Hòa thượng Thích Trí Quảng: Hãy luôn sống với tinh thần giúp đỡ cộng đồng
Tu nên thế nào? Cần san sẻ yêu thương ra sao? Tại sao phải có tinh thần cộng đồng đối với những người học Phật… Đây là những câu hỏi đã được Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM… chia sẻ với phóng viên.
Thưa Hòa Thượng, được biết tu của Phật giáo là để chuyển nghiệp. Vậy làm thế nào mới đúng?
Nghiệp có nghiệp xấu và nghiệp tốt. chúng ta tu là chuyển cái xấu thành cái tốt. Mọi người cần đề cao ý thức cá nhân phục vụ cộng đồng xã hội làm chính, chuyển đổi tinh thần cá nhân thành nội dung tập thể.
Và quan trọng nhất là hãy sửa đổi mình trước nên để mình vì mọi người thì tất cả công việc tốt đẹp, xã hội hạnh phúc. Đó là cảnh giới Niết Bàn, cõi Cực Lạc mà đức Phật đã dạy.
Đối với những người luôn đề cao mình và xem thường người khác là sai. Đức Phật đã dạy không được khen mình chê người, ta nên tìm cái tốt của người để thấy chứ không nên lấy cái xấu của người để nhìn. Được như vậy ta mới dễ dàng điều phục mình và cảm hóa người khác. Đấy là chuyển nghiệp.
Cuộc sống con người hiện nay luôn bị chi phối của ngoại cảnh, có nhiều người sống bản năng, theo hòa thượng chúng ta nên làm gì để khắc phục điều đó?
Nếp sống bản năng là do xã hội chưa phát triển, một xã hội phát triển thì trí tuệ con người cũng cao và cái bản năng đó được hạn chế lại, nếp sống bản năng rất nguy hiểm. Cho nên đối với người tu nên hạn chế bản năng của mình, để không đòi hỏi những ham muốn xấu và đạt kết quả cao trong tu tập.
Trong xã hội, nếu người sống theo đạo đức thì xã hội sẽ tốt hơn người sống theo bản năng. Như miếng ăn, chỗ ở nếu mình chấp nhận vừa phải, vừa đủ để lợi mình lợi người thì đó là giúp ích cho xã hội rồi.
Điều này đã có nhiều người làm được, như bản thân tôi, khi được các Phật tử ủng hộ vật chất, hiện kim tôi luôn đưa ra để trao học bổng cho các em học sinh nghèo, làm từ thiện cứu người...
Đây là cách san sẻ tình thương hiện tại, giúp các em nhỏ không có điều kiện có cơ hội đến trường học tập. Lớn lên các em lại chính là người giúp ích cho đời cho đạo, đó là cách góp phần giúp ích cho xã hội đúng tinh thần Phật pháp.
Hiện nay giới trẻ rất quan tâm đến việc tu học ở chùa, Hòa thượng có ý kiến gì về điều này?
Hiện nay các hoạt động Phật sự luôn gắn liền với đời sống của người dân. Chính vì thế, đã có rất nhiều khóa tu mùa hè cho trẻ em, hỗ trợ học sinh nghèo…
Mọi người con Phật nên mở rộng tinh thần vì cộng đồng, đây là điều rất tốt trong an sinh xã hội. Cần tổ chức nhiều các trại hè, học hè, học đạo đức sống cho giới trẻ.
Ngay từ thời học sinh cách đây 40-50 năm tôi đã từng nghỉ đến việc giúp đỡ các em nhỏ sau. Khi ở lớp 5 tôi nghỉ đến các em lớp 3,4. Vào đại học tôi lại chú ý đến các em đang học cấp dưới. Đến lúc đi ra nước ngoài học, tôi tìm mọi cách để hỗ trợ các thế hệ sau cùng qua đó tu học…
Việc tu tập ở trong chùa sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về tinh thần từ bi, hỷ xã, những điều đúng lẽ phải và quan trọng nhất là chữ Hiếu đối với các bậc cha mẹ, thầy cô và sư trưởng. Các chùa nên cố gắng xây dựng sao cho hoạt động tu tập của Phật tử và các bạn trẻ ngày càng phát triển, điều này sẽ giúp xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Có những người nghĩ cúng tiền cho chùa là như gửi ngân hàng cho đời sau. Hòa thượng suy nghĩ điều này thế nào?
Về vấn đề cúng dường, theo giáo lý đạo Phật có mặt đúng, mặt sai. Đức Phật dạy người Phật tử nên cúng dường hỗ trợ chư Tăng tu tập sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên việc cúng dường, cúng pháp cũng phải làm sao cho đúng mới có phước sau này.
Có thể xem đây là ngân hàng của Phật. Tuy nhiên đức Phật dạy, người cúng dường cũng là đang đem tiền đi đầu tư. Nếu anh cúng cho một vi chứng quả, người này chịu khó tu tập thì người cúng thành công, có phước lớn. Còn nếu người cúng cho những Tăng, Ni không tu tập, không có phước thì coi như đem đi đầu tư bị mất trắng.
Đối với bản thân tôi, khi có người cúng dường tài vật (tiền bạc và của cải - PV) tôi đem làm từ thiện, tổ chức phát học bổng cho học sinh nghèo... Số tiền này sẽ giúp các em vượt qua khó khăn học hành thành tài, lớn lên chính các em lại hỗ trợ thầy giúp những người khác.
Phật là chúng sanh, lo cho chúng sanh là cúng dường chư Phật. Nếu không cúng dường chúng sanh là sai . Kinh Pháp Hoa dạy, con người mình là Phật, mình làm sao cho con người tin Phật. Nếu không thì không được gì hết.
Thưa hòa thượng, có rất nhiều muôn đi tu bỏ hết tất cả vợ con, công việc như vậy đúng hay sai?
Chúng ta nên biết rằng vào chùa là để được đào tạo thành người cứu đời chứ không phải ăn bám hay tránh đời. Tuy nhiên vào chùa tu cũng nên tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Đừng nên bỏ cái lợi lớn đi tìm cái lợi nhỏ để rồi mất trắng tất cả.
Tôi có người bạn là dược sĩ có một cửa hàng thuốc tây lớn. Khi đến với Phật pháp, ông phát tâm xuất gia (đi tu), vợ của ông của vào chùa làm công quả (giúp việc trong chùa), mấy đứa con cũng bỏ học vào chùa. Đi tu một thời gian, ông hỏi tôi như vậy có đem lại điều gì tốt không. Tôi cho rằng như vậy là không có lợi.
Việc ông đi tu làm gia đình ly tán, ông có khả năng làm về ngành thuốc nhưng vô chùa ông chỉ tụng kinh chẳng làm được gì hết. Nếu như ông ở ngoài làm việc lo cho mấy đứa con ăn học thành tài thì tốt hơn, Vợ ông có tài kinh doanh bán thuốc thì có thể kiếm tiền vừa lo cho gia đình vừa có thể giúp đỡ mọi người đấy cũng là đã tu tập.
Tôi thường khuyên các đệ tử và Phật tử nên tu theo hạnh Bồ tát đạo hơn là làm sa môn (người tu). Đối với người xuất gia có rất nhiều hạn chế, nếu rất khó làm nhiều việc hơn người ngoài đời. Nếu anh là người Phật tử tại gia có thể làm những việc mình có khả năng, vừa có thể giúp người vừa tu tập chánh pháp cũng là điều tốt.
Hòa thượng có lời khuyên nào đối với những người học Phật không?
Tất cả Tăng, Ni, Phật tử nên có tinh thần giúp đỡ người khác. Hãy luôn sống với tinh thần giúp đỡ cộng đồng. Những người ta giúp họ khi thành tài, thành công sẽ quay lại cùng ta giúp đỡ những người khác
Mọi Phật tử tại gia nên áp dụng lối sống tĩnh tâm, tu học vào trong đời sống. Ngay cả trên học đường, sở làm… điều này sẽ giúp ích rất lớn trong cuộc sống của chính quý vị
Xin cảm ơn Hòa thượng!
Hoài Lương (thực hiện)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận