"Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ: Vị đại gia 49 ngày nhịn ăn ngồi thiền trên núi với những hiểu biết sâu về Phật pháp
Đặng Lê Nguyên Vũ không nhận mình là Phật tử nhưng dường như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của ông.
Vị đại gia 49 ngày nhịn ăn ngồi thiền trên núi
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đóc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Ông từng được National Geographic và Forbes vinh danh là "Vua cafe Việt Nam".
Xuất phát điểm là một người sinh ra trong gia đình nông dân nghèo với tài sản chỉ vỏn vẹn một chiếc xe đạp cọc cạch, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành "vua cà phê" lớn nhất cả nước. Thương hiệu "Cà phê Trung Nguyên" của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vươn tầm thế giới.
Ít ai biết, cuối năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạm dừng công việc, lên núi M’đrắk (Đắk Lắk) tu tập. Vị đại gia này đã nhịn ăn, chỉ uống nước mè đen và ngồi thiền trong 49 ngày. Ông cho biết, mình cần khoảng thời gian tịnh tâm, giúp tinh thần minh mẫn để nghĩ đại sự.
Sau 5 năm tập thiền, vị doanh nhân này bất ngờ trở về, tuyên bố muốn đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu. Ông tự xưng là "Qua", ăn mặc như tu sĩ, cổ quấn khăn rằn.
Triết lý kinh doanh và tiền bạc đáng suy ngẫm
Vào năm 2019, trong phiên tòa xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục bày tỏ những triết lý về kinh doanh và tiền bạc.
Vị doanh nhân khẳng định: "Kinh tế, bản chất của nó một người có tầm sẽ hiểu là kinh bang tế thế, mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình, trách nhiệm một chút, họ mới mua dịch vụ, mua sản phẩm của mình, dù gián tiếp nhưng nó lâu bền. Chứ không phải mình khuyến mãi gì đó hết đợt này đến đợt khác".
Là một doanh nhân thành đạt nhưng triết lý về tiền bạc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khiến nhiều người phải suy ngẫm. Ông bày tỏ, tiền với quyền không để làm gì: "Bao nhiêu năm nay tôi không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tiền nhiều để làm gì để ngày hôm nay phải ngồi như thế này? Như xe cộ, mua vẫn còn đó đâu có mất đi, 500 tỷ, 700 tỷ hay 1000 tỷ thì nó vẫn còn tài sản đó. Cái đó là thông minh, phải có trí tuệ chứ không phải chiết khấu rồi 1 năm nó biến mất".
Đối với chuyện nợ nần, ông chủ Trung Nguyên cũng rất sòng phẳng. "Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn", ông nói.
Với những người đã giúp đỡ, Đặng Lê Nguyên Vũ vô cùng biết ơn và trân trọng: "Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt".
Doanh nhân thành đạt hiểu biết sâu về Phật pháp
Tuy không nhận mình là Phật tử nhưng qua những gì Đặng Lê Nguyên Vũ nói thì dường như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của ông. Ngay vẻ ngoài với cái đầu "trọc lốc" của ông cũng mang dáng vẻ của người tu sĩ.
Những chia sẻ về 2 chữ từ bi và trí tuệ của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề mang tính chất kinh sách mà rất đời thường. Ông nói rằng, nếu áp dụng vào đời sống thì từ bi chính là yêu thương, là hài hòa. Con người cần biết hài hòa với nhau, với vũ trụ; sống thuận theo quy luật của tự nhiên là thuận duyên, tùy pháp.
"Vua cà phê" nhấn mạnh, trí tuệ trong kinh doanh và quản trị chính là sáng tạo và trách nhiệm. Việc sáng tạo thích nghi là thứ rất cần đối với các nhà lãnh đạo trong thế kỷ 21.
Đặng Lê Nguyên Vũ nói về chữ đạo, rằng đạo là đường. Muốn kiến tạo phải có đường. Mỗi chúng ta cần biết rõ mình đi đâu, về đâu. Nếu chúng ta thấy rõ con đường, biết rõ hướng đi thì chuyện đến đích là dĩ nhiên, sợ nhất khi lạc đường.
Chủ tịch của Trung Nguyên cho rằng, hiện nay, rất nhiều người đã hiểu sai đạo Phật, biến thành mê tín, dị đoan. Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật nhưng thực ra không phải vậy, nhiều người nhận mình là Phật tử nhưng hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật. Một doanh nhân thành đạt với những bận rộng trong công việc mà hiểu biết sâu về Phật pháp đến vậy.
Ngoài những loại giáo dục như nhà trường, gia đình, xã hội, tâm linh, Đặng Lê Nguyên Vũ nói rằng có một loại giáo dục nữa đó là tự uống cà phê để thức tỉnh, để luôn tỉnh và không si mê. Ông cho rằng, giáo dục về tâm linh hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ chưa hiểu mình là ai, chưa biết dựa vào đâu, chưa biết đến sứ mệnh của chính mình. Và trong xã hội hiện nay, thà ít người mà sáng, mà tỉnh thức, mà rõ đường để dẫn đường còn hơn là quá đông và hiểu sai, dẫn đường sai.
Xem thêm: Chủ tịch Lê Phước Vũ: "Tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh của một người tu hành"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận