Ông ngoại là “liều vitamin” vô hạn của đời tôi – Câu chuyện nhân văn cảm động

Sau này khi đã trưởng thành, những kỷ niệm về ông ngoại vẫn đó, trong một vùng ký ức ấm áp tựa như một “liều vitamin” đặc biệt, có hạn sử dụng cả đời này để tôi dựa vào mỗi khi nhớ đến.

Ông ngoại là “liều vitamin” vô hạn của đời tôi – Câu chuyện nhân văn cảm động

Sau này khi đã trưởng thành, những kỷ niệm về ông ngoại vẫn đó, trong một vùng ký ức ấm áp tựa như một “liều vitamin” đặc biệt, có hạn sử dụng cả đời này để tôi dựa vào mỗi khi nhớ đến.

Tôi vẫn còn nhớ một cái Tết rất xa, thời tôi lên 5-7 tuổi, nửa đêm pháo nổ đùng đùng, tôi sợ nên nằm rúc dưới cánh tay ông ngoại, Chênh chếch trên đầu hai ông cháu là chiếc radio cũ kỹ chạy bằng pin, phát ra những câu chèo, ca cổ mừng năm mới.

Rồi bỗng đâu đó vang tên tiếng gào khóc: “Cứu con tôi với ông Sâm ơi! Pháo nổ lòi bụng nó rồi!”. Ông nghe thấy bật dậy như lò xong, cắp túi đồ nghề đạp xe đi, dáng lầm lũi trong đêm. Cậu tôi lúc ấy là sinh viên trường y về nghỉ tết cũng chạy đi theo để phụ bố.

Ông ngoại tôi là trạm trưởng trạm y tế xã. Vào những năm 1980 quê tôi vẫn còn thiếu bác sĩ nên ông kiêm đủ thứ nào là chữa bệnh cho con nít, người lớn lẫn người già, kể cả việc đỡ đẻ. Dạo bé, bố mẹ tôi hay đi công tác xa, tôi ở với ông bà ngoại thường xuyên nên thường theo ông ra trạm. Trạm xá có một hành lang dài rợp mát bóng nhãn, tôi thường ngồi ở đấy chơi mỗi khi ông bận việc. Tôi vẫn còn nhớ rõ những tiếng khóc váng của những đứa trẻ được ông đỡ ra khỏi bụng mẹ. Mỗi khi đỡ đẻ xong ông thường ra ngoài với nụ cười rất tươi, nhưng cũng đôi khi là dáng vẻ xanh xao, liêu xiêu khi phải truyền máu cho bệnh nhân vì nguồn máu dự trữ thiếu. 

Đáp lại tấm lòng bác sĩ dạo ấy thường là túi cam, túi ổi, sang hơn thì là túi trứng vịt lộn hoặc lâu lâu có con gà, con vịt ông treo lủng lẳng trên xe mỗi khi đi thăm bệnh về. Nếu dọc đường đi gặp người quen nào nghèo khó thì túi quà về đến nhà chỉ còn một nửa. Mỗi khi cứu chữa được ca bệnh khó, ông ngoại về nhà với khóe miệng tủm tỉm, mắt hấp háy tươi. Niềm vui giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy nan và những món quà nhỏ ấy là phần thưởng cho sự tận tâm với nghề của ông. Bởi suốt nhiều năm hành nghề cứu người trong nhà không có một tấm bằng khen nào được treo cả.

Tôi đi học lớp 1 từ lúc 5 tuổi, bé và còi nhất lớp nên thường xuyên bị bắt nạt. Có dạo, ông thấy cháu gái nhỏ của mình ngày nào cũng phải bê chổi đi quét lớp, thế là ông vào quét lớp cùng tôi rồi mân mê hỏi cho ra những đứa hay bắt nạt bạn bè. Sau đó, ông đi tìm những đứa ấy, chỉ vào cái túi gia cũ kỹ luôn đeo bên mình, giọng nghiêm nghị nói: “Trong này có thuốc và kim tiêm để trị bệnh cho người ốm và cả những đứa hay bắt nạt bạn bè nữa”. Từ hôm ấy tôi thoát khỏi cảnh bị bắt nạt một cách ngoạn mục nhờ ông ngoại.

Một trong những hình ảnh đáng yêu nhất tuổi thơ tôi chính là được ông ngoại chởi sau xe đạp dạo quanh đường làng. Thích hơn nữa là những khi ông rảnh rỗi trồng hoa, chăm cây tôi đi theo sẽ được ông kể bao nhiêu điều hay ho, thú vị về những cây thuốc ông trồng trong vườn nhà. Vườn của ông ngoài cây thuốc, cây hoa còn có rất nhiều các loại cây ăn quả như táo, ổi, na,… Mùa quả chín tôi qua nhà là sẽ được ông dẫn đi hái, ông đi trước cười bảo: “Sướng cháu nhất nhé! Những quả ngon nhất là ông đều để dành cho cháu đấy!”.

Dạo bé, tôi luôn nghĩ mình là đứa nhỏ được ông ngoại cưng chiều, yêu thương nhất trong gần chục đứa cháu của ông. Sau này khi ông đi xa, chị em trò chuyện với nhau tôi mới biết hóa ra đứa nào cũng tin rằng mình là đứa cháu được ông yêu nhất. Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi đều được trưởng thành, lớn lên trong hạnh phúc, vui vẻ.

Mỗi khi vô tình nghe một điệu chèo, điệu dân ca cũ, hay thấy một đóa quỳnh, đóa ngọc trâm, một mùa ổi, mùa áo tôi lại nhớ về những ngày êm đềm được sống bên ông ngoại. Và đến giờ, khi ông đã mất nhiều năm rồi thì những hình ảnh, những kỷ niệm với ông vẫn ở đó, trong một vùng ký ức ấp ám, đẹp đẽ của tôi tựa như một “liều vitamin” đặc biệt, có hạn sử dụng cả đời này để tôi dựa vào mỗi khi nhớ đến.

Xem thêm: Bật khóc trước món quà mẹ chồng tặng cháu – Câu chuyện đáng suy ngẫm