Đột quỵ sau khi chạy bộ nguy hiểm thế nào?
Thông tin ban đầu, Hoa hậu Thu Thủy đột quỵ qua đời ở tuổi 45 khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bệnh đột quỵ đáng sợ thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hoa hậu Thu Thủy qua đời do đột quỵ sau khi chạy bộ?
Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy đột ngột qua đời vào 4h30 sáng nay 5/6/2021 khiến giới nghệ sĩ Việt cũng như người hâm mộ vô cùng xót xa và tiếc thương.
Theo thông tin ban đầu từ bạn bè của cô, hoa hậu Thu Thủy qua đời do đột quỵ sau khi tập thể dục, cụ thể là chạy bộ quá sức vào tối muộn ngày 4/6/2021.
Trước khi qua đời, Hoa hậu Thu Thủy làm mẹ đơn thân, sống với hai người con, một trai, một gái đang tuổi trưởng thành tại quận Long Biên, Hà Nội.
Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy nổi tiếng với cách nói chuyện thông minh, hiểu biết rộng vì ham đọc sách và nhan sắc không tuổi nhờ chăm tập thể thao, ăn uống healthy.
Yoga và chạy bộ là hai bộ môn giúp rèn luyện sức khỏe được nàng Hậu yêu thích. Trang Facebook cá nhân của cô chủ yếu đăng tải những bức ảnh cô tập luyện yoga, chạy bộ và cả những trang viết tay rất đẹp được cô nắn nót viết bằng bút máy những câu văn cô yêu thích bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Được biết, cô gắn bó với yoga hơn 10 năm, ăn uống healthy và thường xuyên thiền định. Đối với Thu Thủy, yoga như hơi thở, cơm ăn, nước uống không thể thiếu hàng ngày.
Vài năm gần đây, cô tìm được niềm vui mới với chạy bộ. Đó là môn thể thao giúp cô thử thách bản thân, từ cự ly thấp đến cao. Bên cạnh việc duy trì chạy khoảng 50km mỗi tuần, cô còn thường xuyên đăng ký tham gia các giải chạy trong nước và quốc tế.
Thông tin ban đầu Hoa hậu Thu Thủy đột quỵ khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bệnh đột quỵ đáng sợ thế nào?
Ai là người có nguy cơ đột quỵ?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ hai sau bệnh tim, ở Mỹ đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và ung thư. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tinh thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tập thể dục nói chung và chạy bộ nói riêng là việc mỗi người nên làm hàng ngày để duy trì và rèn luyện sức khỏe mỗi người. Nhưng, những trường hợp bị đột quỵ sau khi chạy bộ khiến nhiều người hoang mang. Vậy đâu là đối tượng có nguy cơ đột quỵ sau chạy bộ?
Theo các chuyên gia sức khỏe, những người tập thể dục, thể thao, chạy bộ xảy ra tai biến dẫn đến đột tử phần lớn là do bị cao huyết áp, tụt huyết áp hay có bệnh lý về tim mạch. Khi vận động quá sức thì các bệnh này mới phát tác. Chính vì vậy, nhiều người thấy sức khỏe bình thường, kiểm tra không phát hiện bệnh, nhưng khi chơi thể thao, chạy bộ thì bị tai biến, đột quỵ, tử vong.
Khi tập thể dục, tập gym, chạy bộ thì nhịp tim sẽ thay đổi nhanh hơn, đập nhanh hơn. Khi tập luyện nếu không kiểm soát nhịp tim sẽ rất nguy hiểm vì nhịp tim tăng, huyết áp cũng tăng khi đó xuất hiện các cơn thiếu máu thoáng qua. Có thể sau vài phút, người bệnh trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ sắp xảy ra.
Đặc biệt, nhiều người có thói quen tập thể dục vào sáng sớm. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Khi cơ thể hoạt động cường độ cao cộng với nhiệt độ lạnh sẽ làm cho mạch máu co lại một cách đột ngột dễ gây xuất huyết não.
Các dấu hiệu nhận thấy như người vận động quá mạnh thấy mắt mờ, đau đầu, choáng váng, cứng cổ, buồn nôn. Nếu có dấu hiệu cơn thiếu máu thoáng qua, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe.
Nếu để cơn đột quỵ xảy ra với các dấu hiệu đột ngột đau đầu dữ dội, mất ý thức, nói khó, liệt nửa người thì không thể dự phòng. Người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Trường hợp cấp cứu muộn sẽ để lại di chứng.
Dấu hiệu chính xác giúp nhận biết đột quỵ
Trong thực tế, cơn đột quỵ không đến âm thầm mà luôn phát ra một số "tín hiệu" đặc biệt, tuy nhiên các dấu hiệu này thường dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về sức khỏe khác nên khi xử lý thường đã quá muộn.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết đột quỵ các bạn nên tham khảo để kịp thời xử trí:
- Dấu hiệu đầu tiên giúp nhận biết đột quỵ là khi bạn đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở tay chân hoặc mặt (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người)
- Xây xẩm, chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…là dấu hiệu của đột quỵ.
- Người bị đột quỵ sẽ đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; đột ngột đau đầu dữ dội... chính là dấu hiệu của người bị đột quỵ.
Nếu phát hiện một người đột quỵ, bạn cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu vì bệnh nhân cần được cứu chữa kịp thời trong "thời gian vàng". Khoảng thời gian vàng cứu người đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.
Cách phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ theo lời khuyên của chuyên gia
Theo các bác sĩ, đột quỵ hay xảy ra ở những người trẻ tuổi chơi thể thao chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư và được cho là liên quan hầu hết đến bất thường tiềm ẩn của hệ tim mạch (chiếm 2/3 nguyên nhân các trường hợp đột tử).
Những bất thường về tim mạch này ít bộc lộ hoặc không được phát hiện trước đó, khi gặp yếu tố gắng sức hay chấn thương trực tiếp sẽ gây ra những bệnh lý tim mạch cấp tính, gây tử vong ngay lập tức.
BS Trịnh Văn Hải, trưởng khoa cấp cứu BV FV cho rằng, thời gian vừa qua, phong trào chạy bộ được nhiều người hưởng ứng tham gia, đặc biệt là giới trẻ, tuy nhiên vẫn còn trường hợp chạy theo sở thích, không hiểu rõ về tình trạng sức khỏe bản thân. Những trường hợp này ít nhiều có ảnh hưởng sức khỏe, nhẹ là các chấn thương khi vận động, nặng là những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
4 nguyên nhân bệnh lý dẫn đến đột quỵ
- Bệnh lý cơ tim phì đại: thường gặp nhất. Đây là bất thường tim bẩm sinh nhưng không biểu hiện triệu chứng gì. Vách cơ tim dày lên bất thường dẫn đến rối loạn dẫn truyền nhịp tim và gây rung thất. Lúc đó, tim không bóp máu nuôi cơ thể được. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở người chơi thể thao dưới 30 tuổi.
- Bệnh lý động mạch vành: bất thường của mạch máu nhỏ cung cấp máu nuôi trái tim. Khi hoạt động thể thao gắng sức, mạch vành bị co thắt hay do cục xơ vữa làm tắc mạch máu này, không đem máu đủ đến cho tim hoạt động dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính. Đây là nguyên nhân đột tử thường gặp cho người trên 30 tuổi.
- Các nguyên nhân ít gặp hơn là vỡ phình động mạch chủ do gắng sức, hoặc bệnh lý van tim, tim bẩm sinh và bất thường tim mạch ở những người cao to trong hội chứng Marfan.
- Chứng chấn động tim: đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên mà không bị bất thường về tim. Tim bình thường bị một chấn động mạnh ở vùng giữa ngực, do banh đánh trúng hay cú đánh trực tiếp, làm tim ngưng hoạt động dù không có tổn thương xương hay cơ bao quanh ngực. Tỷ lệ tử vong lên đến 65%.
BS Hải khuyến cáo những người tham gia chạy bộ nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chạy từ những vận động viên có kinh nghiệm, chạy theo những cự ly phù hợp với thể trạng cơ thể, khởi động kỹ trước khi chạy và không cố gắng quá sức khi thấy cơ thể có dấu hiệu quá tải.
Theo các chuyên gia, ngoài việc tập quá sức, một số sai lầm khi tập thể dục cũng có thể khiến người tập gặp họa như:
- Tập thể dục khi đói: Tập thể dục khi bụng quá đói sẽ dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu. Chúng ta có thể ăn nhẹ trước khi tập luyện nhưng lưu ý sau khi tập thể dục xong cũng không ăn quá no, bởi như vậy sẽ không tốt cho dạ dày.
- Tập thể dục sau khi ăn no: Khi ăn no, lúc này máu trong cơ thể sẽ tập trung đến dạ dày và một số bộ phận khác để thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu tập thể dục trong lúc này sẽ khiến nhịp sinh học ổn định của cơ thể bị rối loạn gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, chuột rút, đau bụng, thức ăn không tiêu hóa được sẽ khiến người tập rất khó chịu và không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Tập thể dục khi cơ thể không khỏe: Tập thể dục khi đang bị sốt, hoặc có các triệu chứng khó chịu như ho khan, viêm họng, cơ thể mệt mỏi, chảy mũi mước là điều rất nguy hiểm. Nếu tập tập thể dục trong giai đoạn này có thể khiến người tập bị mất nước và mất nhiều thời gian cho việc phục hồi sức khỏe.
Bác sĩ Randy Eichner khuyến cáo cách phòng tránh đột quỵ khi chơi thể thao:
- Đột qụy tim có nguy cơ tiềm ẩn với những người tham gia các môn thể thao mùa hè như bóng đá, chạy, bơi lội
- Đột qụy tim có nguyên nhân kết hợp giữa các yếu tố như thời tiết, vận động quá sức, quần áo không thoáng hoặc không có khả năng thấm mồ hôi, cơ thể quá béo, ít vận động, có tiền sử tim mạch....
- Nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể cứu được người bị trụy tim.
Sự cố gắng khi chơi thể thao hay chạy bộ không phải là nguyên nhân nhưng lại là yếu tố thuận lợi dẫn đến đột tử nếu ta có bất thường tim mạch. Dù đột tử rất hiếm xảy ra khi chơi thể thao, chạy bộ nhưng hậu quả thì nghiêm trọng và gần như gây tử vong. Tốt nhất chúng ta nên phòng ngừa chứng đột tử bằng cách khám sức khỏe định kỳ.
Lương y Vũ Xuân Điều khuyến cáo: Nếu có bất kỳ khó chịu nào khi gắng sức tập luyện thể thao như mệt bất thường, choáng váng, nghe tiếng tim bất thường hoặc nhịp tim không đều..., bạn nên ngưng gắng sức, nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ tim mạch.
Xem thêm: Giới nghệ sĩ xót xa khi nghe tin Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thu Thuỷ qua đời do đột quỵ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận