Người tu tập cần phải giữ tâm như chăn trâu

Người tu tập cần phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần cũng giống y hệt người chăn trâu khéo giữ con trâu của mình trước cám dỗ ngon ngọt của đám mạ non.

Hoài Lương
06:00 04/12/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trâu thấy mạ non thì liền xông vào. Kỳ thực cũng tội cho trâu vì bản chất của nó là vậy. Không ai nỡ trách con trâu, có chăng là trách người chăn lơ là, không chú tâm, chẳng quyết liệt ngăn chặn. Nếu chăm bẳm giữ trâu, ‘dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi nện vào thân, đuổi ra khỏi ruộng’ thì lâu ngày trâu sẽ thuần không tự tung tự tác làm hại lúa mạ nhà người. 

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu với Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào, ở nơi sắc được nhận thức bởi con mắt mà phát sanh hoặc dục, hoặc thèm muốn, hoặc ái niệm, hoặc chỗ bị quyết định đắm trước; đối với những tâm như vậy, phải khéo tự phòng hộ. Vì sao? Vì những tâm này đều là con đường đưa đến sợ hãi, có chướng nạn. Đây là chỗ nương tựa của người ác, không phải chỗ nương tựa của người thiện. Cho nên, phải tự phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

nguoi-tu-tap-can-phai-giu-tam-nhu-chan-trau
Phòng hộ sáu căn là việc quan trọng của người tu

- Thí như người nông phu có đám mạ tốt, mà người giữ ruộng thì lười biếng, buông lung, để trâu vào ăn lúa mạ. Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, sáu xúc nhập xứ… cho đến buông lung cũng lại như vậy.

- Đám mạ tốt, nếu người giữ ruộng tâm không buông lung, thì trâu không ăn được. Giả sử có vào ruộng cũng bị đuổi ra hết. Nghĩa là tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn, đối với công năng ngũ dục phải khéo tự nhiếp hộ, tĩnh chỉ hết, khiến cho diệt tận.

- Đám mạ tốt, người giữ ruộng không tự buông lung, thì nếu trâu vào ruộng, sẽ dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi nện vào thân, đuổi ra khỏi ruộng. Này các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Khi con trâu kia đã bị thống khổ vậy rồi, thì từ làng về nhà, từ nhà ra làng, có còn dám ăn lúa mạ non như lỗi trước không?

Đáp rằng:

- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì nó nhớ lần trước vào ruộng, đã bị cái đau khổ bởi roi vọt.

- Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn đối với sáu xúc nhập xứ cực kỳ sanh lòng yểm ly, sợ hãi, nội tâm an trụ, chế ngự nhất tâm…

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1169 [trích])

Đắm say trong dục vui ít khổ nhiều

Phòng hộ sáu căn là việc quan trọng của người tu tập. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) luôn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), vì có xúc nên thọ, ái, thủ, hữu phát sinh và toàn bộ khổ đau có mặt. Để ngăn ngừa ái, để ngăn con trâu xông vào ruộng lúa, người tu tập phải dùng cây roi chánh niệm. Nhờ chánh niệm tỉnh giác nên cái thấy chỉ dừng nơi cái thấy (nghe, ngửi… cũng như vậy), ái không sinh khởi, ái diệt nên khổ đau vắng mặt. Đó là phòng hộ các căn.

Người tu tập không tật nguyền nên sáu căn hoạt động bình thường; mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, thân vẫn xúc chạm… Tuy có thấy, nghe và xúc chạm nhưng nhờ chánh niệm thường trực nên không vướng mắc vào sáu trần. Như mục đồng có sợi dây và cây roi, người tu có chánh niệm và tỉnh giác nên tâm vẫn an nhiên dù sáu trần hấp dẫn luôn mời gọi.

Người tu hành cần canh gác sáu căn khi tu tập

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận