12 bí quyết tranh luận mà không làm "mất lòng ai", làm được thì bạn đã đạt đến độ thượng thừa trong giao tiếp
Nếu được thực hiện trên tinh thần xây dựng tích cực, những cuộc tranh luận có thể giúp mối quan hệ của bạn thêm phần bền vững, gắn kết hơn.
Chọn thời gian và địa điểm thích hợp để tranh luận
Nếu cảm thấy cơn căng thẳng bắt đầu dâng cao, bạn đừng vội yêu cầu đối tác tranh luận ngay lập tức. Hãy cho nhau chút ít thời gian chuẩn bị tinh thần và lý lẽ để đưa ra ý kiến một cách khôn ngoan, thấu đáo nhất có thể. Một ví dụ áp dụng cho kỹ thuật này là câu nói: “Hãy thu xếp để trò chuyện vào buổi tối hôm nay”.
Đảm bảo mình và đối tác ở trạng thái tốt
Một quy tắc quan trọng nếu muốn tranh luận trong hòa bình với ai đó là đảm bảo rằng cả hai người đều trong trạng thái tốt, ăn đủ no, ngủ đủ giấc và đủ tỉnh táo để đưa ra quyết định.
Tập trung vào chủ đề, không nhắc đến quá khứ
Đào lại những sai lầm trong quá khứ không chỉ không giải quyết được vấn đề hiện tại mà còn có thể khiến bầu không khí trở nên căng thẳng, tồi tệ hơn. Hãy tập trung vào vấn đề cần giải quyết, thảo luận và làm việc với từng vấn đề một một cách rõ ràng.
Thực sự lắng nghe đối phương
Lắng nghe đối phương là hành động thể hiện sự tôn trọng tối thiểu, thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác của bạn. Sử dụng những ngôn ngữ cơ thể thích hợp cũng có thể giúp bạn cho đối tác thấy được tinh thần thiện chí của mình.
Thể hiện cảm xúc của bản thân thay vì đổ lỗi
Một kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng là nói về cảm xúc của mình thay vì tập trung đổ lỗi cho đối phương. Ví dụ, “Việc bạn không đến dự sinh nhật khiến tôi cảm thấy rất buồn” có thể mang lại hiệu quả tích cực hơn hẳn “Bạn không hề đến dự sinh nhật của tôi”.
Tránh các từ ngữ tuyệt đối
Sử dụng các từ ngữ tuyệt đối như luôn luôn, không bao giờ…có thể vô tình khiến bạn trở thành người phóng đại vấn đề và đẩy đối tác vào thế phòng thủ, chống đối. Bạn có thể sử dụng các từ ngữ tương đối, nhẹ nhàng hơn một chút như thỉnh thoảng, đôi khi…để bớt căng thẳng cuộc trò chuyện.
Chê bai mang tính xây dựng
Muốn chê một ai đó, bạn hãy chú ý lựa chọn từ ngữ lịch sự, đúng mực, tránh sử dụng các từ ngữ nặng nề và biến lời nói của mình thành lời công kích châm biếm. Một kỹ thuật hay để làm việc này là trước khi chê bai một ai đó, bạn hãy dành lời khen cho người đó trước.
Kiểm soát cảm xúc của bạn
Có cảm xúc đúng mực, đúng lúc cũng góp phần làm cuộc trò chuyện đi đúng hướng. Để luyện tập kỹ năng này, bạn có thể thử tập thiền định.
Có khoảng nghỉ nếu cần thiết
Trong các cuộc trò chuyện, không khó để bắt gặp tình huống một trong hai người trở nên nóng nảy và bắt đầu lăng mạ, chỉ trích thậm tệ đối phương. Nếu chẳng may rơi vào tình huống này, bạn hãy rời khỏi cuộc trò chuyện để hạ nhiệt rồi sau đó tiếp tục lại. Các chuyên gia cho rằng thời gian nghỉ này không được dài quá 24 giờ.
Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau
Theo nghiên cứu tâm lý học, bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau có thể là dấu hiệu của một sự kết nối mạnh mẽ, đồng cảm, thoải mái và tin tưởng lẫn nhau.
Hãy nhớ rằng các bạn ở cùng một chiến tuyến
Mục đích của các cuộc tranh luận là cùng nhau tìm ra cách giải quyết một vấn đề nào đó. Vì vậy, mọi thứ có thể sẽ trở nên tốt hơn khi các bạn biết rằng mình là đồng đội, không phải kẻ thù.
Đặt ra các quy tắc tranh luận nhất định
Qua các cuộc tranh luận, bạn sẽ nhận ra được các quy tắc mà cả bạn và đối tác của mình cần cùng nhau tôn trọng trong các cuộc tranh luận tiếp theo, điển hình là không cắt ngang lời nói, không bỏ đi giữa cuộc tranh luận, không chỉ đổ lỗi đối phương…
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận