28 ân đức và lợi ích của thiền theo lời Phật
Thiền có ân đức thế nào mà các Đức Phật trong quá khứ cũng như Đức Phật Thích Ca đều tỏ lòng tri ân lớn như thế? Chúng ta cùng đọc 28 ân đức của thiền theo lời Phật và hướng dẫn thiền đúng cách trong bài viết dưới đây.
Thiền là gì?
Thiền là một phương pháp đưa đến định tâm, điều phục tâm mình. “Thiền” trong danh từ chỉ pháp môn thiền; còn “thiền” trong động từ chính là sự thực tập thiền.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thiền là một phương pháp làm cho tâm chúng ta an định. Tâm chúng ta hàng ngày rất phức tạp, rối ren. Thiền chính là phương pháp để đưa tâm chúng ta an định lại. “An” nghĩa là không nguy hiểm, “định” nghĩa là yên. Thiền là phương pháp để đưa tâm chúng ta trở về an định hay còn gọi là quản trị tâm mình. Hiểu một cách khác thiền là quay về tập làm chủ tâm của chúng ta”.
Trong nhà thiền có câu “Tâm an định thì trí sáng tỏ”. Thiền giúp tăng khả năng tập trung, tĩnh tâm, tăng sự kiên nhẫn để tâm được an định, bớt đau khổ, phiền não. Từ đó tập trung làm việc, hoạt động hiệu quả, giải quyết mọi thứ nhanh chóng và chuẩn xác, đạt được nhiều thành tựu.
Đặc biệt với học sinh, sinh viên, thiền giúp giải tỏa căng thẳng học hành, nâng cao trí tưởng tượng, sáng tạo và tiếp thu thông tin nhanh hơn. Trong buổi giao lưu với các bạn khóa sinh, sư phụ chia sẻ: “Thiền vô cùng lợi ích trong học tập, nhất là việc ghi nhớ và sáng tạo. Cho nên các thiền sư họ rất sáng tạo, các con muốn học giỏi, thông minh và sáng tạo thì cũng nên thực tập thiền”.
28 ân đức của thiền theo lời Đức Phật
Trong cuộc tranh luận giữa đức vua Mi-lan-đà và Đại đức Na-tiên, vua Mi-lan-đà có đặt nghi vấn về việc Đức Phật ngồi thiền dưới cội cây Bồ Đề khi Ngài thành đạo. Đức vua đưa ra lý lẽ người ta thường cho rằng người không đau thì không cần thuốc, người không đói thì không cần ăn cơm. Đức Phật đã thành đạo, thành tựu trọn vẹn và viên mãn tất cả mọi công hạnh, đã hoàn tất mọi phận sự trên đời này, nhưng Ngài vẫn nhập thiền, Ngài vẫn tu tập, vẫn huấn luyện mình thì có kỳ dị hay không?
Sau đó, Đại đức Na-tiên khẳng định với đức vua rằng, không chỉ có Đức Phật Thích Ca mà các vị Phật trong quá khứ, sau khi chứng ngộ đạo quả, các Ngài cũng nhập thiền như thế. Đại đức khẳng định: “...Trong khi nhập thiền, các ngài không tu tập, hoặc huấn luyện gì đâu! Các ngài nghĩ tưởng đến ân đức vô cùng cao thượng của thiền nên các ngài trú thiền để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả…”. 28 ân đức của thiền theo Đại đức Na-tiên, đó là:
1. Một là bảo vệ, giữ gìn thân thể được khang kiện
2. Hai là công năng tăng tuổi thọ
Sư Phụ giảng giải: “Thiền giúp cho chúng ta kéo dài được tuổi thọ, tức là giúp cho các tế bào trong cơ thể được trẻ, được sống lâu, được đổi mới, đấy là kéo dài tuổi thọ”. Bên cạnh đó, Sư Phụ giải thích, thiền chỉ giúp kéo dài tuổi thọ trong trường hợp không do ngoại cảnh tác động như tai nạn, bị hãm hại. Ví như chúng ta sống tự nhiên được khoảng 60 tuổi, nhưng nhờ biết tu tập thiền thì sống được 80 tuổi, 90 tuổi.
3. Ba là tăng sức mạnh
Sư Phụ giảng giải: “Ở Nhật Bản, họ ứng dụng thiền trong các công việc, trong các công sở, công chức; thiền giúp chúng ta tăng sức mạnh, gom được năng lực làm cho mình tăng sức mạnh”.
4. Bốn là đóng hẳn tội lỗi
Thế nào là giúp đóng hẳn tội lỗi? Sư Phụ giải thích: “Nhờ công năng của thiền giúp chúng ta đóng cửa được các tội lỗi, vì khi chúng ta thiền được rồi thì tâm không vọng động. Chúng ta sở dĩ tạo tội lỗi do không làm chủ được tâm, tâm vọng động, tâm dẫn dắt chúng ta tạo tội lỗi”. Để giúp đại chúng hiểu thêm, Sư Phụ cũng lấy ví dụ, khi có người mắng mình, chửi mình, nếu biết thiền thì tâm chúng ta sẽ quay trở về an định và an nhiên vượt qua; ngược lại nếu không vượt qua được thì tâm chúng ta sân giận rồi đánh, giết người, tạo tội lỗi.
5. Năm là không cho mất danh dự, danh vọng
Với công năng thứ năm của thiền, Sư Phụ giảng giải: “Phước lạc của thiền là giữ gìn danh dự, danh vọng cho chúng ta vì chúng ta không phạm vào các tội lỗi cho nên danh dự, danh vọng được giữ gìn”.
6. Sáu là đem lại danh dự, danh vọng
Sư Phụ chia sẻ: “Nhờ thiền mà chúng ta trở nên chín chắn, sáng suốt; đem lại danh dự, mọi người yêu kính, tin quý mình. Những ai tâm hiếu động, lăng xăng người ấy thường khó làm việc lớn, tâm xao động nhiều quá, lao chao, vụt chạc là tâm không có thiền, tâm không an định nên không có thành tựu, người ấy không đạt được danh dự, không đạt được sự quý kính của mọi người”.
7. Bảy là làm cho tiêu mất sự “không hoan hỷ”
Sư Phụ lý giải: “Thiền tiêu hủy sự không hoan hỷ, không hoan hỷ tức là buồn chán. Ai tâm đang buồn, chán nản mà biết thiền một thời, giúp lấy lại năng lượng cho chúng ta, giúp chúng ta diệt cái không hoan hỷ, diệt cái buồn”.
8. Tám là làm cho phát sinh sự hoan hỷ
Sư Phụ giải thích: “Sau một thời thiền, tâm chúng ta được tĩnh lại, vui vẻ đối trước nghịch cảnh, tự nhiên mình tự tại, thanh thản hơn”.
9. Chín là dứt hẳn sự sợ hãi
Ân đức thứ chín, Sư Phụ giảng giải: “Nếu biết thiền đầy đủ thì dứt trừ cho chúng ta sự sợ hãi. Sợ hãi là gì? Sợ hãi chính là tâm dao động của chúng ta. Ví dụ buổi đêm chúng ta nhìn thấy cái bóng lờ mờ, thế là tâm hốt hoảng, bên trong tim đập thình thịch, đấy là sợ. Nếu tim không đập thình thịch thì tự nhiên mình không sợ. Chúng ta thấy, hốt hoảng bên trong tâm khiến cho tim mình đập thình thịch, hoảng hốt. Còn người mà điều phục được rồi thì tim bình ổn, không hoảng hốt thì không sợ hãi”.
10. Mười là tăng lòng dũng cảm
11. Mười một là dứt trừ lười biếng
12. Mười hai, phát sanh tinh tấn
13. Mười ba, dứt trừ tham luyến
Sư Phụ giải thích rằng, người tu thiền đến mức vào được định thì sẽ đoạn trừ được tham luyến.
14. Mười bốn, dứt trừ sân hận
15. Mười lăm, dứt trừ si mê
16. Mười sáu, dứt trừ ngã chấp
17. Mười bảy, dứt trừ suy nghĩ
18. Mười tám, làm cho tâm nhứt hành (định)
19. Mười chín, làm cho tâm ưa thích ở nơi thanh vắng
Sư Phụ lý giải, thiền giúp cho tâm không ưa thích những nơi ồn ào, huyên náo, giúp cho mình thường ưu thích ở chỗ thanh vắng.
20. Hai mươi, làm cho phát sanh sự tươi vui
Sư Phụ dẫn lời Hòa thượng Tuyên Hóa, Ngài nói rằng: Người vào được Sơ thiền thì rất hoan hỷ, đến sợi lông chân cũng cảm thấy vui tươi, hoan hỷ.
21. Hai mươi mốt, phát sanh phỉ lạc
22. Hai mươi hai, làm tăng thêm sự tôn kính
23. Hai mươi ba, làm cho phát sinh lợi lộc (lợi lộc phát sanh quả)
24. Hai mươi bốn, làm cho vừa lòng
25. Hai mươi lăm, giữ gìn đức nhẫn nhục
26. Hai mươi sáu, dứt hẳn lậu hoặc hữu vi
27. Hai mươi bảy, không cho tạo nhân tái sanh trong tam giới
28. Hai mươi tám, được kết quả của Sa-môn
Ân đức cuối cùng của thiền là được kết quả của Sa-môn. Sư Phụ giải thích: “Các Thầy đi xuất gia tu hành, phải nhờ thiền giúp cho chứng được Thánh quả. Đấy là mục tiêu tối hậu của Sa-môn, của người xuất gia vào được dòng Thánh, chứng được Thánh quả”.
Sau khi giảng giải về 28 ân đức của thiền, Sư Phụ chia sẻ: “Phát minh ra Thiền thật sự là phát minh đặc biệt của nhân loại. Thiền không thuộc về tôn giáo nào. Trước Đức Phật thì đã có Thiền rồi. Các ngoại đạo, các tôn giáo, họ cũng tu tập thiền nhưng thiền của họ không dẫn đến diệt trừ lậu hoặc, đạt được giác ngộ. Nhưng sau này, khi Đức Phật Thích Ca tu tập thì Ngài khám phá ra được Thiền định của Phật giáo. Trước đó, người ta đã đi tìm những cách để an định tâm, để trú tâm nhưng đến Đức Phật Thích Ca thì thiền được đẩy lên, đưa vào đúng con đường, đúng phương pháp và đạt được giác ngộ, dứt trừ được vô minh”.
Qua lời chỉ dạy của bậc A-la-hán Đại đức Na-tiên cùng lời giảng giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chúng ta thấy rằng, thiền không những mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về sức khỏe, nuôi dưỡng và hoàn thiện những hạt giống tốt đẹp mà còn giúp gạn lọc những hạt giống xấu, tăng trưởng sức mạnh, an vui, phỉ lạc. Mong rằng, qua bài viết này, quý Phật tử sẽ hiểu về ân đức rộng lớn của thiền từ đó ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày để đạt được nhiều lợi ích tốt đẹp.
Hướng dẫn cách ngồi thiền đúng nhất
Ngồi thiền không khó nhưng nếu không được dạy bài bản thì rất dễ ngồi thiền sai. Ngồi thiền sai không những không mang lại sức khỏe mà còn có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người thực tập. Dưới đây là hướng dẫn các bước ngồi thiền cơ bản:
Bước 1: Chuẩn bị ngồi thiền
Trang phục: Chúng ta nên mặc những trang phục thoải mái, mát mẻ, không gây nóng vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông; cũng như có sự co giãn hợp lý để có thể tiến hành các tư thế ngồi thật thoải mái.
Ngoài ra, tháo bỏ đồng hồ để mạch máu lưu thông, tắt chuông điện thoại để tập trung vào việc thực tập thiền.
Dụng cụ tọa thiền vững chắc, dễ chịu gồm có:
- 1 bồ đoàn tròn đường kính 20-25cm, cao khoảng 10 cm.
- 1 tọa cụ vuông rộng khoảng 80cm để trải dưới, bồ đoàn để ở trên.
- 1 khăn mặt hoặc gối nhỏ dùng để chêm bên lòng bàn chân trũng.
Bước 2: Vị trí và thời gian ngồi thiền
Chúng ta có thể thiền ở bất cứ lúc nào và ở đâu: sau giờ làm việc căng thẳng, trong lúc rảnh rỗi vì thiền thực chất là bài tập cho tâm trí được thoải mái. Chúng ta có thể thiền trên bãi cỏ, sàn nhà, trên ghế hoặc trên giường. Trước khi bắt đầu ngồi thiền, chúng ta nên đặt báo thức. Do khi mới bắt đầu ngồi thiền, chúng ta thường cảm thấy thời gian trôi lâu hơn, đặt báo thức giúp mình không phải liên tục nhớ về thời gian; tránh việc mất tập trung. Với người mới thực hành nên thiền trong 10 phút, khi đã quen dần thì có thể tăng lên 15 – 20 phút mỗi ngày. Thiền trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy buổi sáng cũng là một lựa chọn rất tuyệt vời.
Bước 3: Tư thế ngồi thiền
Có hai tư thế ngồi thiền là tư thế bán già và tư thế kiết già.
Tư thế bán già: Ngồi gác chân nọ lên chân kia. Cụ thể là lấy bàn chân trái gác lên chân phải hoặc ngược lại.
Tư thế kiết già hay còn gọi là toàn già: Để ngồi được kiết già đúng cách, ban đầu chúng ta ngồi khoanh chân tự nhiên, dùng hai tay nắm bàn chân phải từ từ gấp lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp, dùng tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.
Hai tư thế này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì luyện tập, để có thể thực hiện được một cách thuần thục, đặc biệt là tư thế kiết già.
Ba giai đoạn trong một buổi ngồi thiền
Giai đoạn nhập thiền
Trước khi vào ngồi thiền, chúng ta khởi động các khớp từ đầu cho đến chân sao cho các khớp xương và cơ được giãn ra, thoải mái. Chú ý khởi động kỹ đến khớp chân, khớp háng, đầu gối và cổ chân.
Xác định mình sẽ ngồi theo tư thế bán già hay kiết già phù hợp với khả năng của mình.
Chúng ta trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn, vặn người nhẹ nhàng rồi vắt chân lên ngồi.
Tiếp đó, đặt bàn tay phải để lên bàn tay trái. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân. Những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái vừa chạm nhau còn được gọi là bắt ấn Tam muội. Nếu lòng bàn chân bên nào trũng thì dùng khăn chêm vào cho bằng.
Lưng ngồi thẳng, ngay ngắn vừa phải. Đầu không ngửa về sau, không cúi xuống quá, mắt nhìn xuống, tầm nhìn từ 1m đổ lại. Mắt hơi khép, mở khoảng 1/3 mắt. Để đầu lưỡi hơi chạm hàm trên.
Dùng mũi hít thở 3 hơi thật sâu đều đều nhẹ nhàng. Khi hít vào quán tưởng “Mình đang hít không khí trong sạch đi vào lan tỏa khắp toàn thân”. Sau đó thở ra bằng miệng nhẹ nhàng, quán tưởng “Những khí độc, bệnh tật, phiền não trong cơ thể đi ra ngoài”.
Giai đoạn trụ thiền
Phương pháp số 1: Thiền sổ tức (đếm hơi thở)
Đây là phương pháp dành cho những người mới sơ cơ bước đầu thực tập thiền. Đầu tiên chúng ta tập trung vào
đếm hơi thở. Thở tự nhiên bằng mũi. Theo dõi hơi thở vào hơi thở ra và đếm từ 1 đến 10. Kết thúc hơi thở vào và thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một.
Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ một đến mười giữa chừng quên hoặc bị lộn số, chúng ta bắt đầu trở lại từ một.
Sư Phụ dạy người sơ cơ học thiền phải kiên trì thực hành giai đoạn thiền này. Người nào chăm chỉ thực hành giai đoạn sổ tức thì sẽ dễ an định hơn.Khi đã thực tập phương pháp sổ tức thuần thục, không bị quên, nhầm lẫn, đếm rõ ràng từng số, từng hơi thở thì chuyển sang giai đoạn “tùy tức”.
Phương pháp số 2: Thiền tùy tức (theo dõi hơi thở)
Phương pháp thiền tùy tức là phương pháp theo dõi hơi thở. “Tùy” là theo, “tức” là hơi thở. “Tùy tức” là theo dõi hơi thở. Ở giai đoạn này chúng ta không đếm hơi thở, mà chuyển qua theo dõi từng hơi thở một; hít vào thở ra nhẹ nhàng không có sự cố gắng dùng lực. Hít và thở tới đâu biết tới đó, hơi thở ra đến đâu cũng đều biết rõ.
Sư Phụ chỉ dạy, nếu kiên trì công phu giai đoạn thiền tùy tức sẽ thấy tâm trong sáng, tĩnh lặng.
Phương pháp số 3: Thiền tri vọng (theo dõi vọng tưởng)
Khi đã theo dõi hơi thở ra vào tốt, chúng ta chuyển sang phương pháp theo dõi tâm mình, gọi là tri vọng. Khi xoay lại và theo dõi tâm chúng ta sẽ thấy những vấn đề đang xảy ra trong tâm. Tâm mình nghĩ đến việc này việc kia, những hình ảnh như đang nhảy múa, những tưởng tượng, ảo tưởng, âm thanh vọng tới. Đó chính là vọng tưởng và chúng ta nên cố gắng nhận thức, biết rõ từng vọng tưởng đó.
Sư Phụ dạy khi có vọng khởi lên chúng ta biết là vọng và không theo vọng tưởng đó, cứ thế cho đến khi vọng tưởng bớt dần.
Giai đoạn xả thiền
Mục đích của xả thiền là để cơ thể hết tê mỏi, khí huyết lưu thông bình thường. Trước khi xả thiền, ta hít một hơi dài và sâu rồi thở ra bằng miệng như vậy 3 lần. Nên xả thiền theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, cử động toàn thân nhẹ nhàng trước, rồi cử động hai bả vai lên xuống.
Chúng ta cúi xuống, ngước lên, xoay sang hai bên, sau đó xòe nắm hai bàn tay. Chà xát hai bàn tay vào nhau tạo sức nóng rồi xoa lên trán, hai mắt rồi toàn bộ khuôn mặt.
Chúng ta xoa mặt, xoa hai lỗ tai, xoa đầu, xoa gáy, xoa cổ. Bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay, tay trái xoa từ nách xuống bên hông, hai tay kết hợp xoa một lượt rồi đổi bên.
Tiếp sau, lòng bàn tay phải đặt lên ngực, tay trái trên lưng, hai tay kết hợp xoa một lượt (xoa ngang) tại 3 điểm: ngực, bụng, bụng dưới. Hai tay xoa thắt lưng, hông, đùi.
Bây giờ, chúng ta có thể thả lỏng chân: một tay nắm đầu các ngón, một tay đỡ cổ chân từ từ đặt xuống rồi dùng hai bàn tay cùng xoa mạnh từ đùi đến bàn chân.
Chà nóng gan bàn chân, chúng ta đổi chân làm xong thì duỗi thẳng cả hai chân rồi rướn người về phía trước, các ngón tay vừa chạm các ngón chân. Lúc này chúng ta có thể rời khỏi bồ đoàn hoặc gối, ngồi lặng yên vài phút trước khi đứng dậy.
Lưu ý thời gian xả thiền cũng tùy theo thời gian ngồi thiền, ngồi càng lâu thì khi xả thiền cần phải xoa bóp kỹ, giúp các mạch máu được lưu thông, gân cốt mềm dẻo.
Xem thêm: Luận giải về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận