các khoá học do chuyên gia người nước ngoài đào tạo để bồi dưỡng kiến thức. Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu công việc giảng dạy ở các trung tâm, trường khuyết tật ở TP.HCM.

Tình yêu mãnh liệt dành cho những đứa trẻ khuyết tật đã thôi thúc bà vào Tây Nguyên mở lớp học đặc biệt. Ảnh: VTC

Đang có công việc ổn định ở thành phố, bà khiến cả nhà bất ngờ khi muốn chuyển vào Gia Lai. Người phụ nữ ấy tâm sự, lúc đó là năm 1999, bà tình cờ biết Tây Nguyên chưa có ngôi trường nào dành riêng cho trẻ khuyết tật. Tình yêu mãnh liệt dành cho những đứa trẻ khuyết tật đã thôi thúc bà rời đi.

Được biết, ngay cả khi còn giảng dạy ở các trung tâm, gia đình bà đã có vài lần cấm cản. Nên khi biết bà Hồng có ý định chuyển lên Tây Nguyên, mẹ của bà khóc liền mấy đêm vì không chịu nổi cú sốc tinh thần này.

Bà giáo U70 bộc bạch: "Tâm nguyện của mẹ là muốn tôi có tổ ấm riêng của mình, mẹ không muốn cả đời tôi chỉ chăm chăm vào những đứa trẻ không ruột thịt. Tuy nhiên, tôi từng nói với bà là tôi có thể bỏ gia đình nhưng nhất quyết không thể bỏ rơi những đứa trẻ không may mắn này được. Mãi đến khi tôi lên Tây Nguyên được mấy năm, năm 2005, gia đình tôi mới chấp nhận".

"Bà tiên" của những đứa trẻ khiếm khuyết

Bà Phạm Thị Hồng kể, ban đầu khi mới lên đây, mọi chi phí sinh hoạt là bà tự bỏ tiền túi ra. Lúc ấy, mấy "mẹ con" có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cầm cự ngày qua ngày. Dần dà, việc tử tế của bà được nhiều người biết đến, các nhà hảo tâm dần tìm đến. Thế nhưng, bà từ chối nhận ủng hộ bằng tiền mặt, chỉ nhận thực phẩm, quần áo, đồ dùng cho các em.

Với bà Hồng, các em không chỉ là học trò, mà còn là những người con, người cháu mà bà hết mực yêu thương. Ảnh: SGGP

Dù cuộc sống vất vả, gặp không ít khó khăn, nhưng bà Hồng không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Với bà, những đứa trẻ khuyết tật này không chỉ là học trò, mà còn là những người con, người cháu mà bà hết mực yêu thương.

Từ một nhóm trẻ chỉ tầm 5-6 em, giờ đây căn nhà rộng chừng 50 mét vuông đã trở thành mái ấm cho trẻ khuyết tật bị bỏ rơi. Những đứa trẻ lên 2, lên 3 tuổi mắc chứng tự kỷ, hội chứng đao, trẻ câm điếc thậm chí cả trẻ mồ côi đều được bà Hồng đưa về nuôi nấng, dạy dỗ. Hiện tại, mái ấm tình thương có hơn 40 em theo học, trong đó có 16 em chậm phát triển, 10 em mắc hội chứng đao.

Tôi mong muốn các em khi lớn lên phải được xã hội công nhận, có việc làm trong khả năng để có thể tự lo cho bản thân. Ảnh: VTC

Dạy trẻ bình thường đã khó, với những đứa trẻ đặc biệt càng vất vả hơn nhiều. Mỗi em một tính cách, có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau, chỉ cần không vừa ý là chúng nổi nóng ngay. Vì thế, bà Hồng đã phải thật sự kiên nhẫn, bao dung và tìm cách thấu hiểu tâm lý các em.

Giờ đây, các em lớn hơn chăm sóc các em nhỏ, biết làm công việc nhà và tự giác chăm lo cho bản thân. Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất đối với người phụ nữ này là làm sao để các em khi lớn lên sẽ có công việc để tự nuôi sống bản thân.

Bà Hồng tâm sự: "Thường các em khuyết tật khi ra ngoài xã hội sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi tìm việc làm nên trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng nắm bắt được sở trường của mỗi em để sau này còn định hướng công việc. Tôi mong muốn các em khi lớn lên phải được xã hội công nhận, có việc làm trong khả năng để có thể tự lo cho bản thân".

Theo Hiền Mai/VTC News

Xem thêm: Nhóm bác sĩ quân y về hưu nhiệt tình chữa bệnh miễn phí cho người nghèo suốt 20 năm ở TP.HCM