Không có việc làm ổn định, 8x Thanh Hóa cất bằng về quê nuôi vịt Cổ Lũng thu lời lớn
Khó kiếm việc làm vì chỉ có bằng Cao đẳng, 8x Thanh Hóa Hà Văn Sinh quyết định về quê khởi nghiệp nuôi vịt Cổ Lũng, thu lời lớn sau vài năm.
Khởi nghiệp nuôi vịt Cổ Lũng
Anh Hà Văn Sinh (trú tại bản La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm hồi năm 2005. Suốt nhiều năm anh loay hoay tìm việc, nhưng không thể nào kiếm được công việc ổn định. Trong một lần dẫn khách về quê trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, anh nhận thấy món vịt Cổ Lũng rất ngon, được nhiều người ưa thích. Vì thế, anh nảy ra ý định khởi nghiệp với loài vịt này.
Ở mảnh đất miền núi nơi anh sinh ra, việc có được tấm bằng cao đẳng, đại học là mơ ước của nhiều người. Vì thế, việc anh rời phố về quê lập nghiệp với nghề chăn nuôi bị nhiều người phản đối. Dù vậy, 8x Thanh Hóa vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình.
Để tìm đúng loài vịt Cổ Lũng nguyên bản, chưa bị lai tạp, anh phải lặn lội đến thăm các nhà dân trong bản. Đến khi nuôi được lứa đầu tiên, anh quyết định lựa ra 65 con giống khỏe mạnh (50 vịt mẹ và 15 vịt bố), phối giống để ra lứa mới, còn lại thì bán thịt. Có lẽ do nuôi mát tay, đàn vịt của anh cứ thế tăng dần lên, có lúc có vài ngàn con.
Những lứa vịt thương phẩm đầu tiên xuất chuồng, thương lái tranh nhau mua với giá 170.000 - 190.000 đồng/con. Để đảm bảo có nguồn cung dồi dào, anh Sinh nuôi gối 5-6 lứa/năm, thu lời lớn. Trừ đi hết các chi phí, anh lãi khoảng 100 triệu đồng.
Với ước mong khuyến khích dân bản nuôi vịt cổ Lũng, năm 2017 anh Hà Văn Sinh thành lập Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng (HTX). HTX có 12 thành viên, cùng chung tay nuôi khoảng 2.000 - 2.500 con theo quy trình nghiêm ngặt đoạt chuẩn. Vốt là người đi đầu thành công, anh Sinh cũng là người bao tiêu sản phẩm cho các thành viên của HTX.
Vài năm gần đây, du lịch Pù Luông phát triển mạnh mẽ, thu hút lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước. Các khu du lịch cộng đồng, nhà hàng, resort đều cận tới lượng thịt vịt lớn, giúp cho các thành viên trong HTX thu nhập ổn định, trung bình khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm.
Cách nuôi vịt Cổ Lũng năng suất cao
Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khòong có xuất xứ ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm của huyện Bá Thước. Giống vịt này chỉ ăn lúa và cua ốc, rong rêu bên suối, thịt chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt, ngon nức tiếng.
8x Thanh Hóa chia sẻ, bên cạnh việc chăn thả vịt tự nhiên trên suối, anh còn cất công thuê người đào ao, dẫn nước suối lên các ao. Ngoài ra, anh xây dựng chuồng nuôi kiên cố, chia thành các khu khác nhau để dễ bề quản lý, chăm sóc.
Cần lưu ý, không được sử dụng thức ăn mốc và hôi thối để nuôi vịt, tránh cho vịt bị nhiễm độc tố. Khi vịt còn non, có thể cho hăn thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn, độ đạm 20-21%. Đến giai đoạn hậu bị và sắp đẻ, cho thêm 1 phần thức ăn đậm đặc kết hợp với nguyên liệu có sẵn như ngô, thóc, cám gạo,... Nước uống cần đảm bảo trong, sạch, cho vịt uống cả ngày lẫn đêm.
Vịt Cổ Lũng sức đề kháng không cao, dễ mắc các bệnh như dịch tả, Ecoli, tụ huyết trùng, viêm gan virus... Vì thế, phải tiêm phòng vaccine đầy đủ, nhớ tiêm nhắc lại các mũi cần thiết. Vịt được 2-3 tháng tuổi thì dùng bổ sung các loại kháng sinh đặc hiệu phòng các bệnh Salmonella, tụ huyết trùng và các bệnh khác tùy theo thời tiết và tình trạng sức khỏe đàn vịt.
Theo Dân Trí, QĐND
Xem thêm: 8x người Mường gác lại sự nghiệp "gõ đầu trẻ", về quê khởi nghiệp nuôi gà 9 cựa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận