Xướng lạy sám hối khi nhà chưa có bàn thờ Phật
Xướng lạy sám hối Hồng danh các vị Phật, Bồ-tát, Thánh tăng là pháp tu phổ biến. Hàng ngày, trong các thời khóa tu tập của mọi tông phái hay pháp môn đều có xướng lạy Phật. Lễ Phật nhằm tỏ bày sự cung kính, tri ân vô hạn với bậc Đạo sư.

Lạy Phật với tâm thành kính thì có thể tiêu trừ tội lỗi ngã mạn, khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành và phước đức tăng trưởng vì thế các Phật tử cần xướng lạy sám hối với chư Phật, Bồ tát
Trong điều kiện nhà bạn không có bàn thờ Phật thì vẫn có thể tiến hành xướng lạy sám hối Hồng danh Phật sám hối được. Trước tiên, bạn nên có một bức tranh tượng Phật nhỏ, sắm thêm hai ngọn nến và ba ly nước sạch nữa thì càng tốt. Đến giờ lạy Phật sám hối, bạn mang tranh tượng Phật ra đặt lên bàn (có thể là bàn làm việc, bàn học, bàn xếp, không bàn thì ghế, đôn hoặc thùng trải khăn sạch), đốt đèn, dâng nước cúng Phật.
Sau đó bạn thực hành lễ sám theo như khoa nghi. Lễ sám xong thì thu dọn hết xếp lên kệ hay cất vào tủ. Cách này tuy vất vả vì phải bày ra rồi xếp vào nhưng ưu điểm là có Phật để lễ lạy, cúng dường, thể hiện được lòng thành kính và dễ nhiếp tâm hơn.

Kế đến, có thể lưu ảnh chánh điện của ngôi chùa bạn yêu thích hay ảnh Đức Phật trong máy tính hoặc điện thoại. Đến giờ làm lễ thì chỉ cần mở hình ảnh lên với chánh điện hương hoa rực rỡ và Đức Phật tướng hảo trang nghiêm rồi chí thành lễ sám. Cách này khá tiện lợi, ở nơi nào cũng lễ Phật được.
Cuối cùng, khi không có bất cứ thứ gì bạn cũng lễ sám được. Bạn chỉ cần hướng về nơi nào sạch sẽ, tươm tất nhất trong phòng (không nhất thiết phải hướng về Tây), vận tâm quán tưởng đang hướng về Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, thấy Ngài đang ngồi trên tòa sen, dưới cội bồ-đề, hào quang sáng chói.
Sau đó xướng lạy sám hối Hồng danh, quán tưởng và lễ bái. Mặc dù có rất nhiều Hồng danh các vị Phật khác nhau nhưng đối tượng quán tưởng chỉ một Đức Phật Thích Ca, giống như khi lễ bái Hồng danh các vị Phật trên chánh điện vậy.
Lễ bái Hồng danh Phật cần hội đủ nhiều nhân duyên mới trọn phần công đức. Trong đó, tâm chí thành cung kính lễ, quán tưởng thấy rõ hình dung Đức Phật- đối tượng lễ bái, là quan trọng nhất. Vì thế, chỉ cần có tâm kính lễ, có sự quán tưởng rõ ràng thì ở bất cứ đâu chúng ta đều có thể tu hạnh lễ bái Phật.
Đọc thêm
Người tu tập cần phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần cũng giống y hệt người chăn trâu khéo giữ con trâu của mình trước cám dỗ ngon ngọt của đám mạ non.
Người tu hành cần có cảnh giới tới thử thách thì mình mới tu đặng. Tự tu, tự ngộ thoát khỏi phiền não đó là Bồ-đề. Tu hành chính là tu ở chỗ đó. Cũng giống như khi có kẻ công kích mà tâm người tu vẫn an nhiên, bình lặng, không nổi sóng gió; thì đó là tu.
Chốn tôn nghiêm nơi cửa Phật luôn sáng bừng bởi một nụ cười. Chủ nhân của nụ cười bất tử ấy là Bồ Tát Di Lặc. Vậy Ngài là ai và vì sao Ngài luôn vui vẻ đến vậy?