9x Việt 'tranh thủ' chinh phục những ngọn núi hơn 6000m trong khoảng thời gian bị kẹt ở Nepal
Giơ cao lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Mera Peak với độ cao 6475m, chàng trai Hà Nội 25 tuổi cảm thấy vô cùng tự hào vì đã chinh phục được giới hạn mới của bản thân.
Hành trình chinh phục đỉnh Mera Peak
Sau 5 tháng mắc kẹt ở Nepal kể từ tháng 3/2020, Hồng Quân quyết định chinh phục đỉnh núi cao hơn 6000m lần thứ 2. Đích đến lần này của chàng trai 25 tuổi là Mera Peak là một trong những đỉnh trekking cao nhất ở Nepal. Hồng Quân cùng 4 người bạn châu Âu xuất phát từ thủ đô Kathmandu di chuyển bằng xe buýt đến gần thị trấn Phaplu.
Mỗi người mang trên vai balo nặng hơn 25kg gồm lều trại, túi ngủ, gậy trekking, rìu leo núi, mũ bảo hiểm, dây an toàn, quần áo ấm, điện thoại vệ tinh, định vị GPS và thực phẩm đủ cho chuyến hành trình 3 tuần. Cả nhóm đi bộ từ chân núi đến các điểm trại, họ cắm trại 3 ngày/lần và nghỉ 1 ngày để thích nghi.
Nhóm băng qua rừng rậm ở độ cao hơn 1000-3000 so với mực nước biển, xa xa là dòng sông uốn lượn và lác đác một vài ngôi nhà của người dân. Cảnh vật dần tiêu điều hơn khi lên độ cao 4.000m. Cả nhóm lên độ cao hơn 5000m sau 10 ngày, lúc này trước mắt chỉ còn màu trắng xóa của tuyết và những dòng sông băng.
Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, Hồng Quân từng có kinh nghiệm leo núi Thụy Sĩ, Đức nhưng với chỉ độ cao dưới 4000m. Với độ cao trên 5000m lại không khí loãng, nhiệt độ dưới 0 độ khiến Quân ho liên tục, cơn ho bám theo cả tháng sau khi anh đã xuống núi. Đêm cuối cùng trước khi chinh phục đỉnh Mera Peak, nhiệt độ xuống khoảng âm 20 độ C, bên ngoài là tiếng gió rít, mưa tuyết rơi dày, Hồng Quân không ngủ được nên bật dậy, làm cốc cà phê nóng cùng bát mì gói với ít thịt bột.
Đến 4h sáng, cả nhóm tiếp tục hành trình, ai cũng run lẩy bẩy chân tay, buộc chặt dây nối với nhau, dò dẫm trong ánh đèn pin mờ ảo. Sau khoảng 6 tiếng, cuối cùng cả nhóm tới đỉnh Mera Peak. Lúc này, ánh mặt trời lên cao rực rỡ, soi sáng 5 đỉnh núi hơn 8.000 m của dãy Himalaya khiến cả nhóm choáng ngợp. Tranh thủ lúc mọi người nghỉ ngơi, Hồng Quân mang quốc kỳ cờ đỏ sao vàng để lưu lại khoảnh khắc đặc biệt trên đỉnh núi. Khoảnh khắc ấy, niềm tự hào xâm chiếm cơ thể anh, cả người anh cứ lâng lâng theo lá cờ bay phấp phới.
Chuyến ‘trekking’ trở về Việt Nam sau 9 tháng mắc kẹt ở Nepal
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2020, Quân thực hiện chuyến hành trình xuyên lục địa Á – Âu, bắt đầu từ Đức, Pháp, Thuỵ Sĩ, Áo, Uzbekistan, Tajikistan, Pakistan... và Nepal. Suốt chuyến hành trình, Quân dừng cập nhật tin tức trên mạng, đến khi xuống núi thì Nepal đã tạm dừng mọi đường bay quốc tế, không còn bất kỳ phương tiện nào di chuyển ngoài đường.
Lúc này, Quân đi bộ gần 10km đến Lãnh Sự Quán Việt Nam, sau đó được hướng dẫn liên hệ liên hệ sang Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ấn Độ, phụ trách khu vực Nam Á. Vì chưa có chuyến bay giải cứu, Quân chấp nhận ở lại chờ đợi thông tin.
Trong thời gian đầu ở thủ đô Kathmandu, anh chọn phòng dorm giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Thời điểm này Nepal đang giãn cách xã hội nên Quân không thể mua và nấu ăn, phải đi xin đồ ăn miễn phí ở các nhà hàng. Mỗi lần ra ngoài, anh đều nơm nớp lo sợ lây nhiễm bệnh, đồ ăn không hợp cũng khiến chàng trai trẻ tụt 4kg. Sau đó, anh được tới ở khách sạn miễn phí gần 4 tháng thông qua một người Việt ở Nepal. Tiếp đến, một người Việt khác mời anh về sống tại cửa hàng của họ ở vùng ngoại ô của Kathmandu suốt những tháng cuối năm.
Sau khi Nepal kết thúc giãn cách xã hội nhưng vẫn chưa mở lại đường bay quốc tế, Quân tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh núi ở Himalaya. Trong thời gian ở đây, anh đã chinh phục hàng loạt đỉnh núi khác ngoài ngoài Tharpu Chuli, Mera Peak như: Ama Dablam (6.812 m), Mardi Himal (5.587 m), Island Peak (6.189 m),...
Trong thời điểm chinh phục Tharpu Chuli, lần đầu tiên Quân quên khăn bịt mặt khiến da mặt vừa bỏng lạnh vừa bỏng nắng, tím tái gần như hoại tử. Lần khác dẫm hụt xuống hố băng, Quân phải đi giày ướt 2 tiếng mới tới điểm trại, bàn chân tím bầm, đông cứng... Đến tháng 12/2020, Quân nhận được cuộc gọi từ Đại sứ quán tại Ấn Độ về việc có chuyến bay đưa người Việt hồi hương. Anh được phân làm trưởng đoàn nhờ khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.
Ngay lập tức, Quân trở về Kathmandu để xin visa quá cảnh tới Ấn Độ, test COVID-19 rồi thu dọn hành lý di chuyển đường bộ tới New Delhi. Tại biên giới Ấn Độ, Quân mất 8 tiếng làm thủ tục nhập cảnh, tiếp tục 17 tiếng đồng hồ vượt 2000km vào thủ đô. Đến giữa tháng 12/2020, Quân cùng hàng trăm người Việt trở về nước trên chuyến bay hồi hương, kết thúc hành trình đáng nhớ với biết bao trải nghiệm.
Xem thêm: Săn bình minh tại Mũi Đôi - Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận