Hội chứng vịt nổi là gì và hội chứng vịt nổi có nguy hiểm không?

Hội chứng con vịt nổi xảy ra khi ta cố gắng tạo ra hình ảnh hoàn hảo dù bản thân đang phải vật lộn với cuộc sống.

Diệu Nguyễn
09:35 24/04/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội không ngừng xuất hiện những thông tin về một hội chứng tâm lý mang cái tên khá lạ "hội chứng con vịt" hay “hội chứng vịt nổi”. Hội chứng này là gì? Có nguy hiểm không? Tại sao càng ngày lại càng có nhiều người trẻ mắc hội chứng vịt nổi này?

Hội chứng vịt nổi (Duck syndrome) là gì?

Hội chứng vịt nổi xảy ra khi ta cố gắng tạo ra hình ảnh hoàn hảo cho bản thân dù đang phải vật vã, vật lộn với cuộc sống và căng thẳng bên trong.

Hoi-chung-vit-noi-la-gi-Hoi-chung-vit-noi-co-nguy-hiem-khong

Giống như hình ảnh ẩn dụ của những con vịt đang bơi trông thật ung dung, bình thản, nhưng bên dưới đôi chân của chúng đang phải quẫy đạp liên hồi. Những người có hội chứng con vịt cũng vậy, bên dưới vẻ ngoài thong dong là sự lo lắng, nghi ngờ bản thân và không ngừng theo đuổi các thành tích. Dù không được xếp vào nhóm rối loạn tâm lý, hiện tượng này kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng,...

Những nhà nghiên cứu ở hai trường Đại học Pennsylvania và Stanford đã tìm hiểu và phát hiện ra hội chứng con vịt khá phổ biến với các sinh viên nơi đây. Sinh viên trường Đại học Pennsylvania gọi đây là hiện tượng “Penn Face”, trong khi ở Stanford thì nó được biết đến cái tên “hội chứng con vịt Stanford”, hay còn được gọi ngắn gọn là “hội chứng vịt nổi”.

Áp lực nào khiến nhiều người trẻ mắc hội chứng vịt nổi?

Một trong những lý do phổ biến cho hội chứng này là vì chúng ta muốn hướng đến một hình mẫu hoàn hảo mà không cần phải nỗ lực (effortless perfection). Hội chứng này thường được nhắc đến ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là trong nhóm sinh viên đại học. Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân cụ thể, nhưng các nhà khoa học quan sát được một số yếu tố có thể dẫn đến vấn đề này:

Hoi-chung-vit-noi-la-gi-Hoi-chung-vit-noi-co-nguy-hiem-khong

- Quá trình chuyển tiếp lên đại học có nhiều biến động và thay đổi to lớn, sinh viên phải trải qua những yêu cầu cao độ về học tập, sinh hoạt, làm thêm, và học cách sống xa gia đình.

- Hấp thụ quá nhiều nội dung về cuộc sống hào nhoáng, thành công của người khác, đặc biệt là những người đồng chăng lứa. điều này gây ra sự so sánh và tự áp lực lên bản thân.

- Những người thiếu sự linh hoạt trong ứng phó với căng thẳng; hoặc đã quen với sự can thiệp của phụ huynh trong cuộc sống.

- Môi trường học tập, làm việc có tính cạnh tranh cao độ, ít chấp nhận việc việc mắc lỗi và sự không hoàn hảo.

- Gia đình quá bao bọc hoặc quá nghiêm khắc, có kỳ vọng và đòi hỏi cao về thành tích.

Dấu hiệu nhận biết người mắc hội chứng vịt nổi

Vì đây không phải một rối loạn tâm lý nên không có chẩn đoán cụ thể cho hội chứng này. Tuy nhiên, nếu bạn có một số dấu hiệu sau, rất có thể bạn đang có hội chứng vịt nổi:

- Thường so sánh bản thân với người khác; thường cảm thấy người khác tốt hơn, giỏi hơn

- Cảm giác mất kiểm soát với cuộc sống của chính mình, dường như bản thân không thể bắt kịp đòi hỏi của công việc và cuộc sống

- Khó thư giãn

- Lòng tự trọng thấp, sợ sai sót, sợ bị chỉ trích

- Thường cảm thấy những người xung quanh cố tình gây khó dễ, ảnh hưởng tới hiệu suất, thành tích cá nhân.

- Xuất hiện các triệu chứng thể lý:năng lượng thấp, khó ngủ, căng cơ, nghiến răng, buồn nôn hoặc khô miệng...

- Xuất hiện các bất thường về nhận thức: dễ lo lắng, hay quên, có những dòng suy nghĩ dồn dập, khó tập trung, khả năng phán đoán suy giảm...

- Thay đổi trong hành vi: thay đổi khẩu vị, hay trì hoãn, sử dụng chất kích thích, bồn chồn, nhổ tóc, cắn móng tay,...

Hội chứng vịt nổi có nguy hiểm không?

VietNamNet từng đưa tin về một câu chuyện có thật liên quan đến hội chứng vịt nổi: Ở trường trung học, Kathryn DeWitt là chủ nhân huy chương vàng 10 môn phối hợp, là đại diện của trường cho chương trình nữ sinh lãnh đạo toàn tiểu bang, tham gia 8 kỳ thi AP (các lớp trình độ đại học), tốt nghiệp phổ thông với toàn điểm A. 

DeWitt được nhận vào ĐH Pennsylvania từ danh sách đợi. Trong 2 tuần đầu tiên, cô rất bận rộn. DeWitt tham gia một hội nữ sinh, đăng ký dạy kèm cho học sinh tiểu học và tham gia một nhóm những người theo đạo Cơ đốc mà bố mẹ cô từng tham gia hồi đại học, ở Stanford.

hoi-chung-vit-noi-la-gi-hoi-chung-vit-noi-co-nguy-hiem-khong

Đỗ “vớt” vào Penn đồng nghĩa với việc xung quanh cô toàn những thần đồng. Lúc này DeWitt bắt đầu nếm mùi tự ti. “Một người bạn của tôi là vận động viên trượt băng nghệ thuật đẳng cấp quốc tế. Một người khác chiến thắng cuộc thi khoa học Intel. Xung quanh tôi toàn là những người xuất sắc và tuyệt vời. Và tôi chỉ mong ước được tuyệt vời như họ thôi”.

Không khí lớp học dường như càng khiến DeWitt hoang mang hơn. Một số nữ sinh trang điểm dày cộp tới lớp. Trong khi DeWitt mặt đầy mụn trứng cá. Họ trò chuyện về những kỳ thực tập tuyệt vời, trong khi DeWitt vẫn đang vùi đầu vào đống bài tập về nhà. Cuộc sống của bạn bè qua những gì họ nói có vẻ vui hơn, họ có nhiều bạn bè hơn và tới những bữa tiệc thú vị hơn. Thậm chí, những bữa ăn mà họ đăng trên Instagram trông cũng ngon hơn.

Sự tự tin của DeWitt bị giáng một cú mạnh hơn khi cô liếc nhìn màn hình điện thoại của cậu bạn ngồi cạnh đang nhắn tin cho ai đó: “Thà nhảy từ máy bay xuống còn hơn nói chuyện với con bé ngồi cạnh”.

Khi đó, vào ngày 17/1/2014, Madison Holleran – một tân sinh viên khác của Penn nhảy lầu tự tử. DeWitt đã vô cùng sửng sốt. Cô chưa từng gặp Holleran, nhưng cô biết Holleran là một sinh viên nổi tiếng, hấp dẫn và xuất sắc. Trong một dòng trạng thái trên blog, DeWitt viết: “Cái quái gì vậy, cô gái? Tôi tưởng tôi mới là người đầu tiên phải làm như thế! Bạn có quá nhiều thứ để sống vì nó!”.

Trong khi luôn tỏ ra vui vẻ và rất chăm chỉ hoàn thành bài luận, nhưng DeWitt đã âm thầm đi mua lưỡi dao cạo và viết một chồng thư vĩnh biệt người thân.

Từ khi học mầm non, DeWitt đã được kỳ vọng sẽ trúng tuyển một trường đại học ưu tú. Bố mẹ cô không phải là những người độc đoán. Họ thường xuyên khen ngợi khi cô làm tốt. Nhưng chính niềm vui và sự tự hào của họ khiến cho DeWitt cảm thấy phải tự hoàn thiện bản thân để bố mẹ vui lòng.

Hoi-chung-vit-noi-la-gi-Hoi-chung-vit-noi-co-nguy-hiem-khong

Hội chứng vịt nổi không phải là một căn bệnh. Tuy nhiên, việc cố gắng nỗ lực trong thầm lặng, không chia sẻ sự mệt mỏi với người xung quanh sẽ khiến căng thẳng kéo dài. Lâu dần, bạn phải trải qua nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như: mất ngủ, suy giảm khả năng tập trung và suy nghĩ, rối loạn lo âu và trầm cảm.

Làm sao để hạn chế sự ảnh hưởng của hội chứng vịt nổi?

Trò chuyện với những người bạn tin tưởng về khó khăn của mình: Được lắng nghe và thấu hiểu luôn là một liều thuốc chữa lành. Nếu ngại phải nói ra với người quen, bạn có thể chia sẻ (ẩn danh) trên các trang confession hoặc các hội nhóm có chung tiếng nói. Các sinh viên tại trường Đại học Stanford thậm chí đã tạo một nhóm Facebook dành riêng cho việc giãi bày tâm sự thầm kín.

Ngừng so sánh bản thân với người khác: Việc liên tục nhìn thấy những người giỏi giang trên mạng xã hội dễ khiến bạn có áp lực phải trở nên giống họ. Nhưng thực ra, người duy nhất bạn cần so sánh chính là bản thân mình. Đừng để áp lực đồng trang lứa đè nặng lên bạn.

Đừng quá khắt khe với bản thân: Chúng ta thường nghĩ mọi người sẽ chú ý đến từng lỗi lầm của mình. Điều đó khiến ta sợ hãi những sai lầm. Nhưng thực ra, người khác thường không quá quan tâm đến bạn nhiều như bạn nghĩ. Vậy nên hãy thư giãn và dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân.

Xem thêm: Bí kíp thoát khỏi chứng ghiền mua sắm: Không sớm thay đổi, nghèo khó bủa vây!

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận