Xuân Quỳnh - một hồn thơ mang thiên tính nữ sâu sắc

Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu và những người yêu thơ vẫn không ngừng soi chiếu thơ ca Xuân Quỳnh, tìm ra trong đó bao vẻ đẹp của một dòng thơ mang thiên tính nữ đậm đặc...

Đỗ Thu Nga
15:00 02/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời

Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”

Nữ sĩ Xuân Quỳnh, tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh năm 1942 tại làng lụa La Khê, Hà Đông cũ. Tuổi thơ Xuân Quỳnh – như lời tự bạch – sớm gặp những thiếu thốn và mất mát lớn. Mẹ mắc bệnh lao, mất sớm; cha đi bước nữa, người vợ kế không muốn chịu cảnh mẹ kế con chồng mà buộc chồng lên Hà Nội, bỏ lại Xuân Quỳnh và chị gái Đông Mai ở quê cùng bà nội. Thi thoảng cha mới về thăm hai chị em, sau này gia đình cha lại chuyển vào Nam sinh sống, bố con bặt tin nhau tận tới lúc đất nước giải phóng...

Những nỗi niềm này ghi dấu sâu sắc vào tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ Xuân Quỳnh, để rồi sau này, những lời thơ bà cất lên dẫu luôn dào dạt thương yêu, coi yêu thương là ngọn nguồn cuộc sống, luôn canh cánh thiên chức chở che và bao dung nhưng chất chứa trong đó là những băn khoăn, âu lo và khắc khoải.

Xuất phát không phải là người theo nghiệp cầm bút, 13 tuổi, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Trung Ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Theo sau đó là những năm tháng theo Đoàn đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, chưa đầy 20, người ta thấy một cô văn công Xuân Quỳnh đầy nhiệt huyết, từng tìm lên tận những vùng cao tây bắc để sống cùng người dân và học hỏi, khai thác những điệu múa dân gian nơi này.

Thế rồi, tình yêu với thơ ca trỗi dậy, Xuân Quỳnh băn khoăn về chọn lựa của cuộc đời mình: tiếp tục đi theo nghiệp múa yên ổn chắc chắn hay rẽ sang với thơ ca đầy quyến rũ nhưng bấp bênh. Và Xuân Quỳnh – như PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ từng nhận xét: là người sống “chân thành, sống hết mình với những buồn vui, yêu ghét trong cảm xúc của mình” đã quyết định:

“Em sẽ đi, rừng thơ vẫy gọi

Dù con đường có lắm chông gai

Vì lòng em mang hoài bão ngày mai...” - Băn Khoăn (1962)

Năm 1962, Xuân Quỳnh tham gia lớp Bồi dưỡng lực lượng nhà văn trẻ do Hội nhà văn tổ chức, kéo dài hơn hai năm, tại một trại sáng tác ở Quảng Bá. Từ 1964, bà bắt đầu làm biên tập viên, đầu tiên là cho báo Văn Nghệ, sau là nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (từ 1978). Năm 1963, tập thơ đầu tay của nữ sỹ mang tên Tơ tằm – Chồi biếc (in cùng Cẩm Lai) ra mắt bạn đọc và được đánh giá cao.

Ở tập thơ này, tiếng thơ Xuân Quỳnh thể hiện ngay một tâm hồn nhạy cảm, xao động với những xáo động nhỏ nhất của thiên nhiên, đất nước và con người, của tinh thần Việt Nam thuở ấy; nên như nhà thơ Anh Thơ nhận xét: “có những bài như hô khẩu hiệu”. 1963 cũng là năm ghi dấu cuộc hôn nhân đầu tiên của nhà thơ, bà kết hôn với nhạc công violin Lưu Tuấn – cùng thuôc Đoàn ca múa nhạc Trung Ương. Tình yêu dung dị, một tâm hồn thiếu nữ mới đôi mươi còn nhiều thơ ngây và lạc quan, những bài thơ tình thời kỳ này của Xuân Quỳnh êm đềm, yên ả:

“Ai biết đâu chữ ghét

Là nhịp cầu nối duyên.” – Ghét (1962)

“Trong mưa thấp thoáng hai người

Một khung nón nhỏ che đôi mái đầu” – Mưa (1963)

xuan-quynh-mot-hon-tho-mang-thien-tinh-nu-sau-sac-0

Bài thơ nổi bật nhất thời kỳ này có thể nhắc tới “Thuyền và biển” (1963) – bài thơ mô tả phổ quát quan niệm về tình yêu rồi sau sẽ xuyên suốt đời thơ Xuân Quỳnh: tình yêu là nhựa sống đời người, là ngọn nguồn sức sống của “anh” và “em”, tình yêu là thấu hiểu và sẻ chia, dẫu cho bao sóng gió bão táp, thuyền và biển vẫn nguyện bạc đầu bên nhau bởi:

“Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố”

Năm 1968, Xuân Quỳnh đến với độc giả bằng tập thơ tiếp theo “Hoa dọc chiến hào” – sản phẩm của thời gian đi thực tế ở Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng. Tập thơ ghi lại những quan sát và nghĩ suy của nhà thơ trước cảnh đất nước bom lửa. Nhưng người nữ thi sĩ- chiến sĩ Xuân Quỳnh đâu thể thiếu tình yêu, ở tập thơ này, nhà thơ vẫn tự vấn mình bằng Sóng:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể” – Sóng (1967)

Không rõ đây là lời băn khoăn của một trái tim luôn chất vất tình yêu và khao khát đi tìm ý nghĩa đích thực của tình yêu, hay như một lời tiên tri về mối tình thời thơ ngây êm đềm cùng nhạc công Lưu Tuấn. Năm 1972, Xuân Quỳnh ly hôn, mà như sau này PGS-TS Lưu Khánh Thơ có chia sẻ trong cuốn sách viết về bà: “Xuân Quỳnh nhận thấy giữa hai người có nhiều sự chênh lệch, khác biệt quá” (Xuân Quỳnh – nghịch lý tình yêu và số phận, NXB Trẻ, 2018) – nhà thơ không tìm được đồng điệu trong tim yêu, con sông nhỏ bé không có chỗ cho sóng lớn?!

Những năm tháng trưởng thành bắt đầu in bóng lên tâm hồn thơ Xuân Quỳnh. Sau đổ vỡ hôn nhân và những xô đẩy khác của cuộc đời, Xuân Quỳnh vẫn đi tìm tình yêu nhưng nghĩ suy không còn hồn nhiên, trong trẻo nữa mà nặng dần những lo sợ, chua cay:

“Lại con đường vạt cỏ tuổi mười lăm

Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm

Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá…

Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ

Tôi thấy lòng lo sợ không đâu” – Thơ tình cho bạn trẻ

Để đến khi mối tình cùng Lưu Quang Vũ chớm nở và thăng hoa thì thơ ca Xuân Quỳnh cũng bước vào giai đoạn thăng hoa nhất, thể hiện sâu sắc nhất thiên tính nữ - người con, người vợ, người mẹ, người phụ nữ với trái tim nhiều thương yêu nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là những băn khoăn, khắc khoải hay sợ hãi – trái tim và tâm hồn một người phụ nữ Việt Nam điển hình, bước vào thơ ca với những đằm thắm và thổn thức chân thật mà bất cứ người phụ nữ nào đọc thơ bà cũng tìm được đồng cảm. Điển hình cho sáng tác thời kỳ này là các tập thơ Gió Lào cát trắng (1974), Tự Hát và Sân ga chiều em đi (1984).

Đến với nhau khi cả hai cùng đã chịu những đổ vỡ trong tình cảm và hôn nhân, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ tìm thấy ở nhau không chỉ trái tim yêu sâu đậm, trái tim biết đập vì nhau, cho nhau, mà hai người còn tìm thấy ở nhau những rung động cùng nhịp trong thơ ca. Biết bao lời thơ họ viết cho nhau:

“Trái tim em trong ngực anh rồi đó

Hãy giữ gìn cho anh

Đêm hãy mơ những giấc mơ lành

Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh” – Thư viết cho Quỳnh trên máy bay (1988)

“Anh thân yêu, người vĩ đại của em

Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối

Một chút mặn giữa đại dương vời vợi...” – Thơ vui về phái yếu (1986)

Xuân Quỳnh trở thành vợ Lưu Quang Vũ, là trở thành mẹ của ba đứa con: con riêng của mình, con riêng của chồng, con chung của hai vợ chồng, và tình cảm thì bà xẻ đều cho tất cả, không thiên vị.

“Con làm bằng yêu thương

Của cha và của mẹ

Của bà và của ông

Của má nữa - biết không?

Con làm bằng tất cả!” – Cắt nghĩa (tặng Lưu Minh Vũ – Kít)

Xuân Quỳnh có riêng một chùm tác phẩm viết về trẻ cho và viết cho trẻ con, bao gồm cả thơ như tập thơ Lời ru trên mặt đất (1978), Bầu trời trong quả trứng (1982), và truyện như tập truyện Mùa xuân trên cánh đồng (1981), Bến tàu trong thành phố (1984)... Viết cho trẻ nhỏ, lời thơ Xuân Quỳnh thủ thỉ tâm tình, gần gũi, êm ả như lời ru và ẩn bên trong luôn là những bài học làm người được truyền tải nhẹ nhàng, không giáo điều.

Nhưng, như đã nói, mất mát tuổi thơ và sóng gió cuộc sống in dấu trong tâm hồn thơ nhạy cảm của Xuân Quỳnh, nên dẫu đã tìm được tình yêu đích thực cuộc đời mình, 15 năm vợ chồng là 15 năm Xuân Quỳnh khát khao yêu thương, dâng hiến:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” – Tự hát

nhưng vẫn không ngừng khắc khoải và ám ảnh đau thương.

Xuân Quỳnh sợ tình cảm đổi thay:

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng ai có đổi thay?” – Hoa cỏ may

hay sợ bước đi của thời gian sẽ tước đi tuổi xuân người con gái:

“Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế

Chỉ em là đã khác với em xưa

Bao ngày tháng đi về trên mái tóc

Chỉ em là đã khác với em thôi” – Hoa cúc (1980)

Vụ tai nạn giao thông ngày 29 tháng 8 năm 1988 đã cướp đi một nhà thơ, nhà viết kịch lớn, được ví như Moliere của Việt Nam, cướp đi một tiếng thơ nữ riêng có trên văn đàn Việt Nam, và cướp đi cả kết quả tình yêu bất diệt của hai người.

Xuân Quỳnh ra đi khi còn quá trẻ, khi đáng lẽ bà sẽ còn mang tới cho những tâm hồn yêu thơ và đặc biệt là cho những người phụ nữ những tiếng lòng sâu sắc. Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu và những người yêu thơ vẫn không ngừng soi chiếu thơ ca Xuân Quỳnh, tìm ra trong đó bao vẻ đẹp của một dòng thơ mang thiên tính nữ đậm đặc. Nhưng như PGS-TS Lưu Khánh Thơ nói: “Khi xâu chuỗi các bài thơ của Xuân Quỳnh lại, có thể thấy tiểu sử cuộc đời của chị”, cũng ngược lại, hiểu về cuộc đời Xuân Quỳnh, ta sẽ thấu được lời thơ của bà, một trái tim yêu thương và luôn khao khát yêu thương:

“Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại” – Thơ tình cuối mùa thu

(Bài viết nhân dịp sinh nhật nhà thơ Xuân Quỳnh - 06 tháng 10, 2019)

Xem thêm: Cuộc đối thoại về nỗi nhớ trong tình yêu của Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận