Hiếu thảo với mẹ chồng – Câu chuyện nhân văn cảm động

Tôi đau đớn vì mất mẹ chồng, nhưng không tủi hổ vì đã chăm sóc hiếu thảo với bà cho đến ngày bà trút hơi thở cuối cùng. Lương tâm thanh thản chỉ mong bà siêu thoát nơi yết bàn.

Hiếu thảo với mẹ chồng – Câu chuyện nhân văn cảm động

Tôi đau đớn vì mất mẹ chồng, nhưng không tủi hổ vì đã chăm sóc hiếu thảo với bà cho đến ngày bà trút hơi thở cuối cùng. Lương tâm thanh thản chỉ mong bà siêu thoát nơi yết bàn.

Mẹ chồng tôi trắng trẻo ưa nhìn, ngoài nấu ăn vụng thì bà sạch sẽ, lại buôn bán rất giỏi. Tranh thủ thời gian đi làm trong cơ quan, cuối tuần bà lại xách cái làn nhựa với nào là trứng gà so, trứng vịt lộn,… thêm chút quà quê Thanh Hóa nhảy lên tàu chợ Thanh Hóa – Hà Nội. Tàu dừng bà xuống ga đi bộ mạch về Chùa Láng, tranh thủ bán chỗ trứng kiếm ít tiền lãi rồi vào trường Đại học Ngoại giao thăm con gái. Sau đó lại nhanh chóng, tất tưởi nhảy tàu về lại quê. Bà nói: “Hồi ấy khổ lắm, đi tàu lâu lại còn đứng có 1 chân”.

Khi ấy, bố chồng tôi đi bộ đội ở miền Nam chưa biết ngày về. Mọi việc trong nhà đều một tay mẹ chồng tính toán. Khổ thế nhưng các con bà khi ấy học giỏi có tiếng ở thị xã, thi đại học toàn thừa điểm, còn được đi nước ngoài.

Giải phóng về, tính ông thì nóng hôi hổi nhưng được cái nấu ăn ngon. Khách đến chơi nhà, ông đi chợ nấu cơm đãi khách, còn bà ngồi chễm chệ tiếp khách. Bà đúng là nóc nhà!

Thế rồi bà mắc bệnh hiểm nghèo, đành theo chồng tôi ra Hà Nội sống để chữa bệnh. Nói thật việc ông bà ra sống với gia đình tôi là thử thách cho cả hai bên, vì ông bà không quý tôi lắm. Tôi là cô con dâu cũng còn hơi hướng phong kiến nên xác định là “một điều nhịn chín điều lành”. Mọi việc tôi đều nương theo ông bà và chồng.

Vì thương chồng nên tôi cố gắng vượt qua mọi sự bắt bẻ của ông bà. Có những ngày tủi thân, tôi bế con về quê, định bụng chia tay đường ai nấy đi…. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, chỉ có bệnh của mẹ chồng bắt đầu đến giai đoạn nặng, tiền nong khá tốn kém, việc chăm sóc bà cũng đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Lúc này tôi mới cảm nhận được chồng thương mẹ như nào và cũng rất cảm phục việc chăm mẹ của anh, nào là đặt báo thức đêm 2 tiếng một lần cho bà ăn cháo, uống sữa, đi vệ sinh,…

Chị ba chồng ở xa không về được, chị hai chồng thì công việc bận nên cũng không thường xuyên ghé thăm. Nhưng chị cũng rất chu đắm, sắm cho mẹ chẳng thiếu thứ gì. Thuốc gì tốt nhất là chị bàn với chồng tôi mua cho bằng được. Chị còn chọn mua cái đệm êm nhất cho mẹ nằm, tối rảnh là chị sang trông mẹ đến khuya mới về.

Thời gian này mẹ chồng tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, ban ngày thì chồng trông, ban đêm thì tôi trông. Dạo này bà gầy đi trông thấy, thuốc men tiêm truyền suốt ngày nhưng tinh thần bà vẫn rất vững chãi. Rời ra lại đòi uống thuốc, truyền cả ngày bà cũng chẳng rên la… chắc bà vẫn còn muốn sống thêm nữa với con cháu. Tôi ngắm từng giọt dịch tí tách rơi như nhìn thấy sự sống của bà đang dần cạn kiệt. Sờ cái chân cái tay chỉ còn xương xẩu của mẹ chồng mà tôi thương lắm.

Đêm truyền nhiều, bà lại buồn đi vệ sinh nhiều, tay chân không muốn nhấc nữa nên chẳng buôn lau. Tôi biết bà ngại nên nói luôn: “Mẹ để con lau cho, mẹ đừng nghĩ nhiều, ốm mới nhờ đến con chứ, mẹ mà khỏe thì của quý của mẹ, mẹ phải dấu đi chứ, con làm gì có cơ hội mà thấy được”. Bà nghe tôi bảo vậy cười rung cả bụng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy bà cười như vậy.

Mẹ chồng ốm đau, tôi chăm bà không còn vì nghĩa vụ nữa mà thương bà thật sự nên ra sức chăm sóc bà cho thật tốt. Tôi xác định việc tôi hiếu thảo với cha mẹ sẽ là tấm gương cho chồng con tôi noi theo, nên tôi cứ vậy mà làm, chẳng oán trách mệt mỏi gì.

Những đêm dài trong viện tôi cũng tự mình phục mình thật, khổ nhất trong ngày là khoảng thời gian từ 5 tới 7 giờ, xung quanh họ dậy cả, tôi vệ sinh cá nhân cho bà rồi đi mua cháo, cho bà ăn là tôi bị cơn buồn ngủ đánh gục. Tôi đổ xuống chân giường, ghế hành lang, lê ra ghế đá… nói chung là vạ đâu cũng ngủ được, nhưng chỉ 30 phút là giật mình tỉnh vì đến giờ truyền thuốc cho bà.

Có đêm truyền giảm đau xong bà tỉnh đòi ăn cháo, tôi phải chạy khắp các cổng của bệnh viện Xanh Pôn để tìm mua cho bà tô cháo lúc 2 - 3 giờ sáng. Chạy hối hả về, bà ăn được đúng 2 thìa … nhìn bát cháo mà tôi khóc không thành tiếng.

Lúc tỉnh táo bà lại gọi tôi, nhỏ nhẹ nói: “Con bỏ qua những gì mẹ không phải với con nghe,  cố gắng chăm mẹ vài bữa nữa thôi, chắc mẹ chả còn được mấy hơi đâu!”. Tôi nghe vậy khóc nức nở. Nhiều bệnh nhân xung quanh  thấy vậy thì động viên, hỏi: “Cô là con gái bà à?”. Tôi nghẹn ngào gật đầu.

Mẹ chồng tôi kiên cường chiến đấu với bệnh tật 8 năm trời. Vào nắng tháng 4, bà bỏ các con lại ra đi. Ai nấy đều khóc như mưa. Thế là đau đớn đã hết, một kiếp nhân sinh cũng qua. Chị em, vợ chồng chúng tôi đau đớn vì mất mẹ nhưng không tủi hổ vì đã chăm sóc hiếu thảo với bà cho đến ngày bà trút hơi thở cuối cùng. Lương tâm thanh thản chỉ mong bà siêu thoát nơi yết bàn.

Sưu tầm

Xem thêm: Ác giả ác báo – Câu chuyện đáng suy ngẫm