Một số dòng viết cho Sóng và Xuân Quỳnh, có thể bạn thích

Áng thơ của Xuân Quỳnh nhẹ nhàng đi vào tâm trí người đọc, lưu lại bao thổn thức. Dưới đây là một số dòng viết cho Sóng và Xuân Quỳnh có thể bạn sẽ thích. 

Đỗ Thu Nga
10:00 10/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1. Nỗi nhớ về Xuân Quỳnh

Nỗi nhớ của con người thường gắn với một cái cớ, một kỉ niệm có thể đẹp, có thể đáng quên nào đó. Để rồi mỗi lúc gặp gỡ thứ duyên cớ ấy, lòng ta lại chợt thức giấc, luyến lay, xao động. Tôi thường nhớ đến Xuân Quỳnh mỗi dịp trời trở thu đông. Nhất là những cơn gió heo may thổi đến làm tái tê lòng người sau những ngày tháng oi ả giữa dòng đời xuôi ngược. Tôi cứ thấy bóng dáng Xuân Quỳnh trở về theo từng làn gió nhẹ khẽ đung đưa hàng cây, theo từng sắc nắng dịu xuyên qua những đóa hoa cúc vàng rực rỡ, ấm áp. Trong “Lá vàng bay bay/ Như ngàn cánh bướm”, trong “cánh hải âu, sóng biếc/ Đưa thuyền đi muôn nơi”, trong những ngõ ngách “dâng đầy hoa cỏ may” cùng “lời yêu mỏng mảnh như màu khói”, trong “cỏ lật nơi chiều mây/ Đêm về sương ướt má”; đâu đâu tôi cũng thấy bóng dáng Xuân Quỳnh, đâu đâu tôi cũng nghe ngân vang tiếng thơ tình nồng hậu, khắc khoải, tê buốt mà cũng thật ấm áp của chị. Và có lẽ, đê mê, ấn tượng nhất là sự ẩn hiện của chị nơi sóng biển khơi xa du dương thi nhau vỗ bờ. Chị đã có những khoảnh khắc nhập hồn, hòa lòng vào sóng biển mênh mang. Nó man man khờ dại như trí óc của người đang yêu bị tình yêu chiếm lĩnh. Nó bản lĩnh, lí trí như cách người ta thưởng nguyệt tửu lầu, càng uống, càng tỉnh, càng mê man. 

2. Sự hòa hợp giữa sóng và em

Đọc “Sóng”, lắng nghe sóng biển du dương, hiền hòa; tôi càng ấn tượng hơn bởi tiếng sóng lòng em đã hòa hợp một cách màu nhiệm vào lòng sóng biển khơi xa. Nhà thơ đã mượn vũ điệu sóng trùng điệp mênh mang để khắc họa những xúc cảm của nhân vật trữ tình trong tình yêu. Bởi thế, sóng cũng chính là một bản thể, một cái tôi được phân thân của tâm hồn nhà thơ. Nó như tấm gương không chỉ phản chiếu mà là soi chiếu, nâng giấc cho tiếng lòng phụ nữ yếu ớt nhưng giàu lòng khao khát mãnh liệt. Sóng là thanh âm của nhành hoa dại nhỏ bé, yếu ớt bên vệ đường. Sóng là tiếng hoa doi thổn thức lòng em. Sóng là con đường thênh thang màu lá, là dập dìu cơn gió heo may. Sóng là lời “tự hát” da diết, lời “tự thú’ hồn nhiên của người con gái lớn lên bên dòng sông Nhuệ hiền hòa nguyện lấy đời mình làm thơ. Sóng là sự tái hiện, tổng hợp trọn vẹn chiều sâu tâm hồn của người con gái đang yêu và cũng chính là Xuân Quỳnh

Mot-so-dong-viet-cho-Song-va-Xuan-Quynh-co-the-ban-thich-0
Nữ sĩ Xuân Quỳnh

3. Điểm mới trong thơ tình Xuân Quỳnh

Ta biết đến một Targo với những áng tình thơ “triết lý” chạm vào thẳm sâu tâm hồn những kẻ đang yêu của nhân loại, một Xuân Diệu thang thang trong mảnh vườn tình yêu với những khát khao luyến ái rạo rực, đắm say, “nơi nào ta cũng kiếm vô biên”. Và trong suốt dải đê triền miên đến vô tận của những trang tình thơ, ta lại bồi hồi trước những trang thơ Xuân Quỳnh với quan niệm yêu mới mẻ, hiện đại. Đến với thơ ca, chị không phải là người đầu tiên đem tình yêu vào thơ nhưng tiếng thơ Xuân Quỳnh đã chạm, chạm thật sâu vào lòng bao kẻ tình si. Đó là tiếng thơ của một tâm hồn nữ, với điệu yêu đầy nữ tính. Đó đã là một sự khác biệt lớn đầy rạch ròi giữa ranh giới thơ tình Xuân Quỳnh và các nhà thơ khác. Loài người yêu nhau từ hàng ngàn năm nay nhưng mãi đến cuối thế kỉ thứ XIX, Rodin nhà điêu khắc người Pháp thiên tài với hàng loạt bức tượng điêu khắc nõn nường thanh khiết, mới lần đầu tiên phát hiện ra cái hôn kì diệu đó sao? Cũng như thế, đến với Xuân Quỳnh, chị đã đem đến một tiếng yêu mới, một điệu yêu mới mà chưa có tâm hồn nghệ sĩ nào đã yêu như thế!

4. Khát vọng tình yêu trong “Sóng”.

Đã bao giờ ta tự hỏi “Đâu là huyết lệ nuôi sống phần hồn con người?”, “Đâu là thứ khiến cho tình yêu của họ luôn cháy bỏng trong lồng ngực bé nhỏ kia?”. Có chăng đó chính là khát vọng, tình yêu và khát vọng như một sự liền mạch, kết nối đầy duyên trái của tạo hóa. Mấy mươi năm trước đây, ta nhớ đến Xuân Diệu với những khát khao tình ái mãnh liệt, dào dạt đến cồn cào cháy bỏng. Đó là khát khao: “Biển đắng khôn nguôi nỗi khát thèm”. Trở lại với hồn thơ Xuân Quỳnh, khát khao ấy không những nguôi ngoai đi mà vẫn mãnh liệt, cháy bỏng hơn bao giờ hết. Những câu thơ cuối bài như tiếng ngân của một cái tôi bị nhốt kín trong lòng nay muốn vươn lên để được sống và yêu. Khát vọng tình yêu với Xuân Quỳnh như huyết lệ nuôi dưỡng trái tim “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ để ngàn năm còn vỗ”. Xuân Diệu từng ví mỗi bài thơ như một cuộc đời mà ông chính là kẻ sĩ đang lang thang trong cuộc đời ấy. Thì nay đến với Sóng, tôi cũng xem bài thơ ấy như một cuộc đời, một cuộc đời đầy rạo rực, đầy khát khao nhân tính đời thường giản dị. Và Xuân Quỳnh, kẻ nguyện sống và chết chỉ trên cuộc đời ấy. Chị hòa mình vào sóng, máu tuôn ra và tình yêu hóa vĩnh hằng…

(Trích: Bồi dưỡng chuyên sâu Ngữ văn 12)

Xem thêm:

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận