Chân dung thầy giáo 20 ròng rã đi “gieo chữ trên mây”

Thầy giáo Nguyễn Văn Dành (SN 1976) là một trong rất nhiều thầy cô giáo miền xuôi sẵn sàng đem ánh sáng tri thức đến nơi rẻo cao hẻo lánh.

Chân dung thầy giáo 20 ròng rã đi “gieo chữ trên mây”

Thầy giáo Nguyễn Văn Dành (SN 1976) là một trong rất nhiều thầy cô giáo miền xuôi sẵn sàng đem ánh sáng tri thức đến nơi rẻo cao hẻo lánh.

Sinh ra và lớn lên tại Hòa Bình, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Giáo dục tiểu học, thầy Nguyễn Văn Dành đã trở thành giáo viên tại địa phương. Trong suốt một năm làm việc tại quê nhà, lòng thầy vẫn luôn đau đáu muốn làm một việc gì đó ý nghĩa. Được gia đình động viên, các thầy cô đi trước truyền cảm hứng, thầy Dành đã quyết định nộp đơn lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu xin nhận công tác. Tháng 10.2004, thầy Dành nhận được quyết định điều động đến tại điểm trường số 2 Tà Tổng (nay là Nậm Ngà), xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng thầy giáo trẻ vẫn không khỏi choáng ngợp trước sự vất vả, khó khăn mọi bề tại nơi đây. Ngày ấy, để đến được điểm trường chính thầy phải đi bộ từ cầu Pô Lếch vào. Đường đi nhỏ hẹp, dốc cao lại trơn trượt vô cùng nguy hiểm. Đi từ sáng sớm nhưng tới 17 giờ thầy Dành mới tới được Tà Tổng 1. Suốt chặng đường đi, thầy Dành luôn được thầy Vũ Đình Vanh (quê Hải Dương) là hiệu phó lúc bấy giờ dẫn đường, động viên chia sẻ. Nghỉ chân ở Tà Tổng 1, sau đó cả hai lại tiếp tục băng đường để vào Tà Tổng 2. Đường đi lại càng gian nan, trắc trở hơn, cả hai phải gồng người bấu víu vào bụi rậm ven đường để đi, nên mãi chập tới mới đến nơi.

Bữa cơm tối hôm đầu tiên ấy, có một thầy giáo hỏi thầy Dành rằng: “Ở đây cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chỉ có vách gỗ vách nứa đơn sơ ghép tạm, sóng điện thoại không có, lại bất đồng ngôn ngữ, thầy có ở nổi không?”.

“Giờ mà bỏ về thì có xứng là nam nhi không? Tại sao các thầy ở được và gắn bó nhiều năm như vậy mà mình lại không?”, thầy Dành cứ trăn trở như vậy và quyết tâm bằng mọi giá bản thân phải làm được để không phụ lòng tin tưởng của gia đình, các thầy cô đã dìu dắt.

Thấy các em nhỏ cười tươi vượt bao đèo bao suối để đến lớp, thấy các đồng nghiệp kiên nhẫn từng chút một chỉ bảo học sinh dù bất đồng ngôn ngữ, thầy Dành lại nâng cao quyết tâm gắn bó bám bản bám trường.

Thầy Dành khi mới lên Tà Tổng chưa biết tiếng dân tộc nên 6 năm đầu thầy làm việc tại điểm trường chính. Sau đó, thầy lần lượt được thuyên chuyển đến điểm bản Pa Khà, U Na và đến năm 2023 thầy lại tiếp tục công tác tại Nậm Ngà.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà học sinh đều là con em của người đồng bào Mông và Hà Nhì. Những năm đầu, thầy Dành công tác tại đây, trường học chủ yếu được dựng bằng vách nứa, vách củi, vì chưa có điện nên phải tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Nhiều năm trời cả thầy trò đều vất vả "đánh vật" với nắng gió để mang "cái chữ" rọi đường tương lai.

Điểm trường trung tâm Nậm Ngà năm 2010 bắt đầu có đường vào tận nơi, năm 2016 thì có điện. Thầy cô giáo không phải dùng máy phát điện chạy tua bin cắm ở các con suối nữa, cuộc sống của cả thầy và trò dần được cải thiện.

Các thầy cô giáo nơi đây luôn tâm niệm rằng các em học sinh đã vượt cả hàng chục km đến với mình, đồng bào tin tưởng mình, là người giáo viên mình phải hết lòng cống hiến để không cảm thấy hổ thẹn với nghề, với bà con đồng bào. Thầy giáo Dành cũng như bao thầy cô đang ngày đêm miệt mài gieo những con chữ trên núi cao. Các thầy cô vừa làm mẹ, vừa làm cha không nề hà bất cứ việc gì, miễn các em có bữa cơm no bỏ bụng, có chăn ấm nệm êm để ngủ, có con chữ để rọi sáng tương lai.

20 năm gắn bó tại Nậm Ngà, thầy Dành đã chứng kiến sự đổi thay rất lớn của mảnh đất nơi đây. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, của Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô đi trước mà con đường mang cái chữ tới từng điểm bản xa xôi đã được tiếp thêm động lực. Thầy Dành nói bản thân thầy thấy mình thật nhỏ bé, thầy cũng giống như các thầy cô giáo khác, những việc thầy làm là lương tâm nghề nghiệp mình phải có. Con đường thầy đi cũng không phải thầy đi một mình mà được sự ủng hộ của biết bao người từ các cấp chính quyền tới các đơn vị xã hội, bà con.

Giờ đây, cuộc sống của người dân bản sẽ không chỉ quanh con suối, nương rẫy mà có thể đi xa hơn, vươn tới những vùng đất mới. Mấy chục năm qua có biết bao học sinh từ mái trường Nậm Ngà là sinh viên, là cán bộ, là giáo viên... Chính họ đang từng ngày đem lại sự thay đổi đầy hy vọng cho mảnh đất nơi rẻo cao này.

Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, thầy giáo xe lăn giúp ích cho đời