Từ chối sao cho lịch sự khi người thân liên tục hỏi vay tiền: Vừa né thành "ATM sống", vừa không phải khổ sở đòi nợ
Một trong những tình huống khó xử nhất mà ta thường xuyên đối mặt là khi người thân hay bạn bè hỏi vay tiền. Khi ấy không cho vay thì mất lòng mà cho vay xong rất khó để đòi lại.
Một trong những điều tối kỵ giữa những người có mối quan hệ thân thiết với nhau chính là vay tiền. Tiền bạc luôn là vấn đề khó nói, dễ ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên, vì thế ta luôn phải tìm cách rạch ròi. Nếu người vay biết ý trả nợ đúng hẹn, chuyện chẳng có gì đáng nói.
Thế nhưng không ít kẻ lúc vay thì tử tế, lúc trả nợ lại trơ trẽn, chiêu trò. Không ít người đã trở thành "cây ATM sống", chỉ được người khác nhớ tới khi học muốn vay tiền. Để tránh trường hợp xấu nhất là "mất tiền, mất bạn", trước khi cho người thân hay bạn bè vay tiền, hãy thử hỏi những điều sau:
Mục đích vay tiền
Dù ai đó mượn ta chỉ là 100.000 đồng hay là tới 100 triệu đồng, ta đều có quyền được biết mục đích vay tiền của họ. Con số càng lớn, càng phải hỏi kĩ. Nếu đối thương thực sự cấp bách, ta có thể cho vay. Thế nhưng, nếu họ vay tiền chỉ để ăn chơi nhảy múa, thì ta cần xem xét việc có hay không cho vay tiền.
Với những khoản tiền nhỏ, ta có thể cảm thấy dễ dàng cho người khác vay. Nhưng nếu đó là vài chục triệu, cả trăm triệu hoặc cao hơn nữa, dù thân đến đâu cũng nên có thỏa thuận trên giấy tờ cụ thể.
Đưa ra điều kiện cụ thể
Một khi đã quyết định cho vay tiền, nên đưa ra điều kiện cụ thể với đối phương. Nếu đó là khoản tiền nhỏ, ta có thể nói miệng thời gian họ hoàn trả. Thế nhưng, nếu đó là khoản tiền vài chục triệu, trăm triệu hay vài tỷ đồng, ta cần có giấy tờ rõ ràng, cụ thể khi nào sẽ trả, lãi suất hàng tháng, trả trong bao lâu hay mỗi tháng trả bao nhiêu.
Những điều kiện này nghe có vẻ hơi cứng nhắc, "khó khăn" với người thân khi quá rạch ròi, song đó là cách đơn giản để tránh cãi vã và mâu thuẫn sau này.
Chấp nhận khả năng có thể mất tiền
Tùy thuộc vào người cho vay và hoàn cảnh khoản vay, hãy tự nhủ rằng đôi khi ta sẽ không bao giờ nhận lại toàn bộ số tiền. Chẳng hạn, khi một người quen bị bệnh nặng cần tiền gấp, làm sao ta có thể đành lòng không cho? Hoặc khi họ thực sự túng thiếu, ảnh hưởng tới sự sống còn, thực sự ta không thể nào bỏ qua, ngó lơ đơn thuần nữa.
Có quyền từ chối
Hãy nhớ rằng, người khác có quyền vay tiền ta khi họ cần, thì ta cũng có quyền được từ chối. Nếu khoản tiền cho vay có thể ảnh hưởng tới chi tiêu thiết yếu, khiến ta gặp rủi ro hay đơn giản là ta không thoải mái với điều đó, ta hoàn toàn có quyền từ chối.
Dù lý do của họ là gì đi nữa, đừng sợ hãi hay cả nể mà "bấm bụng" cho vay khi bản thân không muốn. Cho bạn bè, người thân mượn tiền là tình cảm chứ không phải bổn phận. Nếu như một người chỉ vì chúng ta không cho mượn tiền mà trở mặt thì cũng đừng quá bận tâm.
Dù sao, hãy nhớ một điều rằng đừng bao giờ cho vay nhiều hơn khả năng mình có. Có như thế, nếu không may mất cũng không quá đau lòng.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận