Bài học đầu tiên trong khó khăn vẫn giữ được đạo đức
Bài học đầu tiên của đạo cho ta là nếu có ai tới chửi mắng mình thì phải nhịn, giữ vững đạo tâm, không chửi lại, không oán giận, mà còn rộng lòng tha thứ và thương yêu người đó. Mình sống không làm phiền lòng ai, biết đi chùa tu tập, được chư Tăng Ni nhắc nhở, dạy bảo phải sống hiền lành, nhẫn nhục, chịu đựng, trả nghiệp và làm phước.
Như vậy là ta đã vượt qua được bài học đầu tiên để bắt đầu bước thêm bước nữa.
Thử thách của bài học đầu tiên tuy rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Nếu chỉ mới bị người mắng chửi mà ta đã không thể vượt qua, không biết nhẫn nhịn, cố chửi lại cho bằng được, thì bài học đầu tiên này ta vẫn làm chưa xong, nên không thể tiến xa hơn trên bước đường học đạo.
Bao nhiêu công phu đi chùa, tụng kinh, lễ Phật đều trở thành vô nghĩa, không mang lại kết quả gì cho đời tu của mình. Vì vậy, ta phải hạ quyết tâm mãnh liệt, tự răn lòng mỗi ngày phải quỳ dưới chân Phật phát nguyện, “xin Phật gia hộ cho con, khi bị người chửi mắng con vẫn không giận, không hờn, vẫn thương yêu và mở lòng tha thứ cho người”.
Bước thứ hai là trong khó khăn, ta vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, không bị lung lay, không bán mình cho điều xấu.
Khi đã vượt qua thử thách đầu tiên, những khó khăn lớn hơn sẽ lần lượt xuất hiện. Có thể bỗng nhiên ai đó kiện cáo mình đã giết người, họ đưa ra chứng cứ xác thực là có xác chết ngay gần nhà mình. Vậy lúc đó, mình phải làm sao? Mình có thể chịu đựng nổi hay không?
Dĩ nhiên là việc này sẽ được đem ra truy tố, luật sư hai bên sẽ cùng tranh cãi, và nếu chẳng may chứng cứ bất lợi, mình có thể bị bắt vào tù. Nếu sự tình đến như thế thì mình có hận thù cuộc đời hay không? Mình bị oan ức đến nổi phải vào tù, mất hết tự do, mất hết danh dự. Điều này so với lời chửi mắng, quả thật nặng hơn rất nhiều.
Chúng ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh đó để xem mình có thể thanh thản, hiền lành, thương yêu, tha thứ cho kẻ đã vu oan hay không? Đây là một thử thách, một bài toán khó, nhưng nếu chúng ta không làm được thì xem như đã thua, và không thể tiếp tục giải sang bài toán khác.
Tuy rằng bài toán rất khó nhưng ta buộc mình phải làm cho được. Trường hợp giải được bài toán này, nghĩa là ta vẫn không thù ghét mà còn rộng lòng tha thứ, thương yêu người đã vu oan. Rồi khi ở trong tù ta cải tạo tốt, được mãn hạn sớm, nhưng lúc này tuổi đã lớn, danh dự uy tín cũng không còn.
Vì chưa được giải oan, chưa được phục hồi uy tín, nên ta không tìm được việc làm, không có tiền, và bụng thì bắt đầu đói, mà hễ cái đói đến rồi thì thấy ai vai mang túi tiền là rất dễ sinh tâm đạo tặc, trở thành kẻ cướp.
Vào những tình huống đó thì mới biết được là ta hiền hay không. Nếu trong lúc bụng đói cồn cào mà tiền thì rất dễ lấy, liệu mình có lấy hay không? Mình sẽ trở thành kẻ cắp, hay vẫn chấp nhận chết đói, để giữ thân này luôn trong sạch. Quả thật để giữ gìn phẩm chất đạo đức trong lúc khó khăn là một việc không dễ dàng.
Cho nên, nếu thấy người nào hiền hiền rồi chúng ta vội vàng kết luận ngay là người đó hiền thì không chắc đã đúng. Nếu họ chưa được đặt trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, khốc liệt, khủng khiếp, thì hiền hay ác mình vẫn chưa thể nhìn nhận chính xác. Nếu bị đặt vào những hoàn cảnh đó, những ác độc trong tâm có thể bộc lộ ra, họ sẽ hung dữ, bất an, tâm đầy loạn động, đau khổ và bức bối.
Chỉ những người nào công phu tu tập rất sâu dày, tuy đối mặt với nghịch cảnh mà lòng vẫn thản nhiên, vẫn thương yêu tha thứ, tử tế với cuộc đời, đó mới chính là người hiền lành thật sự. Những người như thế khi nghiệp cũ đã hết, chắc chắn điều tốt đẹp nhất sẽ đón chờ họ ở cuối con đường.
Phật dạy trong khó khăn phải luôn giữ vững phẩm chất đạo đức
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận