Gợi ý mâm cỗ cúng mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022
Việc chuẩn bị mâm cỗ thắp hương vào sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán đã trở thành thói quen tự bao đời nay của mọi gia đình Việt Nam. Theo đúng phong tục truyền thống của người Việt, gia đình nào cũng chú trọng và chuẩn bị cầu kỳ, chu đáo mâm cỗ vào ngày Tết.
Trong sáng mùng 1 ngoài việc sửa soạn lại ban thờ (thay trầu cau, nước…) thì vẫn phải chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương. Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Mâm cơm đầu tiên của năm mới không thể thiếu đĩa thịt gà trống thiến, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Ở miền Bắc, mâm cơm cúng không thể thiếu đĩa dưa, hành.
Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục, cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy.
Thông thường, gà sẽ được làm từ chiều 30 Tết vì người Việt có tục kiêng sát sinh vào ngày đầu năm.
Sau khi mâm cỗ đã được sửa soạn tươm tất, chủ nhà bưng lên bàn thờ, rồi tiếp theo lần lượt những người trong nhà ra trước bàn thờ vái lậy để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ đọc văn khấn để mời gia tiên dùng bữa và chứng giám cho lòng thành của con cháu.
Mâm cỗ cúng ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần:
Lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết bao gồm:
- Mâm ngũ quả
- Hương hoa
- Giấy tiền vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau, rượu, trà
- Bánh chưng (hoặc bánh tét).
Lưu ý, lễ mặn thường là cúng bánh chưng, gà, giò, canh… Người ta cũng thường kiêng sát sinh vào sáng mùng 1 Tết nên gà cúng của buổi sáng này thường được làm thì từ tối hôm trước.
Theo chia sẻ của nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết: "Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết trước là dâng lên các cụ, sau đó là con cháu sẽ thụ lộc. Trong bữa cơm đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ thường ăn miếng xôi gấc đầu tiên theo quan niệm, xôi gấc màu đỏ sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Trước kia, các cụ còn hay có cả nồi cá kho ăn với bánh chưng. Rồi mâm cỗ đầu năm thường có 4 bát 6 đĩa, hay 6 bát 8 đĩa, mỗi bát, mỗi đĩa nhỏ thôi nhưng nhìn sẽ đủ đầy hơn".
Mâm cỗ cúng mùng 1 không thể thiếu đĩa xôi gấc, bánh chưng, thịt gà, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Ở miền Bắc, mâm cơm cúng không thể thiếu đĩa dưa, hành.
Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục, cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy.
Mặc dù vậy, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng, không có món ăn nào là bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng mùng 1, bởi tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Mọi người nên "tuỳ tiền biện lễ" và quan trọng nhất là cái tâm, khả năng bao nhiêu bày lễ bấy nhiêu miễn là có tấm lòng thành.
Những nghi lễ cúng trong ngày Tết để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình và mong cầu một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc viên mãn.
Lưu ý:
Trong đầu năm mới các gia đình cũng nên kiêng những điều tối kỵ như sau: Quét nhà, kiêng vay mượn tiền bạc, kiêng cho nước, không cho lửa đầu năm, không làm đổ vỡ đồ dùng, không tranh cãi, bất hòa, không vay mượn đầu năm, kiêng nói những điều xui xẻo, kiêng nói chuyện không vui.
Văn khấn tổ tiên ngày mồng 1 Tết
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, đường thượng tiên linh, và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.
Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Tuất
Chúng con là:…… hiện cư ngụ tại...
Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên đán, mồng một đầu xuân, mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới.
Con cháu tưởng niệm ân đức tổ tiên như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo đáp ba xuân.
Do đó, chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng trước án.
Kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không hạn ách nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Tín chủ chúng con đồng tâm kính mời các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng, phù hộ cho chúng con được bách sự như ý, vạn sự cát tường.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Sau đó, khi hương tàn, chủ nhà lễ tạ, hạ cỗ xuống cho con cháu hưởng lộc.
(Trích theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận