4 chiến lược quản lý tài chính giúp vợ chồng trẻ trả hết nợ trong vòng 10 tháng
Chỉ sau vài tháng, vợ chồng trẻ Ashley Patrick đã trả xong món nợ 45.000 USD (khoảng 1 tỷ đồng) nhờ quản lý tài chính hiệu quả.
Ashley Patrick (36 tuổi, Charlotte, Bắc Carolina, Mỹ) là một chuyên gia huấn luyện tài chính, chủ sở hữu trang blog Budgets Made Easy. Trước kia, cô từng là một "con nợ" vật lộn với khoản vay gần 50.000 USD, chật vật sống qua ngày để chi trả các hóa đơn.
Với nhiều người ở Mỹ, các khoản vay sinh viên là một thứ vô cùng khó chịu, là gánh nặng tài chính của họ trong thời gian dài. Bản thân Ashley cũng có một khoản nợ 25.000 USD từ thời sinh viên vẫn chưa trả hết. Sau đó, chồng không không may mất việc, khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Chưa hết, trước đó hai vợ chồng còn vay thêm tiền từ quỹ hưu trí 401(k) - quỹ hưu trí tư nhân (Retirement Savings Account). Kết quả, cặp đôi đã nợ khoảng 45.000 USD, và họ nhận ra mình không bao giờ muốn chịu cảnh nợ nần lần nào nữa. Ashley khẳng định: "Đó là khoản vay cuối cùng và nhiều nhất của chúng tôi".
Từ đó, vợ chồng cô bắt đầu thay đổi ngân sách, quản lý tài chính và làm việc không ngừng để trả hết các khoản nợ. Cuối cùng, họ đã trả hết nợ sinh viên sau 10 tháng, tự chủ tài chính và tiếp tục trả hết số nợ còn lại 7 tháng sau đó. Dưới đây là 4 chiến lược mà vợ chồng Ashley Patrick đã sử dụng để có thể trả hết nợ:
Dừng đóng quỹ hưu trí
Vào thời điểm đó, vợ chồng Patrick đều đang đóng góp tiền lương vào quỹ 401(k). Ashley trích khoảng 5% thu nhập, còn chồng cô là 6%, nhưng con số này trở nên quá lớn khi mà cả hai gặp khó khăn trong tài chính. Vì thế, để trả hết nợ sớm nhất có thể, vợ chồng họ quyết định tạm dừng đóng khoản này.
Thanh lý đồ đạc ít dùng đến
Để kiếm thêm tiền trả nợ, Ashley quyết định cô sẽ bán bớt một số món đồ không thiết yếu. Những món đồ này bao gồm đồ đạc của con cái, các vật dụng trang trí tường, đèn và một số đồ nội thất lớn. Thậm chí, họ còn đăng bán xe kéo và một chiếc xe đẩy cho trẻ để có thể chi trả khoản nợ nhanh chóng.
Các đồ nội thất cỡ lớn được họ bán lại cho các gia đình khác, còn các đồ vật khác thì bán trên các trang thương mại điện tử. Cuối cùng, họ thu về khoảng 300-500 USD từ cách bán hàng trực tuyến này.
Cắt giảm khoản chi tiêu không cần thiết
Vợ chồng trẻ có thu nhập khoảng 125.000 USD/năm, và họ cố gắng giữ mức chi tiêu sinh hoạt ở mức thấp nhất, dồn hết tiền trả nợ. Để kiếm tiện chi phí sinh hoạt hàng tháng, họ quyết định sẽ không mua bất cứ thứ gì không cần thiết, bao gồm cả đồ hiệu.
Ashley Patrick nhớ lại: "Khi bước vào hai tháng cuối của quá trình tiết kiệm này, chồng tôi nói, lúc nào trả hết nợ, anh có thể mua kem cạo râu không? Điều đó cho thấy lúc ấy chúng tôi đã khó khăn đến mức nào". Vợ chồng họ quyết định không về Kansas gặp người thân, không đi du lịch và để dành được ít nhất 1.000 USD.
Bên cạnh đó, Ashley cũng điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt của gia đình. Cô lên kế hoạch cho từng bữa ăn, hiếm khi đi ăn nhà hàng. nhờ đó, họ đã cắt giảm một nửa ngân sách cho thực phẩm xuống còn 600 - 1.000 USD/tháng. Để làm điều đó, Patrick đã áp dụng phương thức quản lý "phong bì tiền mặt". Theo đó, cô chia ngân sách chi tiêu theo từng hạng mục vào các phong bì, không sử dụng thẻ tín dụng để chi trả.
Theo dõi quá trình trả nợ
Một trong những phương pháp mà Patrick áp dụng để trả nợ là phương pháp Snowball (quả cầu tuyết). Tức là, ta sẽ tập trung trả từ khoản nợ nhỏ nhất, và chỉ thanh toán các khoản nợ khác ở mức tối thiểu, sau đó mới tiếp tục giải quyết các khoản nợ tiếp theo.
Để có động lực trả nợ, cô đã tính toán lãi suất hàng ngày trên khoản nợ. Khi mới bắt đầu, các khoản vay của cô tích lũy 5 USD tiền lãi/ngày, tương đương gần 100 USD/tháng. Ashley đã dán những hình ảnh cho thấy kết quả trả nợ của mình vào những nơi dễ thấy như tủ quần áo, nhờ đó tự tiếp thêm động lực cho bản thân.
Cô chia sẻ: "Để tập trung, tôi đọc những câu chuyện trả nợ mỗi đêm trước khi đi ngủ. Tôi cũng tham gia các nhóm Facebook có cùng chí hướng và nghe podcast". Sau khi đã trả xong nợ, Ashley đã quyết định nghỉ hưu sớm, dành thời gian ở nhà chăm sóc 3 người con nhỏ. Chưa kể, đó cũng là lúc để cô bắt đầu phát triển công việc kinh doanh, biến nó thành thu nhập toàn thời gian. Chuyên gia tài chính này cho biết, nếu có biến cố tài chính nào xảy ra, cô không còn căng thẳng về nó nữa. Mọi thứ đã vào guồng, họ chỉ cần tập trung vào để trả tiền mà thôi.
Từ một "con nợ" vật lộn với những hoá đơn, hiện giờ Ashley Patrick đã trở thành chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân. Đối với những người muốn nhanh chóng thanh toán khoản nợ của họ, bà mẹ 3 con khuyên rằng họ nên tìm cách cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập nhanh chóng. Cô nói: "Hãy tiếp tục tiến lên và đừng bỏ cuộc ngay cả khi bạn có một ngày, một tuần hay một tháng tồi tệ. Đó là sự tiến bộ quan trọng theo thời gian".
"Bậc thầy tiết kiệm" Nhật Bản hé lộ 6 mẹo cắt giảm chi tiêu và làm giàu nhanh chóng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận