Sự thật cực sốc về bài vè 'Chi chi chành chành' gắn liền với bao thế hệ tuổi thơ

Theo nhà nghiên cứu Trương Tửu, bài vè 'Chi chi chành chành' được một ông già vô danh chia sẻ cho ông, ẩn chứa ý nghĩa cùng câu chuyện bất ngờ.

Thùy Nguyễn
12:00 19/10/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lần đầu tiên ra mắt với bạn đọc vào năm 1940, tác phẩm Kinh thi Việt Nam của tác giả, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Trương Tửu (1913-1999) đã chia sẻ nhiều chi tiết thú vị về bài vè Chi chi chành chành (hay Chi chi trành trành).

Bài vè này gắn liền với trò chơi dân gian của trẻ nhỏ và đã quá quen thuộc với bao thế hệ tuổi thơ. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nó vẫn là bí ẩn với nhiều người. Đề cập trong Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu cho biết bản thân được một ông già vô danh chia sẻ về ý nghĩa bài vè này. 

Ý nghĩa thực sự của bài vè ‘chi chi chành chành’

Ông cho biết, vào khoảng những năm 1927-1928, trong lúc đi dạo ông bắt gặp một ông già. Lúc đó, những đứa trẻ đang chơi ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) hát văng vẳng lại bài vè 'Chi chi chành chành':  

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương lập đế

Ú tế đi tìm

Hú tim bắt ập!

su-that-cuc-soc-ve-bai-ve-chi-chi-chanh-chanh-2
Nhà nghiên cứu Trương Tửu

Nghe thấy vậy, ông già vô danh tỏ ra không hài lòng và nói rằng, bọn chúng hát sai cả, người dạy hát cũng sai. Ông già cho biết: ““Câu hát không phải thế. Nguyên nó là câu sấm của cổ nhân truyền lại mãi đến gần đây mới nghiệm” rồi giải thích cặn kẽ như sau:

Câu đầu phải là: Chu tri rành rành, nghĩa là bá cáo để cho mọi người đều biết.

Câu thứ 2 phải là: Cái đanh thổi lửa, nói về việc quân đội Pháp bắn súng vào Đà Nẵng năm Bính Thìn 1856.

Câu thứ 3 là: Con ngựa đứt cương, ý chỉ sự rối loạn của triều đình Huế khi Tự Đức (1883) băng hà.

Câu thứ 4: Ba vương lập đế, chỉ việc ba vua liên tiếp được lập trong vòng chưa đầy 1 năm sau khi vua Tự Đức băng hà đó là Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.  

Câu thứ 5 phải là: Cấp kế đi tìm, ý chỉ đến triều vua Hàm Nghi thì Thuyết nổi lên bài Pháp và bị thất bại, phải đem vua đi trốn. Quân đội Pháp một mặt phải lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi để làm yên lòng dân.

Câu thứ 6 phải là: Hú tim òa ập!, chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26 tháng 9 năm 1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt lấy vua trong lúc đang ngủ.

Bài vè lộ ra tâm lý người An Nam xưa    

Sau khi chia tay ông già vô danh, Trương Tửu ngẫm nghĩ về câu hát Chi chi chành chành là lời sấm ký chính trị của người xưa truyền lại. Do đó, Trương Tửu cũng tự hỏi, những bài hát khác như Nu na nu nống, Rung răng rung rẻ, Thả cá ba ba… phải chăng cũng có ý nghĩa tương tự?

su-that-cuc-soc-ve-bai-ve-chi-chi-chanh-chanh-3

Ông già vô danh này cũng gợi cho Trương Tửu lối nghiên cứu thơ ca bình dân, chú trọng về giá trị sử ký. Tuy nhiên, Trương Tửu tin rằng bài vè “chi chi chành chành” thực chất chỉ là cách chép sử của dân gian. Ông viết: “Nó không đáng được coi như là một tài liệu lịch sử, chân xác. Giá trị đặc biệt của nó là tâm lý xã hội. Bằng cách ghi chép sự việc xảy ra ở chung quanh, dân gian đã diễn đạt rất trung thành thái độ của mình đối với đương thời. Vì vậy, ta chỉ nên tìm đến tâm lý của người tác thành ra chúng. Đây là nguyên tắc căn bản cho nghiên cứu ca dao”.

Dựa theo nguyên tắc này, bài vè lộ hết tâm lý của người An Nam thế kỷ 19, cảm tưởng như chứng kiến một cái gì đó bị thua, bị giam hãm, bị mất đi. Khi xem lũ trẻ chơi trò này thì cảm tưởng càng rõ ràng hơn. Đẻ ra bài vè này có lẽ là tâm lý dân gian đã quá chán nản chủ quyền đại diện cho họ đã vì yếu, vì chậm mà bị thua, bị mất. Cái tâm lý đẻ ra mô tê của bài vè chỉ là đoạn nhập cục là tâm lý dân gian tin tưởng cuộc khôi phục tương lai của cái tự do đã mất đi bằng sự nỗ lực tiến hóa của chính mình.

Xem thêm: Người xưa thường có câu "nhũn như con chi chi", vậy con chi chi là con gì?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận