Thứ phi Mộng Điệp và cuộc đời truân chuyên từ khi làm vợ lẽ của vua Bảo Đại
Dù được phong danh hiệu Thứ phi phương Bắc nhưng Bùi Mộng Điệp vẫn là một trong những người vợ không chính thức của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Bùi Mộng Điệp (1924–2011) là một trong những người vợ không chính thức của vua Bảo Đại. Mặc dù, vua Bảo Đại đã thoái vị nhưng bà vẫn được gọi với danh hiệu là “thứ phi phương Bắc”.
Bà thứ phi Bùi Mộng Điệp sinh năm 1924 tại tỉnh Bắc Ninh. Bà xuất thân trong một gia đình bình thường có cha làm trong ngành đường sắt. Từ nhỏ bà sống chủ yếu cùng bà nội, rồi sau đó được một người bác ruột ở Hà Nội đón lên nuôi dưỡng và cho ăn học.
Bảo Đại được mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Vào tháng 9 năm 1945, tại sân tennis, vua đã gặp được Mộng Điệp và hai người đã nảy sinh tình cảm. Ngay buổi tối hôm đó, Bảo Đại đã đến nhà của bà Mộng Điệp và hai người dọn về sống chung tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, trong thời gian này, Bảo Đại cũng qua lại với hoa khôi Lý Lệ Hà và ông xem Mộng Điệp là “thứ phi” phương Bắc.
Khác với người tình Lý Lệ Hà, Mộng Điệp không theo Cựu hoàng về Thanh Hoá. Nhưng sau đó bà lại lặn lội sang Hồng Kông khi ông lưu trú ở đây và còn mang thêm tiền cho ông tiêu xài. Năm 1946, bà sinh ra Hoàng nữ Nguyễn Phúc Phương Thảo.
Vào năm 1948, Bảo Đại quay trở lại cộng tác với Pháp, làm Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Năm 1949, ông tậu cho bà một tòa nhà riêng gần biệt điện của ông tại Đà Lạt. Năm 1950, Bảo Đại lập Hoàng triều Cương thổ trên phần đất Tây Nguyên của Việt Nam. Ông đã cử bà lên Buôn Mê Thuột để giúp giữ đất Hoàng triều Cương thổ.Trong thời gian này, bà thứ phi Mộng Điệp đã đứng sắp xếp và chăm lo cho cuộc sống của cựu hoàng.
Mộng Điệp còn có tài lái xe, cưỡi voi rất giỏi và bà sống rất được lòng mọi người, nhất là Đức Từ Cung luôn cưu mang bà”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh.Khi tháp tùng Cựu hoàng sang Pháp, bà cũng tậu một biệt thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia.
Nơi miền đất xa lạ này, bà đã sinh hai người con trai cho Bảo Đại, đặt tên là Bảo Hoàng (sinh được một năm thì mất) và Bảo Sơn. Bảo Sơn tốt nghiệp các trường hàng đầu kỹ thuật của Pháp nhưng vào năm 1987 một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khi anh mới ngoài 30 tuổi. Còn con gái Phương Thảo thì bị bệnh tim, suýt chết nhiều lần.
Cuối năm 1955, cựu hoàng Bảo Đại bị truất phế ngôi Quốc trưởng, từ đó ông bị ‘sốc’ không muốn tin ai và không muốn tiếp xúc với ai. Bảo Đại bảo bà Mộng Ðiệp đưa tiền rồi đeo cái túi xách lên vai đi 3, 4 ngày, có khi đi cả tuần đến khi đau ốm hoặc hết tiền mới trở về. Nhưng khi hết bệnh ông lại đi tiếp và trả lời rằng mình chỉ đi loanh quanh đây thôi. Có khi bà Mộng Ðiệp phải bảo Hoàng tử Bảo Sơn và anh Jean Bui (con riêng của bà với ông Bác sĩ Phạm Văn Phán, cũng là con đỡ đầu của Bảo Đại) theo dõi cựu hoàng, điều này đã khiến ông giận bà suốt hai tuần liền.
Thứ phi Mộng Ðiệp nói với Bảo n: “Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời năm 1963, ở Chabrignac, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!”
Trong những năm tháng cuối cuộc đời, bà Mộng Điệp sống trong cô quạnh. Bà trở nên sống khép kín và thu mình trong không gian nhỏ của ngôi nhà ở Paris sau cái chết đột ngột của người con trai thứ hai. Trong phòng khách của bà ở quận 12 Paris lúc nào cũng được trang trí một bức tranh lớn do họa sĩ người Pháp vẽ vua Bảo Đại khi ông mới lên ngôi cùng nhiều đồ cổ của nhà Nguyễn. Trên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí trung tâm, bà dành thờ bà Từ Cung, cựu hoàng Bảo Đại và hai người con trai của mình.
Xem thêm: 5 mỹ nhân tuyệt sắc là tình địch của Nam Phương Hoàng Hậu và những bí ẩn lịch sử ít người biết đến
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận