Mùa hè dễ cháy, làm sao để phòng chống hỏa hoạn trong gia đình?
Mùa hè là thời điểm dễ xảy ra sự cố cháy nổ, do đó, mỗi gia đình chúng ta cần chuẩn bị tốt công tác chống hỏa hoạn để phòng tránh các nguy cơ gây thiệt hại về người và của trong mùa nắng nóng. Vậy, cần làm gì để phòng chống hỏa hoạn hiệu quả?
Mùa hè là thời điểm mà các vụ hỏa hoạn thường xuyên xảy ra nhất. Điều này còn đặc biệt nguy hiểm khi đây cũng là thời điểm trẻ em thường xuyên ở nhà.
Các cụ thường có câu phòng còn hơn chống, do đó, việc phòng chống hỏa hoạn tại các hộ gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp hạn chế cháy nổ, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người và hạn chế sự cố xảy ra.
Vậy đâu là cách chống hỏa hoạn hiệu quả cho mùa hè năm nay?
Có thể khẳng định việc chống hỏa hoạn là điều không hề khó, điều chúng ta cần ở đây chính là sự cần thận trong lắp đặt và sắp xếp các thiết bị, phương tiện trong gia đình với những lưu ý dưới đây:
1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
2. Ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu ... phải kín. Không để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy.
3. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường trần, vách ngăn hạn chế cháy lan.
4. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm.
5. Phải lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung) toàn nhà, từng tầng, từng nhánh từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.
6. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải băng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn chống cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
8. Nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm như đầu báo cháy, báo khói, báo rò rỉ gas. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
9. Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy để kịp thời chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra.
10. Chọn những thiết bị điện có chất lượng và xuất xứ rõ ràng, khi sử dụng phải thường xuyên bảo dưỡng.
11. Không nên dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao.
12. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ điện để không xảy ra sự cố cháy, nổ.
13. Quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy để loại trừ nguy cơ cháy.
14. Tuyệt đối không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện khi phát hiện rò rỉ gas.
15. Khi xảy ra cháy, nổ cần cứu nạn, cứ hộ gọi ngay số điện thoại 114.
Làm thế nào để lắp đặt các thiết bị gia dụng chuẩn an toàn kỹ thuật để phòng hỏa hoạn?
Lựa chọn các thiết bị điện an toàn, đảm bảo chất lượng
Chập cháy dây điện kém chất lượng cũng là một trong những nguy cơ hàng đầu gây chập cháy từ đó dẫn tới các trận hỏa hoạn nghiêm trọng. Do đó việc đầu tư những sản phẩm dây điện, thiết bị điện an toàn là điều nên làm nhằm chống hỏa hoạn.
Theo đó, khi lắp đặt thiết bị điện trong nhà cần kiểm tra lắp đặt Aptomat hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn.
Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện để không thể xảy ra chập cháy nghiêm trọng.
Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện.
Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt…cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.
Chọn các sản phẩm bếp gas, bình gas, lò vi sóng, lò nướng an toàn
Chúng ta cần lắp đặt bếp gas đúng tiêu chuẩn an toàn, vị trí lắp đặt phải thông thoáng khí, bề mặt đặt gas nên bằng đá, xi măng, kính…
Nên chọn bình gas từ các hãng uy tín, có chữ, tem xác nhận, thân bình được dập bằng khuôn thép, vỏ được đem kiểm định cũng như thử áp lực. Chọn bình gas nguyên vẹn không rỉ sét, nước sơn còn mới, sau khi sử dụng xong nên đóng van khi không sử dụng nữa.
Những lưu ý khi hút thuốc hoặc đốt nến trong nhà
Nếu hút thuốc trong nhà, hãy đảm bảo bạn đã tắt thuốc lá đúng cách, đúng chỗ. Cần chú ý luôn dụi tàn thuốc và vứt chúng thật cẩn thận để lửa không thể bén sang các vật liệu dễ cháy xung quanh và chống hỏa hoạn xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu bạn có sở thích sử dụng nến thơm cho không gian thêm thư giãn, hãy đảm bảo chúng được đặt ở trong các đế cứng, ổn định và tránh xa rèm cửa hoặc những vật dụng dễ bắt cháy để ngăn chặn sự cố đáng tiếc.
Lắp chuông báo khói ở nhiều vị trí trong nhà
Việc lắp chuông báo cháy không được nhiều gia đình áp dụng, tuy nhiên, nếu có thể trang bị thiết bị này, nó sẽ giúp bạn phát hiện được đám cháy một cách kịp thời, từ đó giúp hạn chế tối đa nguy cơ cháy lớn
Phòng chống cháy nổ tại cửa hàng xăng dầu
Là địa điểm luôn chứa nhiều chất dễ cháy, các cửa hàng xăng dầu cần thường xuyên tự kiểm tra các phương tiện chữa cháy được trang bị. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên thường trực chữa cháy.
Các chủ cửa hàng cũng cần động, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC cho nhân viên làm việc tại cửa hàng tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho nhân viên cửa hàng theo quy định.
Cửa hàng xăng dầu cũng cần đặc biệt tuyệt đối các quy định đảm bảo an toàn PCCC khi xuất, nhập xăng, dầu. Niêm yết đầy đủ các biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động và niêm yết nội quy PCCC rõ ràng, nơi dễ thấy để mọi người đọc được và phải thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện nghiêm.
Phối hợp thực tập phương án chữa cháy tại các cửa hàng xăng dầu, thực hiện tốt các yêu cầu khác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khi được kiểm tra định kỳ hàng năm.
Với các thông tin tại bài viết này, Sống đẹp hy vọng bạn có thể biết được các việc cụ thể cần làm để phòng chống hỏa hoạn xảy ra trong mùa hè năm nay.
Xem thêm: Những kỹ năng giúp bảo đảm tính mạng khi nhà có cháy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận