Pháp viện Minh Đăng Quang: Từ bãi rác đến ngôi phạm vũ huy hoàng

Pháp viện Minh Đăng Quang do cố Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn IV, Hệ phái Khất sĩ sáng lập năm 1968. Trải qua 9 năm đại trùng tu (2009 - 2017) giờ đây đã trở thành một trung tâm hoằng pháp lâu dài và tương xứng với sự phát triển của Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.

Hoài Lương
10:20 20/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Để hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng và phát triển trong tương lai của ngôi phạm vũ huy hoàng này, Hòa thượng Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Pháp viện đã có sự chia sẻ với phóng viên nhân dịp lễ khánh thành. 

Từ bãi rác...

Pv: Kính bạch Hòa Thượng, Ngài có thể chia sẻ nhân duyên nào khiến Hòa thượng quyết định đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang trở thành ngôi phạm vũ như hiện nay?

Năm 1968, cố Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất sĩ khi quyết định mua đất nơi đây đã có tâm niệm sẽ xây dựng một trung tâm hoằng pháp lâu dài. Đến năm 1976, chúng tôi có duyên được cắt cử ra nơi đây xây dựng một chánh điện tạm, từ đó bản thân đã ấp ủ sẽ xây dựng nơi đây một ngôi phạm vũ huy hoàng. Vì thế tâm nguyện xây dựng này chúng tôi đã có từ đó và được ấp ủ từ khi khu đất chỉ là một bãi rác.

Trải qua một thời gian dài, từ khi mua đất đến năm 2002, chúng tôi quyết định trình xin ý kiến với chư Tôn đức trong Hệ phái và Giáo đoàn kế hoạch xây dựng Pháp viện Minh Đăng Quang. Từ đó bản thân đã thay mặt Hệ phái nạp đơn xin phép, thủ tục kéo dài từ năm 2002 đến cuối năm 2008 mới có được giấy phép chính thức xây dựng. 

pv1
Pháp viện Minh Đăng Quang, ngôi phạm vũ của Hệ phái Khất sĩ tại quận 2 sài gòn

Qua đầu năm 2009, Chúng tôi cung thỉnh cố Pháp sư đang hoằng pháp ở nước ngoài về chứng minh lễ đặt đá khởi công xây dựng Pháp viện Minh Đăng Quang. Nói đại trùng tu chứ thật ra là xây dựng mới hoàn toàn cái mà trước đây bản thân đã ấp ủ trong lòng

Pv: Hòa Thượng có thể cho chúng con biết ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang trước đây cảnh trí và thiết kế như thế nào ạ?

Trước đây khi cố Pháp sư mua miếng đất này chỉ là những miếng ruộng ráp lại thành mãnh đất lớn như thế. Rồi nhờ có nhân duyên đó là đệ tử tại gia của cố Pháp sư có một anh kỹ sư làm giám đốc Sở y sinh thành phố. Vì thế cố Pháp sư đã khuyên vị này khi làm việc có bao nhiêu rác thì đem đổ ở trên mãnh đất của ngài. Việc đổ rác về đây diễn ra suốt 5-7 năm, nhờ đó nền của miếng đất ngày càng được nâng cao không còn thấp trũng. 

Đồng thời giai đoạn này (năm 1977 – 1978) dân nghèo thất nghiệp đổ về đây nhặt từ bọc ni lông, cho tới đồ mũ bể, lốp xe xư, dây xích đứt, ngay cả xương bò, rồi đến khi không còn gì họ cũng đến sàng phân để bán tái chế. Với số lượng người tới nhặt rác ngày càng đông, cao điểm lên tới 10.000 người, vì thế những người nghèo đã nhặt đi không còn cái gì trong đống rác được đổ về đây.

pv3
Hòa thượng Giác Toàn giới thiệu về ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang

Rác hết bấy giờ Chư Tôn đức trụ xứ đã trồng cây bạch đàn lên thành vườn, nơi nào ruộng thấp thì trồng rau muống. Ngôi Pháp viện trước đó đã được chúng tôi xây dựng một chánh điện tạm trên bãi rác, giờ đây nằm ẩn trong vườn bạch đàn nhìn rất đẹp.

Nhớ lại lúc đó chư Tôn đức lớn như Hòa thượng Giác Phúc, Hòa thượng Giác Lai… trải qua công tác làm trụ trì nơi đây. Cuộc sống của các Ngài rất cực khổ, sống trên bãi rác hôi thối, ruồi nhặng… có khi phải dùng đến mùng để tiện sinh hoạt… 

Kết tinh thành một khối thống nhất 

Pv: Bạch Hòa thượng, khi quyết định trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang, Ngài đã trải qua những khó khăn gì? 

Trong đó có 1 yếu tố khiến giấy tờ bị mất thời gian đó là mới đầu chúng tôi muốn làm 1 tượng Phật lộ thiên cao 49m nơi chánh điện bây giờ. Nhưng điều này không được sự đồng thuận của lãnh đạo thành phố. Chính cái đó là cái không được như ban đầu nhưng mà chúng tôi lại rất cảm ơn ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch thành phố lúc đó. 

Nhờ duyên đó chúng tôi chuyển lại thành chánh điện có kiến trúc bát giác theo truyền thống Hệ phái Khất sĩ, nhờ vậy chúng tôi mới có ngôi chánh điện theo kiểu mô hình bát giác truyền thống của Hệ phái. Đồng thời lúc đó chúng tôi khi biết gần bên Pháp viện sẽ làm tòa nhà Saigon Co.opmart mà tới 30-40 tầng, nếu làm tượng Phật lộ thiên mà ban đêm nhà hàng họ mở ca nhạc rồi pha đèn màu nhấp nha nhấp nhá bên cạnh ông Phật của mình thì cũng tội nghiệp cho Ngài.

Chính vì thế khi mà chuyển qua làm chánh điện bát giác, không làm tượng Phật lộ thiên chúng tôi lại rất hoan hỷ và Phật tử sau này biết chuyện cũng rất hoan hỷ. Vì thế chúng tôi rất biết ơn, nhớ ơn sự chấp thuận cho phép kể cả những cái góp ý, gồm cả góp ý thuận và nghịch của các giới khi thực hiện. 

Những cái khó khăn, thuận nghịch đó cuối cùng lại làm cho tốt đẹp mọi cái, có những cái mình tưởng không như ý nhưng lại làm cho hoàn chỉnh cái như ý của mình. Hiện nay Pháp viện có được chánh điện theo mô hình bát giác to nhất so với các tịnh xá của Hệ phái, với đường kính 32m.

Khó khăn kể ra cũng nhiều lắm, nhưng từ những khó khăn mà chúng tôi đã có được những điều như ý. Điển hình như điều đầu tiên đó là khi chúng tôi nộp đơn xin phép xây dựng mất đến 6 năm mới có được giấy phép. 

pv4
HT. Giác Toàn rất vui khi làm được ngôi phạm vũ này cho Hệ phái

Ngoài ra chúng tôi nhớ cái năm thứ 3 lúc xây dựng là khi vừa lên tầng thiền đường thì vật tư cũng hết, mà tiền xây dựng cũng hết, thành ra lúc đó Phật tử thân cận mới bày chúng tôi mời các Phật tử xa gần đến để mượn thêm kinh phí. 

Cho nên chúng tôi đã mời cả trăm Phật tử đến đề nhờ trợ giúp, trung bình mỗi người hỗ trợ cho mượn ít nhất là 50 triệu, khá hơn là 100 triệu, cao hơn nữa 200 triệu, người giúp nhiều nhất là 500 triệu. Đợt đó chúng tôi cũng mượn ít nhất 6 tỷ đồng để lên cái tầng thiền đường này. Qua đợt đó xong thì mọi việc trở nên thuận lợi và trôi chảy cho đến bây giờ.

Pv: Xin hòa thượng giới thiệu sơ lược về mô hình kiến trúc của Pháp viện Minh Đăng Quang sau đợt đại trùng tu được không ạ?

Trong quá trình hoằng pháp chúng tôi có điều kiện đi khắp các khu vực từ Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt từ 1981- 2000, trong vòng 20 năm chúng tôi cũng có dịp đi tham dự các Hội nghị, tham quan, thăm viếng tại một số nước có Phật giáo phát triển. Từ đó chúng tôi hình dung rằng Pháp viện sau này xây dựng thì phải xây dựng 1 khối thôi, vì thế khi Hệ phái quyết định xây dựng thì bản thân đã đưa ra mô hình kiến trúc như thế này và được góp ý của các giới, sau đó tiến hành xây dựng.

Mô hình kiến trúc của Pháp viện Minh Đăng Quang hiện nay, ở giữa là một tòa nhà có một kiến trúc thống nhất ngang 40 mét, dài 70 mét, cao ba tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32 mét. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ở trên tường được khắc 8 bức tranh về cuộc đời đức Phật. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 mét, dài 50 mét thờ đức Phật Thích Ca ngồi ở dưới gốc Bồ đề. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết-bàn. Ở trong khu vực thiền đường, các bức tường được khắc họa hình ảnh 33 vị Tổ sư của Thiền tông.

Xuống dưới tầng dưới thiền đường là giảng đường rộng 40 mét, dài 50 mét, ở đây ngoài bố trí thờ tượng của Tổ sư Minh Đăng Quang và hình thờ các đức thầy thì trên vách được khắc tất cả những lời dạy của Tổ sư được trích trong cuốn 69 bài chân lý mà Ngài để lại. Phía sau là một sảnh lớn đa chức năng... Ngoài ra còn có một tầng hầm dùng làm nhà bếp và trai đường. Ở trong tòa nhà này, khu hai bên tầng thiền đường và giảng đường chúng tôi có bố trí ở hai bên là dãy phòng cho chư tăng ni trụ xứ và vãng lai về sinh sống và tu học. 

Phía sau tòa nhà là tòa “Tây Phương Cực Lạc” cao 5 tầng, dài 36 mét, rộng 12 mét, thờ chư vị lịch đại Tổ sư và Cửu Huyền Thất Tổ, sau nữa là khu vực Tuệ Tĩnh Đường và những hạng mục Từ thiện xã hội.

Bốn góc của Pháp viện chính là bốn ngôi tòa tháp, mỗi ngọn cao 37m. Tháp bên trái từ bên trong nhìn ra ở phía trước, có tên là Tháp Ca-diếp, nơi thờ bảy đức Phật quá khứ và thờ Tổ sư Minh Đăng Quang, tầng chót là nơi trưng bày hình ảnh sinh hoạt của cuộc đời Tổ sư. Phía bên Tháp đối diện phía trước có tên là Tháp Xá Lợi Phất. Tháp này dùng làm thư viện giới thiệu tất cả Kinh Luật Luận của giáo pháp đức Phật, mà đặc biệt là kinh sách chữ Việt, chúng tôi dành cho 3 tầng ở dưới. Riêng tầng trệt là tầng có khoảng 50 chổ ngồi cá nhân, để mọi giới có thể đến đây mượn kinh sách để đọc. Chúng tôi cũng dành 2 tầng để sách ngoại ngữ Anh, Pháp và 1,2 tầng trên nữa dành cho tiếng Hán, tiếng Pali với tiếng Thái, tiếng Nhật mà tăng ni sinh của Hệ phái đi du học các nước thỉnh đem về.

pv5
bốn ngôi tòa tháp, mỗi ngọn cao 37m là nơi chứa đựng những giá trị của Hệ phái Khất sĩ

Hai tháp mé sau, ở đằng trước nhìn ra mà bên tay phải, chúng tôi gọi là tháp Hồng Ân (nhớ ơn chư Phật, chư Tổ), như 1 viện bảo tàng nho nhỏ mà trong đó ở trên chúng tôi thờ đức Phật, sau tới Tổ sư, rồi đến các vị đức thầy, trưởng các Giáo đoàn Tăng và Ni đã nối chí Tổ để lập đạo mấy chục năm qua. Mỗi tầng là nơi trưng bày kỷ niệm của một giáo đoàn. Tháp cuối cùng là tháp Báo Hiếu (báo hiếu ân đức cha mẹ các đời, sư trưởng của Giáo đoàn IV), để dành thờ các vị Tăng trụ xứ ở đây viên tịch, cha mẹ ông bà của Phật tử có tín tâm với chùa này qua đời, sau khi hỏa thiêu đem thờ hủ cốt tại tháp này.

Nối kết giữa các tháp là dãy hành lang 2 tầng để tạo khoảng không gian cho Phật tử thiền hành trong các khóa tu. Phía trên hành lang có bốn tháp một cột thờ bốn vị Bồ-tát theo truyền thống Phật giáo Đại thừa: Văn Thù, Phổ Hiền, Đại Thế Chí và Địa Tạng.

Điều đặc biệt ở Pháp viện là nơi tầng chánh điện, chúng tôi trước đây dự định muốn làm tượng Phật lộ thiên cao 49 m, nhưng sau thấy khó thực hiện do về vấn đề kỹ thuật, mỹ quan và cả kinh phí... Nên sau đó qua sự gợi ý của các giới nói chung, chúng tôi đã làm thành cái chánh điện theo kiểu Tịnh xá bát giác truyền thống của Hệ phái Khất sĩ. Ở đây trên mái thay vì tịnh xá ngày xưa, có nóc trên nóc dưới, ngày nay chúng tôi cách điệu có 7 nóc mái, ở dưới 4 mái, ở trên 3 mái.

Trong đạo Phật 7 nóc mái nó có thể xem là tiêu biểu cho thất bồ đề của giáo pháp đức Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang đã giải thích nghĩa của thất bồ đề phần này rất cụ thể, đó là: 1 là phân biệt sự lành với sự dữ; 2 là tinh tấn mà lướt lên; 3 là an lạc trong vòng đạo đức; 4 là thắng phục tâm ý mình đặng làm lành; 5 là nhớ tưởng đạo lý; 6 là nhứt tâm đại định, 7 là vui chịu với mọi cảnh ngộ. Chấp nhận một đời sống tu hành, một nhân duyên mình sống trong thời đại, thế kỷ văn minh khoa học cho nên mọi sự thử thách kể cả từ văn minh khoa học đối với người đời đáp ứng rất là tốt, nhưng đối với người tu, vượt qua được cái ưa thích về cái sự sung sướng, nên cái nóc mái chúng tôi cố tình đưa ra ở đây, nhằm lồng vào ý pháp của chư Phật, chư Tổ qua cái hình thức này để lưu truyền.

Trở thành nét văn hóa Phật giáo của Việt Nam

Pv: Bạch Hòa thượng, mục đích sử dụng ngôi pháp viện Minh Đăng Quang trong thời gian tới ra sao?

Chúng tôi mong muốn ngôi Pháp viện làm ra, thứ nhất trở thành nơi cho chư Tăng, chư Ni có nơi tu học tốt. Vì tu ở thời đại mình là phải có học, từ đó mới thấm được Kinh, Luật, Luận. Người tu khi thấm điều này trong tư tưởng rồi thì mới chuyển những giáo lý đó thành Giới, Định, Tuệ trên bước đường hành đạo. Có vậy người xuất gia mới phục vụ tốt cho Phật pháp, Tam Bảo, cộng đồng và xã hội.

pv6
Tượng tổ sư Minh Đăng Quang, vị khai sáng ra Hệ phái Khất sĩ tại Pháp viện

Thứ hai chúng tôi nghĩ Pháp viện là của chung, của Phật giáo, nhưng nếu nói có tính riêng biệt một chút thì của Tăng Ni, Phật tử Hệ phái. Đương nhiên nếu là của Tăng Ni Phật tử hệ phái, chúng tôi nghĩ phải cố gắng đoàn kết và tổ chức cho thật tốt những sinh hoạt trong năm, từ những khóa an cư kiết hạ, cho đến khóa bồi dưỡng trụ trì, bổi dưỡng Sa di - Tập sự. Đặc biệt hàng tháng vào những ngày chủ nhật, rằm, ba mươi, thì phải có những khóa tu cho Phật tử từng giới, theo từng lứa tuổi.

Ở đây mình có 4 chủ nhật trong một tháng, thì có chủ nhật dành cho những Phật tử chuyên niệm Phật, có chủ nhật dành cho những Phật tử thích tu thiền, nhưng cũng phải có chủ nhật dành cho giới sinh viên, học sinh và Phật tử trẻ.

Thời gian qua, ở đây có một số tháng sinh viên đã về đây cả ngày để tu học. Pháp viện khi chưa hoàn thành đã làm được như vậy rồi thì khi hoàn thành cần tập trung từng bước từng bước, để làm cho thật kỹ, cho tốt các vấn đề này hơn nữa. Sao cho nơi đây trở thành chốn sinh hoạt tâm linh, tu học cho các giới, chư Tăng, chư Ni.

Pv: Ngoài chức năng chính của Pháp viện là trở thành nơi tu học, mong ước gì của Hòa thượng trong tương lai cho nơi này?

Tôi mong Pháp viện sẽ là điểm tựa tinh thần chung cho các giới, những người có duyên, cũng như những người chưa có duyên khi nhìn thấy ngôi phạm vũ hoặc đến với Pháp viện thì khi về đây tinh thần cũng như tâm hồn mỗi người sẽ trở nên nhẹ nhàng, thoáng mát hơn trong cuộc sống. Đồng thời nếu được, nơi đây sẽ là điểm nhấn về văn hóa tâm linh hay văn hóa Phật giáo của Việt Nam.

Điều này cách đây ít lâu lãnh đạo tôn giáo quận 2 cũng đã đến trao đổi đề nghị với chúng tôi, mong muốn Pháp viện trở thành điểm du lịch của quận, để giới thiệu lên thành phố. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng từng bước hoàn chỉnh sự trang nghiêm, để giúp cho bá tánh khi về đây cảm thấy an lạc nhất.

Dù sao Pháp viện cũng nằm ngay cửa ngõ, thành ra người nào đi vô hay đi ra thành phố gì thì cũng vô tình hay hữu ý sẽ nhìn thấy, nên ít nhất có thể ghé qua tham quan một lần. Tôi nghĩ người nào có duyên thì sẽ đi đi lại lại nhiều lần, không có duyên thì cũng ghé một lần để viếng thăm ngôi Pháp viện.

Pv: Nhân dịp khánh thành ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang, Hòa thượng có nhắn nhủ điều gì đối với Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử các giới sau khi ngôi phạm vũ đã hoàn thành

pv9
Theo Hòa thượng Giác Toàn:"Pháp viện xây dựng được rồi thì mỗi người cần phải nâng cao niềm tin của mình đối với Tam Bảo

Qua các cuộc gặp gỡ, sinh hoạt thì chúng tôi cũng mong chư Tôn đức giáo phẩm thuộc các Giáo đoàn cũng nhau thấy được cái trước mắt và lâu dài để mà ủng hộ cho các sinh hoạt ở đây đạt kết quả tốt nhất. Tăng Ni cần có ý thức bổn phận xuất gia của mình, phải biết bản thân đã là Tăng Ni xuất gia rồi thì phải nắm cái trọng tâm trên bước đường tu học đó là thọ học Kinh, Luật, Luận từ đó chuyển hóa tiến đến Giới, Định, Tuệ. Vấn đề này là chuyện của bản thân người xuất gia, phải biết tập trung vào cái đó mới chính là quan trọng nhất trên con đường tìm cầu giải thoát.

Riêng đối với các hàng Phật tử tại gia và các mạnh thường quân, chúng tôi cho rằng ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang từ khi phác thảo, xin phép, cho đến khi được thực hiện, từ nền móng, rồi giờ đây đã hình thành đó là nhờ phước lực của Tam Bảo, nhờ sự ủng hộ của Chư Tôn đức Tăng Ni, sự hỗ trợ của chính quyền và Phật tử gần xa. Chính vì thế tất cả mọi người với lòng tín tâm đã đóng góp để mà hoàn thành ngôi phạm vũ này, khi đã xây dựng được rồi thì mỗi người cần phải nâng cao niềm tin của mình đối với Tam Bảo, với Phật, Pháp, Tăng ngày càng cao hơn nữa. Nhờ đó bản thân mỗi người sẽ thấy được giá trị về cuộc sống hiện thực, xây dựng sự tu học cho thật tốt, sao cho cuộc sống của bản thân ngày ngày cảm thấy an lạc và hạnh phúc đúng với giáo lý nhà Phật trong thời đại khoa học phát triển ngày nay.

Pv: Chúng con xin cảm ơn Hòa thượng đã dành chút thời gian quý báu chia sẻ với độc giả ạ!

Hoài Lương (thực hiện)

Sự thật về khả năng 'tìm lại của' ở ngôi cổ tự chuyên cúng đồ mặn dưới chân núi Quèn Tối

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận