Chúng sinh cần cần vun đắp lòng hiếu kính với cha mẹ
Chúng sinh cần hiếu kính với cha mẹ, điều này thể hiện trong lễ Vu Lan. Nói đến lễ Vu Lan là nói đến sự hiếu nghĩa của người con đối với ông bà, cha mẹ.
Lễ Vu Lan là một bản sắc đạo đức của những người trong đạo Phật cũng như của những người Á đông. Thật vậy, theo quy luật tâm lí tự nhiên của con người, nếu để mặc, không có nhắc nhở, giáo dục thì chúng ta chỉ biết thương yêu, hy sinh tất cả vì những đứa con do mình sinh ra mà quên đi việc quan tâm, chăm sóc đến cha mẹ.
Nói là quy luật tự nhiên nhưng thực sự nó rất bạc bẽo, cay đắng. Do đó, bằng sự minh triết của mình, các bậc Thánh mới lật ngược lại vấn đề để dạy cho chúng ta đạo lí rằng: Mình biết thương con mình thì cũng phải biết ơn và hiếu kính với cha mẹ.
Để lật ngược lại vấn đề quả thực không dễ dàng gì, vì nó đi ngược với quy luật tự nhiên. Vậy nên, chỉ những người có đạo lí, có đạo đức mới nghĩ tới lòng hiếu kính. Và lễ Vu Lan được tổ chức đều đặn hàng năm là cơ hội để ta đi ngược lại với bản năng bạc bẽo, vô ơn của mình; nhắc ta biết nhớ đến những đấng sinh thành đã yêu thương, bao bọc ta mà ta đã quên.
Mỗi người cha, người mẹ lại có một cách khác nhau để thể hiện tình yêu với con cái, một thứ tình cảm thực sự rất thiêng liêng, vĩ đại, bao la mà những người con nhiều khi không hiểu, không biết hoặc không cảm nhận hết được. Do đó, ta dễ quên đi cha mẹ mình là như vậy.
Ngoài ý nghĩa trên, lễ Vu Lan còn có thêm một ý nghĩa khác nữa, đó là ngày ta hướng tới những người đã mất. Chúng ta không nhìn thấy những người âm nhưng sự tồn tại của họ được nhiều nơi trên thế giới phải thừa nhận thông qua lời kể của nhiều người cũng như sự ghi hình lại của các camera.
Cõi âm thực sự tồn tại và có mối quan hệ tương tác, liên quan với con người. Thế nên, ông bà ta ngày xưa có câu nói rất hay: “Âm siêu thì dương thới”, nghĩa là những người trong cõi âm mà được hạnh phúc, an lành, no đủ thì tự nhiên, cõi dương cũng được phát triển, hưng thịnh và bình an. Nói là vậy, nhưng thực sự giữa người âm và người dương thì ai mới là người giúp ai?
Khi chúng ta thắp hương, cầu nguyện các vị thần linh và những người đã khuất là người âm đang giúp chúng ta. Nhưng, khi ta cầu siêu, tụng kinh, cúng thực lại là người dương giúp người âm. Do vậy, câu trả lời thực sự ở đây là không biết âm hay dương, quy luật là ai thiếu phước thì cần người nhiều phước giúp đỡ.
Đây cũng là một trong những lí do mà ta hay thấy nhiều Hội đoàn đi làm từ thiện ở chỗ này, chỗ kia trong mùa Vu Lan. Như vậy, chúng ta hiểu rằng người nhiều phước là người giúp đỡ người khác.
Đây vừa là quy luật trong sự giao thoa giữa 2 cõi âm dương, vừa là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Quy luật này giúp cho xã hội ngày càng phát triển, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa con người với con người, góp phần xây dựng thế giới ngày càng tiến bộ.
Theo những tiêu chí đánh giá của thế giới, Việt Nam được xếp vào nhóm nước đang phát triển. Để có được thành tựu này, ngoài sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Nhà nước; ngoài trí tuệ, bản lĩnh, sự cần cù, sáng tạo của con người Việt Nam, còn có những yếu tố khác như tâm linh, nhân quả, phước báo.
Nghĩa là bên cạnh những yếu tố về hiện thực xã hội, cuộc sống, còn có một yếu tố thuộc về tâm linh là tình yêu thương, sự san sẻ, giúp đỡ nhau giữa người với người. Những sự giúp đỡ âm thầm đó tạo nên sự tương tác, xây dựng mối quan hệ giữa người với người ngày càng tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, chúng ta được sống trong đất nước hòa bình, ổn định, phát triển như thế này còn nhờ phước của những người đã khuất. Họ là những người Cán bộ hết lòng vì nước vì dân, ngay cả khi họ không còn tồn tại trên cuộc đời nữa thì họ vẫn âm thầm bảo vệ, che chở cho đất nước.
Họ mất rồi nhưng cái phước báo lớn giúp họ có uy lực trong cõi âm để tiếp tục thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với quốc gia, dân tộc.
Không chỉ người âm giúp đỡ cho người dương mà người dương thực sự cũng giúp đỡ những người âm rất nhiều. Trường hợp mà người chết quá ít phước, linh hồn họ không được siêu thoát, không được ai chăm lo cho nên phải vất vưởng, lang thang thì Lễ Vu Lan là ngày mà ta bày tỏ ân nghĩa, tình thương của mình với những vong hồn bất hạnh đó.
Đồ ta cúng thí thực, người âm họ đều nhận được và họ biết ơn ta rất nhiều. Những hành động này không chỉ giúp cho những người âm có một cuộc sống đỡ vất vả hơn mà nó còn mang lại cho ta cái đức lớn mà ông bà hay gọi là âm đức để bảo vệ, giữ gìn ta.
Người mà luôn có thái độ coi thường, không biết giúp đỡ những người đã khuất thì chúng sinh đó ngày càng mất phước, khi gần chết sẽ bị tai họa.
Do vậy, phước chính là điều kiện và phương tiện để mỗi chúng sinh giúp đỡ người khác. Phước càng lớn thì chúng ta càng giúp đỡ được nhiều người. Để có được phước lớn đó, ngoài việc tích cực làm việc thiện, giúp đỡ nhiều người xung quanh,… chúng ta còn phải biết chọn lựa cách sống và niềm vui sống cho bản thân.
Việc lựa chọn này thực sự quan trọng và cần thiết vì nó có thể mang lại cho chúng sinh cái phước báo lớn, nhưng cũng có thể phá sạch phước của ta nếu ta chọn lựa sai.
Nếu ta chọn cách vui khi được ra lệnh, sai khiến người khác; vui khi ta chiến thắng và hơn người khác; vui trước sự thất bại, khốn khổ của người khác; vui khi được sống hưởng thụ trong sự an nhàn, giàu sang thì ta dễ mất hết phước.
Bởi vì, những niềm vui này khiến ta khởi lên cái “Ta” quá lớn, cái bản ngã quá dày, cái vô tâm tột độ và cái thiếu trách nhiệm quá cao. Tuy nhiên, vẫn nhiều người vướng và chọn các cách vui này vì con người là phàm phu, lúc nào cũng mong muốn mình ở trên và hơn tất cả người khác.
Ngược lại, nếu ta biết chọn cách vui khi được vâng lời, phục vụ người khác; vui khi người khác chiến thắng và giỏi hơn mình; vui khi người khác thành công, không bị bủa vây bởi những nghịch cảnh; vui khi được cống hiến, phụng sự thì dù có sống vất vả, khổ cực thì ta vẫn có nhiều phước.
Để chọn được cách vui này rất khó nếu đó không phải là người vô ngã; không phải là người biết nép mình xuống để đặt người khác lên trên; không phải là người biết đau xót trước nỗi khổ của người khác; không phải là người có trách nhiệm, v.v...
Chỉ những người có cái tâm vô ngã thì họ mới đủ phước để có thể dang tay ra giúp đỡ người khác bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn cho mình một niềm vui đúng đắn, nhưng chưa chắc đã thực hiện được theo những gì mình chọn lựa, vì cái ý chí và cái tâm của ta luôn có sự mâu thuẫn. Cái bản năng cũng như bản ngã trong con người ta sẽ khiến cho việc thực hiện những lựa chọn của ta trở nên khó khăn.
Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên lễ Phật, sám hối để Phật gia hộ cho ta có sức mạnh mà chiến thắng bản thân của mình. Chỉ như vậy, phước báo mới đến với chúng ta, giúp ta có cơ hội được giúp lại người khác.
Hy vọng tất cả chúng sinh có thể xây dựng và vun đắp lại lòng hiếu kính với cha mẹ cũng như cái phước báo để giúp đỡ người khác. Đây chính là nền móng để xây dựng một thế giới tốt đẹp, bền vững, mục tiêu mà tất cả chúng sinh đang hướng tới.
Từ đây, mọi người thêm hiểu hơn về công lao nuôi dưỡng của cha mẹ mình mà hết lòng hiếu kính. Đồng thời, không quên giúp đỡ những người xung quanh cũng như những người đã khuất để xây dựng mối quan hệ giữa con người ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng thời mọi người hãy biết đặt cái tôi của mình xuống dưới, đề cao cái tập thể lên trên. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể yêu thương những người bên cạnh, mới thấy được trách nhiệm to lớn của bản thân với cộng đồng, với quốc gia dân tộc. Nghĩ đến tập thể cũng là cách để thế giới bớt đi sự hơn thua, sự cạnh tranh, đấu đá, con người vì thế mà sống với nhau trong hòa bình, hạnh phúc.
Phật dạy: Trong khó khăn phải luôn giữ vững phẩm chất đạo đức
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận