Tìm về chốn bình yên ở 2 ngôi làng cổ đẹp nức tiếng Hà thành
Mặc cho những “cuộc di dân” ồ ạt về thành phố mỗi ngày, có những ngôi làng Bắc Bộ vẫn bình yên sau những thăm trầm biến cải.
Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm nằm cách 44 km về phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngôi làng vẫn giữ cho mình những nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ và là ngôi làng đầu tiên được trao Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đi vào trong làng cổ, du khách sẽ nhận thấy sự giản dị đến bình yên của bởi hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình... Nơi đây còn được biết đến với tên gọi “đất hai vua” bởi làng Đường Lâm là quê cha đất tổ của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Xét về quy mô kiến trúc, Đường Lâm chỉ đứng sau Phố cổ Hội An và Phố cổ Hà Nội. Biểu tượng của làng Đường Lâm là đình Mông Phụ gần 400 năm tuổi mang dấu ấn kiến trúc Việt-Mường, cổng làng được xây dựng theo kiểu “thượng gia hạ môn” (tức dưới là cổng, trên là nhà) và hơn 900 ngôi nhà cổ đá ong quy tụ.
Ở Đường Lâm, chỉ có những con đường làng lát gạch nghiêng với hai bên là cây xanh rợp bóng cùng những ngôi nhà phủ kín rêu phong mang nét đẹp bình dị trong ánh nắng sớm mai. Từ đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền đến nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh hay chùa Mía, tất cả đều toát lên vẻ cổ kính, trầm mặc, tạo thành một “kho tàng sống” độc đáo lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa từ lâu đời của Đường Lâm cổ trấn.
Làng Đường Lâm còn “ghi điểm” trong lòng bất kỳ ai đến đây với hình ảnh cổng làng Mông Phụ - cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ. Cổng làng là sự kết tinh từ 4 thứ gỗ quý: Đinh, lim, sến, táu; một bên cổng là cây đa cổ thụ đã sừng sững tồn tại hơn 300 năm, một bên là dòng kênh xanh trong.
Với kiến trúc hình vòm, phần tường được bao bọc bởi màu vàng mật của đá ong, cổng Mông Phụ gợi lên một nét thâm trầm, thấm đẫm hồn quê xứ Đoài. Ngay tại nơi đây, bạn có thể ghi dấu lại những khung hình xưa cũ, đầy hoài niệm, hiếm nơi nào có được.
Làng Đường Lâm là nơi ngự trị của 956 ngôi nhà cổ với kiến trúc 5 gian, 7 gian, đậm chất làng quê Bắc Bộ thuở xưa. Mái ngói được lát gạch đất nung, phần tường thường được tráng trong lớp đá ong, gỗ xoan. Trước sân nhà là những chụm tương nếp nằm san sát nhau được người dân chưng cất cẩn thận để cho ra đời tinh túy ẩm thực của làng cổ Đường Lâm. Để rồi, mùi vị mằn mặn của tương hòa lẫn với hương thơm đặc trưng của những chum rượu truyền thống cứ thế thoảng bay khắp không gian.
Cứ mỗi độ tháng 5, tháng 6, người ta lại nô nức đổ về để chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín bạt ngàn. Khắp ngõ hẻm, con đường làng đều được nhuộm mình trong sắc màu vàng ươm của cỏ rạ và rơm khô. Chiều về, khói đốt đồng bốc lên nghi ngút, đàn trâu thong dong gặm cỏ, một cảnh tượng làng quê vô cùng thanh bình, yên ả. Đặc biệt, đến Đường Lâm, bạn hãy thưởng thức những món đặc sản như chè lam, thịt quay đòn nhé! Chắc chắn bạn sẽ say lòng “cổ trấn bị lãng quên” giữa lòng Hà Nội này mất thôi!
Làng Đông Ngạc
Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km nhưng làng Đông Ngạc (tên nôm là làng Vẽ hoặc Kẻ Vẽ) lại có thể đưa bạn “xuyên không” về những năm tháng của thế kỷ trước. Nằm trên triền đê sông Hồng đỏ nặng phù sa, làng Đông Ngạc (thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) với gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm cứ thế bền bỉ tồn tại giữa lòng thủ đô phồn hoa, tấp nập.
Báo CNN từng viết về Đông Ngạc: một ngôi làng học giả ngàn năm tuổi nằm ngoài quá trình đô thị hóa 20 năm qua của Hà Nội. Những cánh cổng đá đánh dấu địa phận làng, những người bán hàng rong đội nón lá, những đứa trẻ vui đùa bên ngoài ngôi chùa Tư Khánh có niên đại từ thế kỉ 17, tất cả tạo nên nét nguyên bản, mộc mạc cho ngôi làng cổ xưa nằm ở ngoại ô thành phố.
“Đất kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” là lời ca ngợi của bao thế hệ khi nói về ngôi làng có truyền thống khoa bảng này. Vì thế, biểu tượng của tinh thần hiếu học được thể hiện ngay trong những cổng làng, cổng ngõ với dáng hình tháp bút vươn cao. Những ngôi nhà cổ nơi đây cũng được xây dựng vô cùng kỳ công, khéo léo.
Đi qua những con đường lát gạch nghiêng dẫn vào các ngõ hẻm hun hút, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn lát đá hoa với màn treo buông xuống, từng cột gỗ in hoành phi câu đối vẫn chưa phai màu sơn son thếp vàng hay mái ngói đỏ nhuốm màu thời gian.
Đặc biệt, nhiều ngôi nhà ở làng Đông Ngạc còn mang hơi hướng của kiến trúc thời Pháp thuộc, tiêu biểu là trường Tiểu học Đông Ngạc B. Tuy vậy, ngôi trường với những gian nhà nhỏ sơn vàng này vẫn còn “chất” Việt khi trên những thành tường được chạm trổ hình rồng bay lên xen lẫn với hình ảnh đài hoa sen.
Không ngoa khi gọi nơi đây là “làng trong phố”, vì sát bên những ngôi biệt thự cao tầng xa hoa vẫn có những ngôi nhà cổ thấp lùn, ọp ẹp, thậm chí có nơi đã bị bỏ hoang, bám đầy rêu phong. Ấy thế mà sự cũ kỹ đó cũng làm nên một nét rất riêng của làng Đông Ngạc. Bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành background sống ảo lý tưởng.
Đặc biệt, đã đến làng Đông Ngạc thì phải thưởng thức nem chả với phong vị riêng biệt không thể lẫn vào bất cứ đâu được. Bấy nhiêu đó đã đủ thôi thúc bạn đến Hà Nội để làm một chuyến "xuyên không" quay về quá khứ hay chưa?
Đọc thêm: Khám phá ngay Thủy Nguyệt Cốc - thác nước hoang sơ ở Lâm Đồng ít người biết
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận