Tại sao người dân hay niệm ‘Nam mô a di đà Phật’ khi cúng bái?
Khi đứng trước bàn thờ tổ thiên hay đền, đình, miếu nhiều người Việt không ai là không đứng chắp tay niệm Nam Mô A Di Đà Phật? Để giải đáp thắc mắc này chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Tại sao lại niệm Nam Mô A Di Đà Phật?
A-di-đà là phiên âm chữ Amita, tiếng Sanskrit, dạng viết tắt của hai chữ Amitàbha có nghĩa là “Vô Lượng Quang” – “ánh sáng vô lượng” và Amitàyus có nghĩa là “Vô Lượng Thọ” – “thọ mệnh vô lượng”. Ðây là tên một vị Phật quan trọng được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, tiếng Sanskrit là Sukhàvati, và được nhân gian tin thờ sớm nhất trong lịch sử Phật giáo, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.
Phật tử theo Tịnh-Ðộ tông đã tin thờ lan rộng nước Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, coi Ðức A-di-đà là biểu tượng cho Từ Bi và Trí Huệ. Người tu Tịnh-Ðộ tông thường thờ tượng A-di-đà Tam Tôn, ở giữa là Phật Di Ðà, bên phải là Ðại Thế Chí Bồ Tát, bên trái là Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam-mô A-di-đà Phật! Sáu chữ Hồng Danh xưng niệm Phật hiệu đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc và phổ biến rất rộng rãi trong giới Phật tử xuất gia cũng như cư sĩ tại gia. Mức độ thông dụng trong sinh hoạt hàng ngày chứng tỏ lòng tín niệm của Phật tử thể hiện ở câu chào khi gặp nhau gồm có bốn chữ A-di-đà Phật!.
Niệm Nam Mô A Di Đà Phật có tác dụng gì?
Trần gian là cõi tạm, con người đến và đi tất cả đều vô thường, kể cả những thống khổ vô cùng vô tận. Tuy nhiên, hầu như chúng ta đều tham luyến những phút giây được trụ lại cõi hồng trần này.
Để dứt những phiền não vẫn luôn đeo bám chúng ta hằng ngày, hãy dựa vào đức tin của bản thân. Niệm Nam Mô A Di Đà Phật, để sự bình an nhẹ nhõm rót vào tâm hồn của chúng ta, dìu chúng ta bước qua những đen tối của cuộc đời.
Chúng ta thường nghe nói đến tâm bệnh, đây là căn bệnh không có thuốc chữa ngoại trừ chính bản thân chúng ta. Người hay lo lắng, bàng hoàng, sợ hãi, uất hận nhiều,... đều dẫn đến tình trạng ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, lâu ngày sinh bệnh hiểm nguy. Lúc này hãy niệm Phật A Di Đà thật nhiều, thân tâm sẽ trở nên ngày càng nhẹ nhõm.
Niệm Phật chính là học theo đức hạnh của Ngài, lấy từ bi hỷ xả là gốc trong đối nhân xử thế, chắc chắn mọi điều dữ cũng hóa lành. Khi trong ta có từ bi, cũng sẽ sống một cuộc đời thanh tao, nhẹ nhõm.
Ý nghĩa của việc chắp tay khấn
Vào chùa, bạn thấy có nhiều người chắp tay bái lậy và cầu nguyện, một hình ảnh rất chi quen thuộc, nhưng để hiểu ý nghĩa rõ ràng của hành động này thì không hề đơn giản.
Tư thế chắp tay này gọi là Añjali Mudrā, có trong rất nhiều tín ngưỡng của Ấn Độ và trong Phật giáo thể hiện sự tôn kính và cũng có ý nghĩa chào hỏi một cách tôn kính trước Phật. Chắp tay là một trong những ấn tướng quan trọng của Phật giáo. Chấp tay được biểu hiện bằng hình thức là, hai bàn tay úp vào nhau, các ngón tay khít lại, lòng bàn tay rỗng không, trông như hình chiếc búp sen sắp nở.
Theo tinh thần Phật giáo, hai bàn tay chắp lại trước ngực biểu thị lòng tôn kính, sự tập trung tư tưởng, thiền định, nhất tâm, tán dương và ca ngợi. Đồng thời, kế thừa và phát triển tư tưởng truyền thống, Phật giáo cho rằng, chắp tay có ý nghĩa dung hợp các phạm trù đối lập, biểu thị thật tướng của vũ trụ vạn pháp, tìm về với bản nguyên chân diện mục của pháp giới.
Trong đời sống tu hành hằng ngày của những người con Phật, những tín đồ Phật tử, khi gặp nhau họ cũng chắp tay chào hỏi nhau. Ngoài những ý nghĩa kinh điển như đã nói ở trên, hành động đó còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn khác.
Người đối diện mình đây có thể là một con người bình thường, hay một vị tu hành mật hạnh, một vị Thánh Tăng cao đạo, hay biết đâu là một vị Bồ tát thị hiện, nên chắp tay xá chào người là hành động không chỉ thể hiện sự khiêm từ, kiệm đức, mà còn là sự cung kính trước một chủng tử Bồ Đề, một hiện thân của chư Phật, một con người có hạt giống tâm thiện lành có thể sẽ thành Phật trong kiếp vị lai.Với những người sơ cơ trên đường Đạo, thì chắp tay chào hỏi còn mang ý nghĩa khuyến tấn, thức tỉnh “búp sen xin tặng người, một vi Phật tương lai”. Như vậy, ngoài ý nghĩa kiết ấn, hiệp chưởng còn mang nét đẹp văn hóa sâu sắc, đặc thù của Phật giáo.
Muốn thân tịnh tâm an hãy "khắc cốt ghi tâm" 25 lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận