Ngắm loạt ảnh xưa hiếm có về cầu Long Biên, Hà Nội
Vốn là một trong những cây cầu nổi tiếng và lâu đời nhất Thủ đô, ít ai biết những hình ảnh thuở ban sơ của cầu Long Biên như thế nào.
Không chỉ là cây cầu bắc qua ba thế kỷ, cầu Long Biên còn là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cầu được khởi công xây dựng năm 1899, hoàn thành vào năm 1902. Việc xây dựng cầu nằm trong chương trình phát triển giao thông, khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương.
Cây cầu được thiết kế và thi công bởi hãng Daydé & Pillé (Paris, Pháp), thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng đương thời ở châu Âu; đặc biệt là thể loại công trình kết cấu thép.
Cầu Long Biên dài dài 1682m, rộng 4,75 và gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Ở giữa là đường dành cho xe lửa, hai bên là lối đi cho khách bộ hành và ô tô. Ở đầu cầu phía Tây có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm.
Cầu Long Biên nằm ngay sát nội thành Hà Nội, kế bên khu phố cổ. Do đó, nhà thiết kế đã khéo léo áp dụng hệ thống đường dốc lên xuống hợp lý, ga đường sắt trên cao cùng hệ thống cầu sắt ở đường dẫn trên cao đi qua các tuyến phố. Đến thời điểm hiện tại, dù đã hơn trăm năm trôi qua nhưng cầu Long Biên vẫn giữ vị trí đắc địa về giao thông, địa hình và cả cảnh quan đô thị. Nơi đây trở thành nơi ngắm cảnh yêu thích của nhiều người nhờ có nhiều điểm nhìn đẹp từ hai đầu cầu, từ bờ sông, ngay cả trên cầu và dưới sông Hồng.
Từ khi ra đời, cây cầu đã được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ 20. Thời điểm đó, cầu Long Biên còn là cây cầu thép lớn nhất Đông Nam Á và là cây cầu dài thứ hai thế giới.
Trong khoảng thời gian chống Mỹ cứu nước, cầu Long Biên là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa Kỳ và là nơi hứng nhiều bom đạn nhất Hà Nội. Cây cầu dù không còn nguyên vẹn nhưng nó vẫn giữ vai trò là tuyến giao thông quan trọng kết nối Thủ đô.
Sau này, khi cầu Chương Dương, cầu Thăng Long và những cây cầu khác được xây dựng, cầu Long Biên cũng trở nên lặng lẽ, ít người qua lại hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi đi về, mua bán, người dân tập thể dục, trẻ nhỏ nô đùa; là nơi hóng mát, tâm tình hò hẹn và là chốn cưu mang cho nhiều số phận bất hạnh vô gia cư.
Xem thêm: Sa Pa bình dị và đẹp nao lòng qua những bức ảnh thập niên 1920
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận