Cổ nhân dạy: Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích; bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô nghĩa

Cuộc sống, vận mệnh của mỗi người ra sao không phải do yếu tố phong thủy hay đấng tối cao nào mà do chính sự tu dưỡng đạo đức của họ quyết định.

Cổ nhân dạy: Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích; bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô nghĩa

Cuộc sống, vận mệnh của mỗi người ra sao không phải do yếu tố phong thủy hay đấng tối cao nào mà do chính sự tu dưỡng đạo đức của họ quyết định.

Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích

Trong sách "Đại học" có viết: "Cái đạo của việc học làm những việc quốc gia đại sự là làm rạng rỡ cái đức sáng của mình, là làm cho dân thay đổi tốt lên, là đạt đến và dừng ở nơi chí thiện". Người nào trong lòng còn mang suy nghĩ bất thiện, trái với thiên đạo thì chẳng khác gì tự chuốc lấy diệt vong. 

Phong thủy tốt, mảnh đất đẹp có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Tuy nhiên, cái gốc của phong thủy không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính là ở lòng người. Con người có thiện tâm thì dù sống ở nơi hiểm địa cũng gặp dữ hóa lành, chuyển họa thành phúc.

Chuyện kể rằng, xưa kia có vị thầy phong thủy thường giúp người khác lựa chọn mảnh đất tốt để sinh sống. Theo ông, nếu căn nhà nằm trên mảnh đất tốt thì có thể giúp gia chủ thay đổi vận mệnh theo hướng tốt hơn. 

Có lần, ông đi bộ một chặng đường dài và cảm thấy khát nước nên dừng lại nghỉ chân. Bên đường có ngôi nhà nhỏ nên ông vào xin một ít nước mát.

Nhìn người khách lạ trông bộ dạng mệt mỏi, mồ hôi khắp trên mặt vào xin nước nên bà chủ nói hãy đợi để bà vào trong lấy nước. Thế nhưng, vị thầy phong thủy đợi mãi không thấy chủ nhà đâu. Rất lâu sau đó người phụ nữ này mới quay lại, đi rất chậm, tay bê một bát nước lớn.

Vì quá khát và đợi khá lâu rồi nên vị thầy phong thủy định dơ tay ra để đón lấy bát nước, thì người phụ nữ lùi lại và nói đợi bà một chút. Thế rồi, bà để bát nước sang một bên và chạy vào một lần nữa. Lần này bà mang ra một nắm ngũ cốc, bỏ vào bát nước và bảo thầy phong thủy hãy uống chậm thôi.

Vị thầy phong thủy thầm nghĩ đây thật là một người đàn bà xấu tính, rõ là thấy ông khát và chỉ muốn uống một bát nước thôi mà bà ta cứ chậm chạp, đã vậy còn bỏ ngũ cốc vào nước làm ông khó uống.

Sau khi uống nước, nghỉ ngơi, thầy phong thủy ra ngoài để tiếp tục cuộc hành trình. Nhìn thấy một mảnh đất xấu chắc chắn sẽ mang đến xui xẻo cho ai sống trên đó. Ông ta bèn quay vào nhà bảo với người phụ nữ, để thể hiện lòng biết ơn bà đã cho nước, ông sẽ chỉ bà một mảnh đất tốt mang lại nhiều may mắn.

Ông ra cùng người phụ nữ ra cửa, chỉ vào mảnh đất xấu bảo rằng bà nên xây nhà ở trên đó. Vừa hay người phụ nữ đang muốn xây ngôi nhà mới nên vô cùng cảm kích trước sự tư vấn của vị thầy phong thủy.

Thời gian cứ thế trôi nhanh, sau 10 năm, vị  thầy phong thủy quay lại nơi đây. Ông vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người phụ nữ sống sung túc, ngôi nhà với mảnh sân sau đầy các loại gia súc. Dù trong đầu ông khẳng định đó là mảnh đất xấu mang lại vận rủi cho người chủ nhưng ông không thể hiểu được vì sau người phụ nữ này lại gặp may mắn.

Nhận ra vị thầy phong thủy ngày nào, người phụ nữ rất vui mừng. Bà chạy đến trước mặt, không ngừng cảm ơn ông vì đã chỉ cho mảnh đất tốt. Bà nói rằng, từ ngày xây nhà trên đó, vận may đã đến với gia đình bà.

Vị thầy phong thủy vô cùng xấu hổ thú nhận, rằng ông nghĩ mảnh đất sẽ đem lại xui xẻo cho bà, chỉ vì nghĩ bà đối xử tệ với ông ta nên ông chỉ đất xấu để nhằm trừng phạt.

Người phụ nữ ngạc nhiên không hiểu mình đã đối xử tệ thế nào. Thầy phong thủy nói, vì bà lấy nước rất lâu, lại còn lưỡng lự và bỏ ngũ cốc vào nước khiến khó uống.

Lúc này, người phụ nữ mới giải thích về hành động của mình, bà hoàn toàn không có ý đối xử tệ với ông mà chỉ vì thấy ông nóng và khát nước, bà nghĩ đến câu người đang khát khô họng không nên uống nước lạnh vội vã. Vì thế, bà cho một nắm ngũ cốc vào để ông uống chậm lại.

Vị thầy phong thủy nghe thấy vậy thì lặng người, nhận ra đây quả là người phụ nữ có trái tim nhân hậu. Vì bà có tâm nghĩ tới người khác, nên bà luôn được Trời Phật phù hộ và bảo vệ. Rõ ràng là số phận của một con người với đạo đức cao như vậy sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi ý định xấu của vị thầy phong thủy hay sự xui xẻo của mảnh đất xấu.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, chính thiện tâm thực sự mới mang lại phúc báo, cải thiện vận mệnh và hoàn cảnh của bạn.

Bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô ích

Trong sách Luận ngữ có dạy: Hiếu thảo với cha mẹ là cái gốc để làm người. Trong các đức hạnh của con người thì chữ Hiếu đứng đầu.

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Ân tình của cha mẹ dành cho con cái cao hơn núi, sâu hơn biển cả, những việc con cái có thể làm để báo hiếu cha mẹ chỉ như giọt nước giữa biển khơi.

Chuyện kể rằng, một ông chủ kinh doanh thép có mẹ đã hơn 70 tuổi mắc bệnh teo não nghiêm trọng. Do tính chất công việc, ông thường phải đi công tác xa. Vắng con trai, người mẹ nếu không đánh người thì mắng nhiếc, không chịu nghe lời ai. Cực chẳng đã, ông chủ đành phải đưa mẹ già theo bên mình. Kể cả khi leo cầu thang đến gặp khách, ông sẽ cõng mẹ trên lưng leo lên.

Chứng kiến hành động hiếu thảo của ông, khách hàng vô cùng cảm động. Họ thấy rằng chỉ dựa vào tấm lòng hiếu thuận của ông cũng đủ để họ kết giao làm ăn. Chính vì thế, chuyện làm ăn của ông ngày càng thuận lợi.

Câu chuyện hiếu thảo của Vương Tường sống vào thời nhà Tấn cũng đáng để suy ngẫm. Mẹ của Vương Tường mất sớm, cha lấy mẹ kế. Người mẹ kế này rất ghét Vương Tường. Dẫu vậy, Vương Tường tuy chỉ là đứa trẻ nhưng không oán trách mẹ kế, lại vẫn luôn quan tâm đến mẹ. 

Một hôm trời đông giá tuyết, mẹ kế lại muốn ăn cá chép. Vương Tường ra tới dòng sông băng mà không biết làm cách nào để băng tan, bắt cá về cho mẹ. Cậu bèn nằm lưng trần trên tảng băng mong cho băng tan. Không ngờ rằng tảng băng nứt ra, và hai con cá chép nhảy ra khỏi hố nứt. Vậy là Vương Tường mang được cá về cho mẹ.

Lòng hiếu thảo của Vương Tường đã khiến người đời sau cảm động mà ghi lại câu chuyện “Nằm trên băng chờ cá chép” trong “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu thảo của Trung Hoa thời xưa).

Trong cuộc sống, người hiếu thuận luôn tích cực, có ý chí mạnh mẽ. Vì để có thể báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, họ sẽ biến tình yêu dành cho cha mẹ thành động lực tiến về phía trước.

Cố nhân dạy: Thái độ đối đãi với cha mẹ của một người ẩn chứa tính cách chân thực nhất của họ. Người hiếu thuận, tất bản chất lương thiện, tất sẽ được thần phật độ trì, trời thương trời để phúc cho.

Con người dù thành đạt giỏi giang đến đâu, đạt nhiều kỳ tích như thế nào nhưng nếu bất hiếu với cha mẹ thì mọi thành công đều trở nên vô nghĩa. Một người nếu không đối xử tốt được với bậc sinh thành thì tất sự thành kính với Thần đều là giả dối.

Xem thêm: Khéo quá hóa dở, khôn lỏi sao sánh bằng chân thành: Đó mới là cách đối nhân xử thế của người khôn ngoan