Lễ Vu Lan 2021 rơi vào ngày bao nhiêu dương lịch?
Lễ Vu Lan là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Là ngày báo hiếu, nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước.
Đại lễ Vu Lan mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” ngàn đời của dân tộc ta.
Lễ Vu Lan chính là ngày rằm tháng 7 theo lịch âm. Theo đó, Lễ Vu Lan 2021 rơi vào chủ nhật, ngày 22 tháng 8 dương lịch năm 2021 (15/7 âm lịch).
Nguồn gốc sự ra đời và ý nghĩa của Ngày Vu Lan Báo Hiếu
Không phải tự dưng cứ đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, Phật giáo long trọng tổ chức "Đại lễ Vu Lan - Báo Hiếu" thật trang nghiêm, từ hình thức cho đến nội dung nhằm mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh và văn hoá của con người. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.
- Vu Lan: Danh từ gọi tắt của "Vu Lan Bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Ullam: dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu Lan Bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội treo ngược.
- Báo hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Theo trong kinh thì Lễ Vu Lan của Phật giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, Ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên.
Ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu.
Báo hiếu ở đây là đối với bố mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi.
Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. “Phổ độ chúng sanh” ,”cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Một mùa Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn giữa dòng đời đang hối hả, xô bồ. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính về cha mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục.
Có khi nào mỗi cá nhân tự hỏi rằng: Đã bao lâu rồi mình không nói những lời yêu thương, dành thời gian bên gia đình hay tặng cha mẹ một món quà ý nghĩa nào đó?
Vậy đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này, hãy hành động thiết thực để bày tỏ lòng tri ân tới đấng sinh thành nhé!
Tôn giả Mục Kiều Liên cứu Mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ như thế nào?
Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Tôn giả Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở.
Thương mẹ, ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".
- Nhưng Bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?
Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."
Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: "Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp.
Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.
Thống kê các ngày lễ Vu Lan trong những năm gần đây
Lễ Vu Lan 2017 rơi vào thứ 3, ngày 05 tháng 9 dương lịch (15/7 âm lịch).Lễ Vu Lan 2018 rơi vào thứ 7, ngày 25 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).Lễ Vu Lan 2019 rơi vào thứ 5, ngày 15 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).Lễ Vu Lan 2020 rơi vào thứ 4, ngày 02 tháng 9 dương lịch (15/7 âm lịch).
Lễ Vu Lan 2021 rơi vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).
Lễ Vu Lan 2022 rơi vào thứ 6, ngày 12 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).
Lễ Vu Lan 2023 rơi vào thứ 4, ngày 30 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).
Lễ Vu Lan 2024 rơi vào chủ nhật, ngày 18 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).
Lễ Vu Lan 2025 rơi vào thứ 7, ngày 06 tháng 9 dương lịch (15/7 âm lịch).
Hoài Lương
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận