Kỳ bí truyền thuyết về "sát sinh thạch": Tảng đá độc hủy hoại sự sống của mọi sinh vật, kể cả con người

Tảng đá tử thần Sessho-seki gắn liền với truyền thuyết cửu vĩ hồ Tamamo no Mae khiến không ít người khiếp sợ.

Thùy Nguyễn
15:00 16/10/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nằm trong khu vực suối nước nóng Nasu Yumoto, tỉnh Tochigi, Sessho-seki nổi tiếng với truyền thuyết về sát sinh thạch - tảng đá độc này khiến cho bất kỳ sinh vật sống nào từ con người, côn trùng, chim chóc khi chạm vào sẽ chết ngay lập tức. Truyền thuyết kể lại, Sessho-seki được sinh ra từ oán khí của hồ ly chín đuôi lông vàng mặt trắng tên Tamamo no Mae. Trước khi lưu lạc sang xứ Phù Tang, con cáo này đã gây hỗn loạn ở Trung Quốc và Ấn Độ. 

tang-da-doc-sessho-seki-noi-tieng-nhat-ban-cung-loi-nguyen-dang-so-9

Hóa thân từ cửu vĩ hồ

Theo “Sangoku Youko-den – Tam Quốc yêu hồ truyện” của Katsushika Hokusai ra đời trong thời Edo (1603 - 1868), cửu vĩ hồ Tamamo no Mae từng làm điên đảo thần trí nhiều vị vua ở Trung Quốc và Ấn Độ, khiến triều đình nhiễu loạn, thậm chí diệt vong trước khi lưu lạc sang xứ Phù Tang. 

Vị vua cuối cùng của nhà Thương là Trụ Vương (trị vì từ 1154 TCN - 1123 TCN) khi đến miếu thờ Nữ Oa đã đề thơ với hàm ý bất kính. Nữ Oa biết chuyện, khi xem vận hạn triều Thương biết rằng chỉ còn 28 năm nữa nên đã phái hồ ly chín đuôi xuống mê hoặc Trụ Vương, để triều Thương sớm sụp đổ.

tang-da-doc-sessho-seki-noi-tieng-nhat-ban-cung-loi-nguyen-dang-so-1

Với ngàn năm tu luyện, hồ ly nhanh chóng chiếm thân xác Đát Kỷ - con gái của Ký Châu hầu Tô Hộ và tiến cung. Sau khi mê hoặc Trụ Vương, Đát Kỷ ngày càng lộng hành, trừ khử Khương hoàng hậu để chiếm lấy vị trí Vương hậu. Đến khi bị Khương Tử Nha tiêu diệt, Trụ Vương tự thiêu mình chết thì hồn cửu vĩ hồ tiếp tục chạy đến Magadha - một đế quốc hùng mạnh ở miền Đông Ấn Độ (1700 TCN đến 550 SCN).

Tại đây, hồ ly hóa thân thành Vương phi Kayo, vợ của Thái tử Banzoku. Ả xúi giục chồng chém đầu 1.000 nam nhân nhưng bị một trong những thuộc hạ của Thái tử vạch mặt và nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, đến khoảng năm 780 TCN, cửu vĩ hồ quay trở lại Trung Quốc, hóa thành Bao Tự, một phi tần xinh đẹp nhưng bạo tàn của vua Chu U Vương. Bao Tự nhanh chóng khiến vua phế truất Hoàng hậu và Thái tử Cơ Nghi Cữu để mình và con trai Cơ Bá Phục lên thay. Trong một lần bị quân địch tấn công, Chu U Vương và Thái tử Bá Phục bị đuổi giết, còn Bao Tự bị bắt giữ. 

tang-da-doc-sessho-seki-noi-tieng-nhat-ban-cung-loi-nguyen-dang-so-2

Năm 753 TCN, hồ ly tiếp tục biến thành cô gái trẻ khoảng 16, 17 tuổi tên là Wakamo, lừa các sứ thần Nhật Bản như học giả Kibi Makibi, học giả Abe no Nakamaro và nhà sư Ganjin khi họ sang Đại Đường (Trung Quốc) làm nhiệm vụ ngoại giao để đến Nhật thực hiện kế hoạch gian ác. Ả im ắng cho đến năm 1113 thì biến thành một bé gái bị bỏ rơi, được một người không vợ con tên Samurai Sakabe Yukitsuna mang về nuôi và đặt tên là Mizukume. Đến năm 18 tuổi, ả lấy tên Tamamo no Mae để tiến cung, từ vị trí thấp kém nhanh chóng trở thành thiếp thất được Thiên hoàng Konoe sủng ái nhất.

Nhờ trí thông minh và hiểu biết sâu rộng, Tamamo no Mae dễ dàng trả lời mọi câu hỏi khiến các thành viên Hoàng gia vô cùng bất ngờ. Sau đó, Thiên hoàng Konoe đã giữ Tamamo no Mae ở lại để bầu bạn mỗi ngày. Tuy nhiên, đây cũng là lúc ông lâm bệnh nặng, dù chữa trị mọi cách nhưng bệnh tình ngày một nghiêm trọng. Pháp sư Hoàng gia Abe no Yasuchika cho biết, bệnh của Thiên hoàng không phải là bệnh bình thường mà là do bởi bùa mê ma thuật. 

Khi biết sự thật, pháp sư Abe no Yasuchika dâng tấu yêu cầu Thiên hoàng trục xuất Tamamo no Mae ra khỏi hoàng gia. Thế nhưng, Thiên hoàng từ chối. Dù vậy, pháp sư vẫn cố gắng cứu lấy ngài bằng cách cho xây dựng một bàn thờ, cố đưa Tamamo no Mae đến để cầu nguyện. Tất nhiên, ả không dám đến và vô tình lạc đến một ngôi đền. Tại đây, Tamamo no Mae biến thành một con cửu vĩ hồ lông vàng, khuôn mặt trắng. Khi thân phận thật bị bại lộ, hồ ly tinh nhanh chóng bay lên trời đến vùng Nasu, thành phố Shimotsuke, tỉnh Tochigi ngày nay.

tang-da-doc-sessho-seki-noi-tieng-nhat-ban-cung-loi-nguyen-dang-so-3

Thời điểm đó, Thiên hoàng đã phái 2 chiến binh trung thành của Hoàng gia chỉ huy là Kazusa no Suke và Miura no Suke chỉ huy 8 vạn quân tiêu diệt bằng được ả hồ ly. Dù nhiều lần thoát khỏi truy đuổi nhưng do biết trước kết cục bi thảm của mình, Tamamo no Mae đã xuất hiện trong giấc mơ của Miura no Suke để cầu tha mạng. Cuối cùng, Tamamo no Mae đã chết dưới mũi tên của Miura no Suke. Khi mang xác về hoàng cung, linh hồn của cửu vĩ hồ ẩn thân vào một tảng đá gần nơi ả qua đời, được gọi tên là Sessho-seki hay Sát Sinh Thạch.

Bất kỳ sinh vật sống nào chạm vào đều chết

Linh hồn của Tamamo no Mae mang theo sự oán hận ngập trời cùng không cam lòng với thế gian nên khi nhập vào hòn đá Sessho-seki vẫn tiếp tục giết hại các sinh linh vô tội. Bất kỳ sinh vật sống nào tới gần hòn đá đều chết ngay lập tức. 

Năm 1336, một thanh niên trẻ tên Kyoden cùng bạn bè hiếu kỳ về tảng đá nên đã tới gần và nhận kết cục bi thảm. Năm 1385, một vị sư nhà Phật tên Gennou khi đi qua đây đã phát hiện ra hiện tượng lạ. Những con chim khi bay qua tảng đá Sessho-seki đều chết bất đắc kỳ tử. Khi thắc mắc, ông được một người phụ nữ bản địa cho biết hòn đá này mang linh hồn của ả hồ ly Tamamo no Mae.

tang-da-doc-sessho-seki-noi-tieng-nhat-ban-cung-loi-nguyen-dang-so-4

Ngay lập tức, vị sư này đã thực hiện một nghi lễ Phật giáo để linh hồn hồ ly thoát khỏi tảng đá, không gây hại cho nhân gian được nữa. Khi xuất hiện, cửu vĩ hồ đã thú nhận toàn bộ tội lỗi, sám hối và hứa không bao giờ tái phạm nữa. Khi linh hồn hồ ly rời khỏi, tảng đá cũng vỡ vụn thành nhiều mảnh rơi ở khắp nơi. Trong đó, phần chân tảng đá vẫn nằm ở Nasu, tỉnh Tochigi như ngày nay. Còn các phần khác được cho là rơi xuống Okayama, Niigata, Hiroshima, Oita...

Sự thật là gì?

Thực tế, hòn đá này có độc là do nằm ở khu vực núi lửa Nasu - nơi liên tục sản sinh ra các loại khí độc như hydrogen sulfide và sulfur dioxide. Nơi đây chỉ toàn là cảnh quan ảm đạm, đá lởm chởm mà không có thảm thực vật bao quanh. Bao quanh tảng đá Sessho-seki là mùi lưu huỳnh nồng đậm. 

Ngày 18/03/2014, Sessho-seki đã được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia thuộc nhóm “Danh lam thắng cảnh Oku no Hosomichi”. Mang vẻ đẹp lạ, huyền bí và giàu màu sắc thần thoại, tảng đá Sessho-seki trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn cùng các tác phẩm kịch Noh. Matsuo Basho - nhà thơ nổi danh nhất thời Edo đã viết nên những lời thơ độc đáo dành riêng cho Sessho-seki trong tập thơ “奥の細道 – Oku no Hosomichi”.

Sessho-seki còn là cảm hứng cho nhà văn Kido Okamoto (15/10/1872 – 01/03/1939) viết nên tác phẩm "Tamamo no Mae". Cuốn tiểu thuyết sau này được chuyển thể thành anime “九尾の狐と飛丸(殺生石) – Kyubi no Kitsune to Tobimaru (Sessho-seki)", được sản xuất bởi Nihon Doga và Daiei Films, ra rạp ngày 19/10/1968.

Xem thêm: Loài mèo: Ác quỷ đáng sợ trong văn hóa dân gian Nhật Bản

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận