Cuộc đối thoại về nỗi nhớ trong tình yêu của Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh

Trong những miên man thưởng thức những vần thơ về nỗi nhớ, người yêu thơ như có những phút xuyến xao trước những điểm giao nhau trong tâm hồn hai nhà thơ tình nổi tiếng Nguyễn Bính – Xuân Quỳnh…

Đỗ Thu Nga
10:00 12/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chẳng biết tự bao giờ mà nỗi nhớ đã đi vào trong thơ ca như một nỗi niềm sâu thẳm mà bất kỳ nhà thơ nào cũng ít nhất một lần trải qua. Đó có thể là nỗi nhớ nhà của người con gái theo chồng xa quê: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Hay một nỗi nhớ người yêu đến da diết, làm đồng vọng cả một thời quá khứ của Thúy Kiều: “Tưởng người dưới nguyện chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ”. Hay trong những ngày chiến đấu ác liệt, những chiến sĩ Tây Tiến lặng lẽ nghỉ chân bên vách đá chân đồi; phóng tầm mắt ra xa xăm, nhìn ngắm những mái nhà tranh đang chìm trong làn mưa hư ảo cùng những xuyến xao về nỗi nhớ nhà: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Nỗi nhớ luôn chất chứa những cung bậc cảm xúc độc đáo khác nhau. Đó là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ người yêu, nhớ những kỉ niệm đẹp của một thời đã xa… Và trong những miên man thưởng thức những vần thơ về nỗi nhớ, người yêu thơ như có những phút xuyến xao trước những điểm giao nhau trong tâm hồn hai nhà thơ tình nổi tiếng Nguyễn Bính – Xuân Quỳnh

“Thôn đoài ngồi nhớ thôn đông

 Một người chín nhớ mười mong một người

 Gió mưa là chuyện của trời

 Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

(Tương tư- Nguyễn Bính)

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

(Sóng - Xuân Quỳnh)

1. Điểm chạm giữa hai tâm hồn nhà thơ lãng mạn với cái tôi yêu dào dạt

Qua hai đoạn thơ, chúng ta thấy rằng cả Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh đều viết trong những thổn thức của nỗi nhớ… nỗi nhớ người yêu, nhớ hình dáng, nhớ kỉ niệm của người thương. Và trong nỗi nhớ ấy, dường như ta hiểu ra một đặc trưng rất độc đáo của tình yêu. Đó là nỗi nhớ. Có nhớ chắc chắn sẽ có yêu, tình yêu luôn làm tâm hồn con người trở nên xuyến xao và nhạy cảm với nỗi nhớ. 

cuoc-doi-thoai-ve-noi-nho-trong-tinh-yeu-cua-nguyen-binh-va-xuan-quynh-0

Đọc những câu thơ của hai nhà thơ, nhân vật trữ tình đang rung động trong những yêu nhớ đầy vơi. Họ đặt mình vào trong chiều kích không gian và thời gian cụ thể để chân thật hóa nỗi nhớ. Với Nguyễn Bính, nỗi nhớ gắn liền với không gian làng quê Việt Nam, là mưa nắng của trời, nó gắn liền với những gì mộc mạc, gần gũi nhất; đâu đâu ông cũng thấy nhớ người yêu. Đến với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ gắn liền với hình ảnh con sóng và những giấc mơ. Soi mình vào biển khơi bao la, chị thấy lòng mình như tan ra theo từng cơn sóng bể. Nỗi nhớ của sóng là hiện thân của nỗi nhớ người yêu nơi người đàn bà từng trải này. 

Đã bao giờ bạn thấy yêu ai đó đến vô cùng? Đã bao giờ bạn cảm thấy sức mạnh khủng khiếp của nỗi nhớ? Đó là nỗi nhớ da diết không câu từ nào giãi bày của Hồng Thanh Quang: “Nỗi nhớ không chép được thành lời/ Rồi sẽ cũ những vần kỉ niệm/ Kéo anh về vẫn chỉ em thôi”; là nỗi nhớ chồng đến da diết não nề như tan ra khắp cảnh vật của người chinh phụ: “Gà eo óc gáy sương năm trống/ Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”. Xuân Quỳnh hay Nguyễn Bính cũng đều bị tác động bởi nỗi nhớ, đều thể hiện sức mạnh ghê gớm của nó đến tâm hồn con người…

2. Những niềm nỗi riêng của mỗi nhà thơ

a. Với Nguyễn Bính

Nỗi thớ trong thơ Nguyễn Bính mang dáng dấp tương tư của một chàng trai quê với người con gái mình thương. Nhà thơ đã để cảnh vật quê nhà cất nên thành nỗi nhớ thầm kín. Là “thôn Đoài” nhớ “thôn Đông” hay anh nhớ em, hay tôi nhớ nàng. Có phải chăng khi người ta yêu, người ta nhớ; cảnh vật xung quanh cũng vì thế mà chộn rộn theo những yêu nhớ ấy mất rồi…

Điều đặc biệt trong nỗi nhớ của chàng trai quê ấy, ta thấy như có gì xót xa của tình cảnh xa cách. Thôn Đoài- Thôn Đông nào có liền kề nhau, cũng như anh và em, cũng như chuyện chúng mình, đang dở dang xa cách. Trong cái nhìn đầy tính nam về tình yêu của chàng trai quê Nguyễn Bính ấy, ta thấy nỗi nhớ và những xót xa lúc này đang được lồng ghép rất kín đáo, tinh tế…

Với Nguyễn Bính, nỗi nhớ hay tương tư là một lẽ tất yếu của những tâm hồn con người khi yêu. Nó bình thường như những mưa nắng của trời. Nguyễn Bính gọi đó là “bệnh”, nhưng sao ông lại tự nguyện sống cùng với căn bệnh ấy. Có lẽ nào, tương tư, nhớ nhung vừa là một đặc ân, cũng vừa là nỗi khổ đau? Cái tôi Nguyễn Bính trong câu thơ giờ đây hiện lên như một tình nhân đang đắm say trước tình yêu, vừa là một nạn nhân của nỗi nhớ… Nó giằng co tâm hồn con người như một cách thử thách độ da diết tình yêu. 

cuoc-doi-thoai-ve-noi-nho-trong-tinh-yeu-cua-nguyen-binh-va-xuan-quynh-8

b. Với Xuân Quỳnh

Tiếng thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ đang yêu, ẩn mình trong hình tượng Sóng là nhân vật Em đang vẫy vùng tận độ với tình yêu của mình. Đến với đoạn thơ này, Xuân Quỳnh đã để lòng mình tan ra theo từng cơn sóng, trong những rì rào vỗ bờ, chị nghe âm thanh của nó gần gũi với tiếng lòng đang nhung nhớ người yêu của chính mình. Không gian thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ có phần hình tượng hơn, một hình tượng vừa gần gũi, vừa xa lạ; vừa da diết mãnh liệt, vừa nhẹ nhàng bâng quơ. 

Đã nhiều lần đắm chìm trong những vần thơ tình Xuân Quỳnh, trong tất cả những đắm say ấy, có một sự thật rằng Xuân Quỳnh là người sống thật. Chị thành thật với tất cả những rung động, chị chân thật với tất cả những xúc cảm sâu kín trong lòng mình. Đến đoạn thơ vừa rồi, tôi lại càng tin vào điều ấy. Xuân Quỳnh đã sống thật với nỗi nhớ da diết, mãnh liệt của mình. Những câu thơ đã vượt lên trên tất cả những ý ‎ nhị bình thường của người con gái trong tình yêu để sống đúng với tình yêu và nỗi nhớ da diết của mình.

Em nhớ anh không chỉ trong những giờ phút ban ngày, em còn nhớ anh ngay cả trong tiềm thức. Những giấc mơ, những khoảng không vô thức đã trở thành thước đo cho nỗi nhớ của Xuân Quỳnh. “Cả trong mơ còn thức”- còn yêu, còn nhớ là em còn thức, còn được sống trọn vẹn với cuộc đời. Những câu thơ trở nên bồi hồi, thiết tha hơn bởi nỗi nhớ có phần nghịch lí. Những con sóng vỗ bờ, đó là chuyện của tự nhiên. Xuân Quỳnh cũng mượn lẽ thường của trời đất như Nguyễn Bính để lí giải nỗi nhớ trong tình yêu của chính mình. Đó là nỗi nhớ của một tâm hồn nữ đang yêu, là nỗi nhớ của một người đàn bà từng trải với năng lực yêu vô hạn, là nỗi nhớ của một tâm hồn nữ làm thơ… 

3. Nhận xét 

Với Nguyễn Bính, nỗi nhớ là xúc cảm bao trùm cả bài thơ. Với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ là một lát cắt nhỏ trong tình yêu, là một đoạn nhỏ trong bài. Đến với Nguyễn Bính, ta bắt gặp một hồn thơ gần gũi nhưng mới lạ. Nó gần gũi bởi một nỗi nhớ quen thuộc, bởi thể thơ lục bát cùng những hình ảnh gắn liền với cuộc sống thôn quê Việt Nam. Ở Xuân Quỳnh, đó là những câu thơ gần hơn với tâm hồn con người hiện đại, những câu thơ vượt biên và phá vỡ mọi giới hạn của tình yêu. Tình yêu mãnh liệt, da diết đến tràn ra khỏi câu chữ, mãnh liệt đến bồi hồi, khắc khoải…

Đọc những câu thơ về nỗi nhớ của Xuân Quỳnh hay Nguyễn Bính, tôi không cố ‎ so sánh phần hay dở của mỗi nhà thơ, mà là sự giãi bày những ấn tượng của mình trước một cuộc đối thoại vô hình của hai nhà thơ nổi tiếng viết về nỗi nhớ trong tình yêu. Tôi yêu chất “quê mùa” đáng yêu của một nhà thơ mới nơi tâm hồn Nguyễn Bính, càng yêu sự lãnh liệt, hiện đại và tràn đầy khát vọng của Xuân Quỳnh. Tất cả đều đã đặt lên trang giấy những lát cắt thật riêng về nỗi nhớ trong tình yêu nơi tâm hồn con người. Cả hai nhà thơ đã đóng góp những khám phá riêng để làm phong phú hơn đề tài tình yêu của thơ ca nước nhà. Và hơn hết, đó là sự gửi gắm một cách yêu độc đáo vào tâm hồn mỗi bạn đọc…

(Nguồn: Luyện kỹ năng viết văn - Học văn anh Tài)

Xem thêm: Một số dòng viết cho Sóng và Xuân Quỳnh, có thể bạn thích

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận