Mình ăn Tết hay Tết ăn mình: Tết trọn vẹn là được bên gia đình
Tết vừa là thời khắc được mong đợi nhất năm nhưng cũng là ác mộng với nhiều người. Vì thế, không ít người thắc mắc rằng: Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?
Tết đến xuân về là dịp được mọi người trông đợi nhất năm. Tuy nhiên, Tết cũng là ác mộng với nhiều người. Mình ăn Tết hay Tết ăn mình? Yếu tố quyết định chính là bạn. Dưới đây là 7 trường hợp “ăn Tết” điển hình mà nhà nào cũng trải qua.
Thứ nhất, có nhiều gia đình cả năm còn không dọn dẹp. Đến những ngày trước Tết, họ mới bắt đầu trang hoàng, sửa sang nhà cửa, Dọn hết trong ra ngoài, hết đông sang tây mà vẫn chưa hết việc. Mệt mỏi, tức giận, vợ chồng cáu nhau, quát mắng con cái. Đến đêm 30 Tết và sáng mùng 1 ai cũng đuối sức, còn tâm trạng nào mà đón Tết nữa.
Thứ hai, nhiều gia đình quần quật, đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh, trang trí đào quất… tạo thêm “công ăn việc làm” và áp lực cho cả nhà đến tận sát Tết. Vậy là Tết cũng coi như hết.
Thứ ba, nhiều gia đình vẫn lưu giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày 3 lần. Mỗi lần cúng là phải đủ các món ăn cao lương mỹ vị, mâm cao cỗ đầy. Kết quả là cả ngày Tết quay đi quẩn lại chỉ làm cỗ, cúng cỗ, thắp nhang, rửa chén và rửa bát đĩa.
Những người mẹ, người vợ cả ngày chỉ quanh quẩn trong bếp nấu 3 mâm cỗ thắp hương rồi lại dọn dẹp, chẳng còn thời gian mà tận hưởng không khí Tết đến xuân về nữa.
Thứ tư, nhiều người tính sĩ diện, luôn sợ bạn bè, hàng xóm bình luận liệu nhà ăn tết có to không, lì xì có nhiều không, chung đụng với anh em họ hàng thế nào. Kết quả, họ “chơi trội” chi nhiều tiền để ăn tết cho to, lì xì cho nhiều. Có người không có điều kiện thì căng thẳng, lo lắng, đóng cửa khỏi tiếp khách luôn.
Ăn Tết to hay nhỏ là chuyện nhà mình, không cần quan tâm đến miệng người ta nói làm gì. Ai cũng có chuyện để lo, cần bơ đi mà sống cho thoải mái, dễ chịu.
Thứ năm, nhiều gia đình ăn Tết suốt ngày bày biện ra mọi thứ trên đời để tiếp khách. Dẫu biết khách đến chơi ngày Tết là quý hóa, nhưng hễ có người đến lại hò vợ hò con rót nước pha trà, bày rượu, bày bánh kẹo hoa quả ra; sau đó lại dọn rửa, lau chùi. Khi khách mới tới lại lặp đi lặp lại như thế sẽ vô cùng mệt mỏi, chán chường.
Thứ sáu, nhiều ông chồng có thói quen ăn tết “lang”, nay nhà này mai nhà khác. Ăn hết tất niên họ lại đi chúc Tết. Rượu chè say xỉn suốt ngày, về nhà lè nhè, cáu gắt với vợ con. Người đàn ông mà như thế, cả nhà sẽ mất vui. Chưa kể rượu say đi đường rất nguy hiểm. Lỡ đi đường có vấn đề gì thì coi như mất Tết.
Cuối cùng, Tết còn là thời điểm cờ bạc nhiều, phóng nhanh vượt ẩu đầy rẫy ngoài đường. Đây là những tai tệ nạn xã hội làm xấu đi bộ mặt ngày Tết.
Có thể thấy, Tết là của mình. Mình ăn Tết chứ không phải Tết ăn mình. Ăn Tết vui vẻ, nhẹ nhàng, tiết kiệm, vừa đủ là được.
Xem thêm: Về quê ăn Tết Nguyên đán 2022 có phải cách ly không?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận