Mùa nồm vào tháng mấy?
Nồm ẩm là một hiện tượng thường xuyên xảy ra vào dịp đầu năm của các tỉnh miền Bắc. Vậy mùa nồm thường xảy ra vào tháng mấy? Có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và sức khỏe con người?
Nhà nồm ẩm là hiện tượng gì?
Hiện tượng sàn nhà ẩm ướt và chảy nước được dân gian gọi là "nồm". Khi nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí, mà trong không khí lại có nhiều hơi nước nên xảy ra hiện tượng Nồm.
Có thể hiểu sàn nhà khác với đất, không có khả năng hút ẩm, đồng thời lại dẫn nhiệt kém khiến lớp không khí chứa hơi nước sát về mặt bị lạnh tới điểm sương. Đây là điểm mà nhiệt độ tại đó ngưng tụ thành sương khiến sàn nhà bị đọng các giọt nước.
Nồm ẩm là một hiện tượng thời tiết thường xảy ra ở miền Bắc vào mùa xuân. Khi đó, sàn nhà, tường nhà, trần nhà của những ngôi nhà được xây sát đất thường bị ẩm ướt, chảy nước và có mùi ẩm mốc khó chịu. Thực chất đây là một hiện tượng vật lý dễ hiểu thường được làm thí nghiệm trong các sách giáo khoa Vật lý.
Khi đặt một chiếc cốc nước đá ra ngoài không khí, thành cốc sẽ có các chấm nước li ti. Điều này là do nhiệt độ thành cốc thấp hơn nhiệt độ môi trường khiến cho hơi nước trong không khí ngưng tụ lại đọng thành giọt.
Mùa nồm vào tháng mấy?
Hiện tượng mùa nồm ẩm thường diễn ra tại miền Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, có những đợt chỉ kéo dài có vài ngày, cũng có đợt kéo dài hàng tuần. Điều này còn phụ thuộc vào lượng gió Đông Bắc kéo xuống nước ta. Đặc biệt trong khoảng tháng 3 sẽ có 4-5 đợt nồm ẩm xảy ra với thời gian dài ngắn khác nhau. Điều này phụ thuộc vào gió Đông Nam do sự suy yếu của không khí lạnh.
Không khí lạnh sau khi ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ sẽ suy yếu, di chuyển dần ra biển Đông. Gió Đông Bắc khi đó chuyển dần thành gió Đông Nam. Chính gió Đông Nam này sẽ mang theo hơi ẩm từ vùng biển vịnh Bắc Bộ thổi vào đất liền các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ khi này vẫn còn lạnh do ảnh hưởng của không khí lạnh trước đó.
Nồm ẩm chỉ xảy ra ở những ngôi nhà xây sát đất, còn đối với những ngôi nhà cao tầng từ tầng 2 trở đi sàn sẽ ít bị ẩm hơn. Vì càng lên cao thì không khí chứa hơi nước càng ít đi.
Những ảnh hưởng khi trời nồm ẩm?
Ảnh hưởng đến nhà cửa
Vào mùa nồm ẩm, nhà cửa thường bị ẩm ướt hoặc có khi bị chảy nước, nấm mốc, nhất là khu vực cầu thang, nền nhà, cửa kính,... Nếu nhà của bạn không có thiết kế để chống thấm và chống ẩm ướt, trời nồm sẽ khiến tường nhà bị ẩm mốc hoặc phá vỡ sự kết dính của sơn, vữa,... khiến cho vi khuẩn nấm mốc dễ dàng phát triển. Chính vì vậy khi tường nhà bị nồm ẩm, bạn cần có cách xử lý nhanh chóng để tránh nhà cửa bị làm hỏng.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Thời tiết khó chịu khi vào mùa nồm ẩm có thể gây ra một số căn bệnh như xương khớp, tim mạch, ho, sổ mũi, đau đầu, các bệnh về đường hô hấp khác... Không khí lạnh ẩm có thể làm ảnh hưởng đến khả năng bài tiết mồ hôi, khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Từ đó gây cảm giác mệt mỏi, đau đầu, ngột ngạt. Độ ẩm tăng nhanh còn khiến các thiết bị trong nhà bếp bị ẩm mốc, khiến mọi người dễ bị nhiễm độc gây ngộ độc thực phẩm.
Xem thêm: Cách xử lý nhà nồm 2022 đơn giản, hiệu quả nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận