Kỹ sư không lương dành nửa đời người xây cầu từ thiện ở Kiên Giang
Hơn 30 năm qua, ông Danh Hùng (64 tuổi) miệt mài đi khắp Kiên Giang xây cầu, xây nhà miễn phí, được bà con yêu mến gọi là "kỹ sư không lương".

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc ấp An Hưng, xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang), ông Danh Hùng thường xuyên chứng kiến người dân đi lại qua những cây cầu khỉ trơn trượt. Cảm nhận sự chậm đổi thay nơi quê nhà, ông luôn trăn trở, mong muốn đóng góp công sức để xây dựng quê hương.
Hồi những năm 1980, ông Danh Hùng thường xuyên theo cha - ông Danh Họn, đi khắp các vùng quê Gò Quao xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn từ thiện. “Những ngày theo cha, tôi học hỏi kinh nghiệm thiết kế xây cầu với kinh phí thấp, tiết kiệm nhưng bảo đảm chất lượng”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Dương Đẹp, người từng nhiều năm cùng ông Hùng xây cầu từ thiện, cho biết, mỗi lần xây cầu hay làm nhà từ thiện, ông Danh Hùng thường vận động người thân trong gia đình trước rồi mới vận động các nhà hảo tâm bên ngoài. Ông không vận động tiền, mà chỉ vận động vật liệu xây dựng, ngày công lao động của người dân gần nhà và tại địa bàn thụ hưởng công trình.

Cuộc sống ổn định, từ năm 2000, ông Danh Hùng để lại toàn bộ ruộng đất cho 4 người con sản xuất, tập trung vào xây cầu, làm nhà từ thiện. Theo thống kê, từ năm 1985 đến nay, ông Hùng vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, phối hợp chính quyền địa phương xây mới 40 cây cầu trên địa bàn xã Định An, kinh phí xây dựng mỗi cây cầu từ 40 triệu đến 100 triệu đồng.
Tại mỗi cây cầu xây dựng, ông Hùng huy động khoảng 12-13 người làm (ngày bình thường), từ 50-100 người tham gia (ngày khởi công, đổ trụ bê-tông cầu). Tất cả ngày công, ăn uống đều do ông vận động người thân, người dân địa bàn hưởng thụ công trình đóng góp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định An, Quảng Trọng Dũng, cho biết, những năm qua, ông Hùng có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là xây cầu, lộ giao thông nông thôn, xây nhà cho hộ nghèo. Địa bàn xã Định An có rất nhiều kênh, rạch, người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Nhờ ông Hùng, cầu bê-tông dần thay thế cho cầu khỉ. Ông Hùng là người có uy tín trong bào dân tộc Khmer ở địa phương.

Bà Lưu Thị Hạnh, ngụ ấp An Phước, xã Định An cho biết: “Ở đây, người dân rất quý ông Hùng. Ông siêng năng, thật thà, tốt bụng, thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ bà con nghèo. Mỗi lần xây xong một cây cầu ông đều báo cáo với nhân dân kinh phí xây dựng rõ ràng, để dân giám sát. Cầu do ông Hùng thiết kế, xây dựng có kinh phí thấp nhưng rất vững chắc”.
Mỗi năm, vào dịp lễ Đôn Ta và Tết Nguyên đán, ông Hùng còn vận động người thân, nhà hảo tâm gần 100 triệu đồng mua tặng quà cho người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật, người bị tai nạn.
Vị "kỹ sư không lương" cho biết, ông chuẩn bị xây mới cầu kinh Cống Số 4 nối liền hai xã Định An và Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao trị giá gần 100 triệu đồng do nhà hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ. Hai cây cầu nữa cũng chính do ông thiết kế, xây dựng đang được tập kết vật tư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2023 này.
Theo Quốc Trinh/báo Nhân Dân
Đọc thêm
Dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng anh Võ Đình Phúc vẫn cùng mẹ và anh trai tự bỏ tiền ra thiết kế, thi công cây cầu qua suốt để người dân thuận tiện đi lại.
Từng có hoàn cảnh sống khó khăn, phải ăn bắp thay cơm, khi giờ đây trở nên khấm khá hơn, vị đại gia này đã tích tiền để giúp người khốn khó.
Từ ngày ăn nên làm ra, với tâm nguyện "trả ơn đời", "anh Ba Đạt" ở An Giang sẵn sàng dốc tiền túi ra xây cầu từ thiện.
Tin liên quan
Hàn Mặc Tử bén duyên với thơ ca từ sớm, được coi là một nhà thơ lạ của phong trào Thơ mới, chỉ tiếc quá bạc mệnh.
Để đoán định tương lai của một người có được phú quý, phúc lộc hay không, cổ nhân thường nhìn vào mũi vì "nhìn tai tìm vận may, nhìn mũi tìm giàu có”.
Vừa qua, cụ Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê cuối cùng của Sài Gòn đã qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.