Nương pháo là gì và vì sao nương pháo bị cấm ở Trung Quốc?
Dại gần đây, cụm từ "nương pháo" đang trở nên vô cùng hot ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Vậy "nương pháo" là gì và vì sao "nương pháo" bị cấm ở Trung Quốc?
Nương pháo là gì?
Nương pháo chỉ một người con trai có cách cư xử, ăn nói, tính cách giống con gái, không liên quan đến ngoại hình có nữ tính hay không, cũng không liên quan đến người đó là trai thẳng hay không. Từ này phải đặt trong trường hợp cụ thể mới có thể biết nó có phải từ chửi thề hay không, cũng giống như "khùng hả" người ta dùng mãi thành quen vậy. Tuy nhiên nó không có nghĩa gì tốt đẹp cả, là một từ mang hàm ý phê phán.
Cụm từ này bắt đầu xuất phát từ bộ phim thần tượng Đài Loan "Tôi Muốn Trở Thành Trái Hồng Dòn" 2007, do nam chính lúc nào cũng nhút nhát, yếu đuối, nên nữ chính đã mắng nam chính "tại sao cậu giống nương pháo vậy?", tức có nghĩa là "tại sao cậu mềm yếu như con gái vậy?". Từ đó khán giả đã dùng cụm từ "nương pháo" để ám chỉ những nam nhân có ngoại hình "mặt hoa da phấn", tính cách mềm yếu dễ thương giống nữ nhân, dù cho họ vẫn là "trai thẳng".
Vì sao nương pháo bị cấm ở Trung Quốc?
Có thể nói hình tượng nam idol có thiên hướng "nữ tính hóa" đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Bên cạnh một bộ phận khán giả không thích điều này thì cũng có rất nhiều khán giả tỏ ra cực kỳ yêu thích hình tượng "nữ tính hóa" của idol. Họ cho rằng như vậy vừa đáng yêu, dễ thương và trở thành tiêu chuẩn của những người trẻ tuổi. Một số cái tên điển hình cho hình tượng "nương pháo" tại Trung Quốc có thể kể ra những gương mặt hết sức nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Lộc Hàm, Vương Nhất Bác, Vương Nguyên, Thái Từ Khôn, Lưu Vũ,...
Tuy nhiên, tình trạng sao nam yểu điệu thục nữ này bị cho chạm đến giới hạn, gây độc hại tới thanh thiếu niên. Chính vì điều này, ngày 2/9 vừa qua, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình lần đầu quy định chấm dứt tình trạng "nương pháo" ở làng giải trí. Theo Guangming Daily, những năm qua, hình tượng này xuất hiện nhan nhản trên phim ảnh, các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành vấn đề xã hội. Các "tiểu thịt tươi" - sao nam mặt mũi thanh tú, thích trang điểm, ăn mặc phi giới tính - trở thành thần tượng của giới trẻ, có lực lượng fan hùng hậu.
Nhằm vào thị trường kinh doanh tỷ USD từ fan, các công ty quản lý, nhà sản xuất chương trình giải trí đầu tư xây dựng và quảng bá hình ảnh cho các "tiểu thịt tươi". Nhờ chỉ số truyền thông cao, nhiều sao nam diễn xuất kém nhưng đóng chính trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình. Bất luận đề tài, nội dung phim thế nào, họ cũng được trang điểm đậm, hay làm nũng, tạo biểu cảm dễ thương, ăn mặc đẹp đẽ.
Nhiều cơ quan truyền thông cho rằng hiện trạng trên khiến khán giả khó nhận biết nhân vật là nam hay nữ. Các hình tượng anh hùng trở nên ấu trĩ qua diễn xuất của các "tiểu thịt tươi". Trong Thiên Long Bát Bộ 2021, tài tử Bạch Chú đeo hoa tai, đánh phấn tô son, hay tạo biểu cảm dễ thương, ngô nghê khi đóng Đoàn Dự. Dù trong tiểu thuyết, nhân vật được miêu tả thư sinh, học rộng, võ công cao cường.
Trên Sina, đạo diễn Phùng Tiểu Cương cho rằng quá nhiều nam diễn viên trẻ ẻo lả. "Con trai nên khỏe khoắn, mạnh mẽ còn bây giờ các anh yểu điệu thục nữ, đẹp long lanh". Theo Phùng Tiểu Cương, không hẳn bản chất các diễn viên như vậy mà công ty quản lý xây dựng hình ảnh của họ như thế. Ông chỉ trích đội ngũ quản lý tạo môi trường không lành mạnh khi luôn chỉnh sửa ảnh quá đà cho các ngôi sao. "Các chàng trai, cô gái mới vào nghề, chưa học được kỹ năng gì nhưng trình độ sửa ảnh rất thành thạo", đạo diễn nói.
Trước đây, vào giữa tháng 9 năm 2018 CCTV từng ra lệnh cấm sử dụng “nghệ nhân nương pháo” trong các chương trình tiết mục, đêm hội lớn. Tân Hoa Xã cho rằng tình trạng nương pháo ở Trung Quốc chạm đến giới hạn, không còn là thẩm mỹ mà là thói xấu. Vì lợi ích kinh tế, sao nam đua nhau tạo ngoại hình yểu điệu và được công ty tô vẽ là "dũng cảm, sống theo bản năng, dám là chính mình". Năng lực của người làm nghệ thuật không được chú trọng, thay vào đó là nhan sắc, lượng fan của họ. Không chỉ ảnh hưởng chất lượng phim ảnh, sự phát triển của ngành giải trí, rộng hơn, giới chức lo ngại xu hướng nương pháo độc hại với thanh thiếu niên, hình thành lớp trẻ mải mê vun đắp ngoại hình xinh đẹp, chạy theo thần tượng.
Nương pháo là một trong xu thế văn hóa tiêu biểu ở Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua. Theo trang 163, xu hướng này là hệ quả của phát triển kinh tế, phong trào nữ quyền cùng ảnh hưởng thẩm mỹ từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên tại 2 quốc gia này, việc nam giới nữ tính hóa không vấp phải sự phê phán đáng kể, thậm chí còn rất được ủng hộ. Lam Kiện, cựu phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã tại Tokyo cho biết Nhật Bản khá tôn trọng tính đa dạng trong cộng đồng. Mỗi người có quyền quyết định phong cách cho bản thân, miễn không gây phiền toái cho người khác.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2018, biên kịch Uông Hải Lâm cho biết: “ Ở thế giới văn hóa của cái gọi là nương pháo thì tôi cho rằng một số bộ phận nam giới gần đây đã tiếp cận rất gần với những loại thẩm mỹ bị bệnh này. Giống như Lộc Hàm vậy, tôi đã hỏi qua rất nhiều phụ nữ khác nhau, xét trên những người ở mức độ trưởng thành thì chẳng có ai là yêu thích cả, cậu ta thuộc về tiêu chuẩn của những người trẻ tuổi. Gà trống thì phải có dáng vẻ của “gà trống”, gà mái thì cũng phải có dáng vẻ của gà mái. Nếu như gà trống lại mang dáng vẻ của gà mái thì thật là loạn. Bởi vì đã phá vỡ đi quy luật của tự nhiên “.
Đông đảo khán giả ủng hộ quy định tẩy chay "nương pháo" của Tổng cục, cho biết quá ngán ngẩm khi thấy các nam nhân trên truyền hình có hành động và ngoại hình ẻo lả như nữ giới. Tuy nhiên, hàng chục nghìn ý kiến phản đối, cho rằng quy định thể hiện bất bình đẳng giới, kỳ thị giới tính. Tài tử Malaysia Thịnh Thiên Tuấn viết trên trang cá nhân: "Phê phán vẻ ngoài của người khác có khác gì phê phán màu da. Đó đều là biểu hiện của kỳ thị".
Vậy ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào?
Xem thêm: 47 cái tên trong lời khai của Ngô Diệc Phàm là những ai?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận